Giải pháp nào cho doanh nghiệp khi không được vay ngoại tệ?

17/09/2019 11:07 Tăng trưởng xanh
Theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ ngày 1/10/2019, các tổ chức tín dụng sẽ phải dừng việc cho doanh nghiệp (DN) vay ngoại tệ trung hạn và dài hạn để thanh toán tiền hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài. Để thích nghi với thay đổi mới, các ngân hàng và doanh nghiệp cần tìm ra giải pháp thay thế. 
Kiểm soát chặt hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp Ngân hàng Nhà nước bất ngờ giảm 0,25%/năm lãi suất điều hành Thấy gì qua kết quả kiểm toán các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm?

Theo Thông tư số 42/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định về cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú của NHNN, đến ngày 1/10/2019, các ngân hàng thương mại sẽ phải dừng việc cho vay ngoại tệ đối với các DN có nhu cầu vay ngoại tệ trung, dài hạn để thanh toán tiền hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.

giai phap nao cho doanh nghiep khi khong duoc vay ngoai te
Để thích nghi với việc không được vay ngoại tệ, các ngân hàng và doanh nghiệp cần cùng nhau tìm ra giải pháp thay thế - Ảnh minh hoạ.

Cũng theo Thông tư này, hoạt động cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước đã ngưng từ ngày 1/4/2019. Theo NHNN, quy định này nhằm thực hiện lộ trình kiểm soát cho vay ngoại tệ theo hướng thu hẹp các nhu cầu vay vốn, chuyển dần quan hệ huy động vốn và cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ.

Trước đổi mới này, các ngân hàng và doanh nghiệp đều đã có sự chuẩn bị trước. Cụ thể, các ngân hàng đã chuẩn bị sẵn sàng cho DN chuyển đổi sang vay VNĐ, sau đó mua lại ngoại tệ theo tỷ giá tại thời điểm vay để có ngoại tệ thanh toán cho đối tác ở nước ngoài, với điều kiện doanh nghiệp chứng minh được mục đích sử dụng vốn vay. Hình thức vay này có thể khiến các doanh nghiệp chịu lãi cao hơn so với vay ngoại tệ tới 5-6%/năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng thương mại, địa chính trị trên khắp thế giới, tỷ giá tạm thời chưa có biến động nhiều.

Bên cạnh đó, lãi suất chênh lệch giữa USD và VNĐ hiện nay đang kịch thích người đầu tư bán ra USD. Tỷ giá sẽ tăng trong khoảng dưới 2% nên áp lực cân đối chi phí lãi vay và chênh lệch tỷ giá đối với các DN xuất nhập khẩu sẽ không quá lớn.

Hơn nữa, DN thuộc các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ, DN có uy tín, quan hệ tốt với ngân hàng sẽ được được hưởng lãi suất cho vay VNĐ ở mức khá thấp, chỉ từ 6,5-9%/năm. Thị trường mua bán ngoại tệ cũng khá thuận lợi, nhiều ngân hàng còn đưa ra nhiều giải pháp tài chính hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu của DN, như tài trợ thanh toán bằng thư tín dụng trả chậm (L/C) hoặc tư vấn các giải pháp giúp DN quản lý tài chính hiệu quả.

Giải pháp khác là tìm ra nguồn tiền ngoại tệ hoặc giảm chi phí hoạt động cho DN. Ông Lã Hồng Quang - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chè Á Châu cho hay, DN vẫn luôn sử dụng USD trong mọi giao dịch nên có nguồn thu bằng ngoại tệ khá dồi dào. Vì thế, để giảm chi phí, DN chuyển qua sử dụng dịch vụ bán ngoại tệ kỳ hạn để lấy tiền đồng.

Trong khi đó, Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam có 100% vốn đầu tư của Hà Lan nên được công ty mẹ cung cấp ngoại tệ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhiều DN cho rằng, việc dừng cho vay ngoại tệ đã được chuẩn bị trước, theo từng giai đoạn, không bất ngờ nên sẽ không tác động nhiều đến doanh thu và lợi nhuận của DN.

Theo NHNN, hiện vẫn còn một số hoạt động cần đến tín dụng ngoại tệ, nhưng về lâu dài sẽ chuyển hẳn sang quan hệ mua bán ngoại tệ, nhằm thực hiện theo đúng chủ trương chống “đôla hóa” nền kinh tế. Vì thế, sự chủ động của các ngân hàng và DN là rất cần thiết để có thể tận dụng tối đa các chính sách ưu đãi của Nhà nước, cũng như giảm chi phí tài chính cho hoạt động DN.

Diệu Anh (T/H)
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động