14:25 | 16/03/2023

Phát triển mô hình tắm lá thuốc của người Dao đỏ, hướng đến sản phẩm Du lịch xanh

Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Với vị trí thuận lợi, khí hậu mát mẻ quanh năm, đặc biệt là truyền thống văn hóa - lịch sử lâu đời, chị, em phụ nữ thôn Sải Duần (xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) đã lựa chọn mô hình “Tắm lá thuốc của người Dao đỏ” để phát triển kinh tế, giữ gìn văn hóa, bảo vệ môi trường.

Sải Duần là 1 trong 10 thôn của xã Phìn Ngan, có 51 hộ với 231 nhân khẩu là người Dao đỏ sinh sống, thôn cách trung tâm xã khoảng 3km, có vị trí thuận lợi, khí hậu mát mẻ quanh năm, đặc biệt là truyền thống văn hóa - lịch sử lâu đời. Nhận thức được thế mạnh của địa phương và xu hướng phát triển du lịch hiện nay. Năm 2019, sau khi được đầu tư xây dựng nhà du lịch cộng đồng do Trung tâm Tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM), cùng với đóng góp của các gia đình trong thôn, chị em phụ nữ đã lựa chọn mô hình “Tắm lá thuốc người Dao đỏ” để phát triển kinh tế. Để hoạt động hiệu quả, thôn đã thành lập tổ quản lý gồm 12 thành viên là phụ nữ trong thôn trực tiếp vận hành. Đến nay, mô hình đang hoạt động hiệu quả, tạo sinh kế mới cho phụ nữ tại thôn.

Phát triển mô hình tắm lá thuốc của người Dao đỏ, hướng đến sản phẩm Du lịch xanh
Họp thôn biểu quyết xây dựng mô hình du lịch cộng đồng

Từ xa xưa, tắm lá thuốc đã được người Dao đỏ sử dụng như một phương thuốc giúp phục hồi sức khỏe, người già đau nhức xương khớp, trẻ em phòng trị bệnh ngoài da và đặc biệt là phụ nữ sau sinh, nhiều phụ nữ người Dao sau sinh, sử dụng 3 đến 5 nồi thuốc, chỉ sau 3 ngày là có thể lên nương làm rẫy. Mỗi bài thuốc tắm có từ 25 - 30 loài thảo mộc khác nhau, 2/3 trong số đó chỉ mọc trong rừng tự nhiên. Người hái thuốc phải được truyền dạy từ thế hệ trước, mỗi lần đi hái phải luôn tâm niệm: xin phép thần rừng, xin phép Tổ tiên. Do vậy người dân nơi đây rất coi trọng và bảo vệ rừng, rừng là nguồn sống, là báu vật thiêng liêng của người Dao.

Phát triển mô hình tắm lá thuốc của người Dao đỏ, hướng đến sản phẩm Du lịch xanh
Sản phẩm Thuốc tắm người Dao đỏ, không chỉ chăm sóc sức khỏe mà còn mang lại trải nghiệm tích cực cho du khách và bảo tồn tri thức văn hóa dân gian của người Dao đỏ.

Thu nhập bền vững - Cộng đồng hưởng lợi - Quyền năng phụ nữ được nâng cao

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, tổ quản lý mô hình của thôn, đã đón trung bình 3.000 lượt khách/năm (108 lượt khách Quốc tế), doanh thu đạt 160 triệu đồng/năm; riêng năm 2022. đón 3.800 lượt khách, doanh thu đạt 228 triệu đồng. Kết quả bước đầu, đã giúp cho 12 chị em phụ nữ trong tổ vận hành có nguồn thu nhập tăng thêm ổn định, qua các năm, nhiều hộ có thêm nguồn thu nhập từ việc bán các sản phẩm như: Thuốc tắm; gà bản; lợn đen bản địa; cá nước lạnh… lợi nhuận thu được, sẽ trích lại 20% đóng góp vào quỹ thôn để mọi người cùng hưởng lợi và tái đầu tư mở rộng.

Phát triển mô hình tắm lá thuốc của người Dao đỏ, hướng đến sản phẩm Du lịch xanh
Du khách tham quan, trải nghiệm tại nhà du lịch cộng đồng.

Thuốc tắm Dao đỏ nơi đây, được đánh giá có chất lượng tốt và nhiều người ưa chuộng, trong tương lai, đây sẽ là sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương. Với đà phát triển này, mô hình trên sẽ giúp chị em có thu nhập ổn định, nhất là việc nâng cao quyền năng của phụ nữ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như ở xã Phìn Ngan.

Văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy

Ngoài việc trải nghiệm tắm thuốc người Dao đỏ, du khách còn được tham gia các lễ hội văn hóa truyền thống như: Lễ hội Pút tồng; Lễ Cấp sắc; Lễ cúng rừng; Lễ cưới; Thưởng thức ẩm thực, văn nghệ, các trò chơi dân gian độc đáo (hát đối, múa, kèn Pí lè … ); Trải nghiệm trang phục truyền thống… Đặc biệt, nét văn hóa trong phong tục tập quán và đời sống sinh hoạt còn được tái hiện qua các tiết mục văn nghệ do đội văn nghệ thôn biểu diễn, đem lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách. Từ đó góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống trong cộng đồng người Dao đỏ.

Phát triển mô hình tắm lá thuốc của người Dao đỏ, hướng đến sản phẩm Du lịch xanh
Lễ cưới của người Dao đỏ

Môi trường nông thôn ngày càng được cải thiện

Mặc dù có nguồn tài nguyên dồi dào, nhưng các loài cây thuốc tắm đang ngày một cạn kiệt, vậy nên người dân đặc biệt coi trọng việc bảo tồn và phát triển các loài thuốc quý, nhất là các loài mọc dưới tán rừng tự nhiên. Nhờ những nỗ lực đó, mà nguồn tài nguyên quý giá này ngày một dồi dào, 13,5ha diện tích rừng tự nhiên của thôn được chăm sóc, bảo vệ tốt, người dân trong thôn đã phủ xanh hơn 60ha rừng, trong đó 22ha đã được thu hoạch đem lại thu nhập cao.

Phát triển mô hình tắm lá thuốc của người Dao đỏ, hướng đến sản phẩm Du lịch xanh
Rừng được chăm sóc và bảo vệ tốt.

Cùng với sự phát triển của mô hình, nhân dân cũng chú trọng hơn đến vấn đề bảo vệ môi trường, vệ sinh đường làng ngõ xóm để thu hút khách du lịch. Đến thôn Sải Duần hôm nay, 100% đường trục thôn được cứng hóa, 98% đường ngõ xóm được cứng hóa đi lại sạch sẽ, 100% các hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo quy định về chăn nuôi, hết năm 2022 thôn đã đạt 11/12 nội dung tiêu chí số 17 - Môi trường và an toàn thực phẩm, dự kiến 2023 thôn về đích nông thôn mới.

Hiệu quả đạt được từ mô hình, không chỉ tạo sinh kế bền vững cho phụ nữ địa phương, mà còn trở thành điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn, góp phần phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới.

Phát triển mô hình tắm lá thuốc của người Dao đỏ, hướng đến sản phẩm Du lịch xanh
Nhân dân tham gia đổ đường ngõ xóm

Mô hình từng bước khẳng định là một sản phẩm du lịch xanh, bền vững

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Với những yếu tố nêu trên, sản phẩm du lịch xanh mà mô hình tạo ra, được thể hiện ở các khía cạnh cơ bản sau:

(1) Kinh tế xanh: Sản phẩm mang lại cho du khách là sự kết hợp giữa giá trị sức khỏe, giá trị tinh thần và giao thoa văn hóa giữa các dân tộc; Mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng dân cư từ việc cung cấp các sản phẩm sẵn có của địa phương mà không làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên.

(2) Bảo tồn văn hóa truyền thống: Xu hướng du lịch hiện nay, du khách ngày càng hướng đến trải nghiệm văn hóa truyền thống, điều này, góp phần quan trọng trong ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của người dân địa phương.

(3) Môi trường sống xanh: Ý thức về bảo vệ môi trường được nâng cao, môi trường sống ngày càng xanh - sạch- đẹp, đây là yếu tố tất yếu để đáp ứng nhu cầu của du khách và thị trường du lịch.

(4) Các vấn đề con người được giải quyết: Mô hình càng phát triển, đời sống con người được nâng cao cả về vật chất và tinh thần, cộng đồng dân cư ngày càng được gắn kết, từ đó đảm bảo tốt các vấn đề về an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Nguyễn Như Quỳnh

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/phat-trien-mo-hinh-tam-la-thuoc-cua-nguoi-dao-do-huong-den-san-pham-du-lich-xanh-9678.html

In bài viết