Kiểm toán chất thải trong quá trình sản xuất sữa

07/03/2019 20:29 Tăng trưởng xanh
Kiểm toán chất thải ngành sữa sẽ góp phần cải thiện chất lượng môi trường và nâng cao hiệu quả trong toàn bộ quá trình sản xuất cũng như gia tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm sữa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Kiểm toán chất thải trong quá trình sản xuất sữa

Hình minh họa

Bên cạnh những đóng góp về mặt kinh tế, các doanh nghiệp sản xuất sữa cũng làm phát sinh nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường. Để ngăn ngừa ô nhiễm ngay từ quá trình sản xuất, các doanh nghiệp đã tiến hành kiểm toán chất thải để xác định cụ thể nguồn thải, từ đó đưa ra các biện pháp giảm thiểu, chống tiêu hao và thất thoát. Điển hình như việc thực hiện kiểm toán chất thải tại Nhà máy sữa Hà Nội. Nhóm kiểm toán tiến hành khảo sát, thu thập số liệu đầu vào, đầu ra của các công đoạn sản xuất như nguyên liệu, năng lượng, nước và sản phẩm sữa để xác định khối lượng nước thải, rác thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Sau đó, nhóm kiểm toán đã lập bảng ghi các thông số đối với từng loại nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào tương ứng với các loại nước thải, khí thải, chất thải rắn (CTR) đầu ra. Đồng thời, áp dụng công thức Bilan (EC - eq = M x Ef, trong đó: EC-eq: Lượng các bon phát thải; M: Quy mô nguồn thải; Ef: Hệ số phát thải của nhiên liệu) để tính lượng phát thải ra môi trường của Nhà máy. Kết quả tính toán cho thấy, mỗi ngày lượng nước thải từ quá trình sản xuất sữa chiếm 98, 51%, nước thải từ sinh hoạt chiếm 1,49. Thông số các chất ô nhiễm như BOD5, COD, TSS, tổng nitơ, dầu mỡ trong nước thải đều vượt quy chuẩn cho phép QCVN 40:2001/BTNMT nhiều lần.
Quá trình sản xuất của các nhà máy sữa, với công đoạn phối trộn, lọc, làm lạnh, đồng hóa - tiệt trùng, làm nguội, bảo quản sản phẩm, chế biến, nồi hơi, rửa máy, làm phát sinh lượng nước thải tương đối lớn. Ngoài nước thải, lượng CTR cũng phát sinh do các hoạt động sinh hoạt của cán bộ, nhân viên trong nhà máy (lượng rác này có thể tái chế như: Vỏ lon, chai lọ nhựa, giấy, bìa các tông); CTR thu được tại song chắn rác của hệ thống xử lý nước thải (cặn sữa, bao bì ni lông và cặn lắng ở các bể xử lý nước thải); CTR nguy hại bao gồm bóng đèn huỳnh quang hỏng (được sử dụng thắp sáng ở nhiều khu vực như nhà ăn, hội trường, nhà hành chính, nhà bảo vệ...), hộp mực in thải bỏ (có tính độc và gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người). Cùng với đó, lượng khí thải chủ yếu phát sinh do 2 nguồn là: phát thải (Ceq) do điện năng tiêu thụ của hệ thống đèn chiếu sáng và phát thải khí nhà kính do nhiên liệu dầu (DO) sử dụng cho hệ thống nhà máy.
Kết quả kiểm toán chất thải các doanh nghiệp ngành sữa cho thấy, quá trình sản xuất đã phát sinh lượng chất thải lớn, cần thiết phải có các giải pháp giảm thiểu.
Giảm thiểu lượng CTR: Nên đặt hệ thống thu gom CTR theo hệ thống các thùng chứa riêng biệt: rác hữu cơ, rác vô cơ không có khả năng tại chế và có khả năng tái chế. Sau khi thu gom và phân loại được CTR, tùy theo từng loại có thể vận chuyển và đưa đi xử lý.
Giảm thiểu lượng nước thải: Tiến hành thu gom hàng ngày bọt và váng nổi ở khu vực bể điều hòa của hệ thống xử lý nước thải để tận dụng làm thức ăn cho gia súc hoặc làm phân bón hữu cơ cho cây trồng và hoa màu; Lắp đặt hệ thống đồng hồ đo và kiểm soát lưu lượng van xả đáy tại các thùng chứa, bồn chứa, lò hơi; Thiết kế hệ thống ống cống dẫn nước thải và hố thu nước thải riêng rẽ từ quá trình sinh hoạt của cán bộ, công nhân và sản xuất sữa để có phương phương pháp xử lý phù hợp; Thường xuyên kiểm tra, bảo trì đường ống dẫn nước trong khu vực sản xuất cũng như khu vực sinh hoạt của cán bộ, công nhân để tránh thất thoát nước.
Giảm thiểu lượng khí thải: Lắp đặt hệ thống máy hiện đại và ít tiêu tốn điện năng; Thường xuyên kiểm tra, vệ sinh hệ thống trang thiết bị; Cần tận dụng ánh sáng mặt trời để giảm lượng đèn sử dụng, giảm tiêu tốn điện năng và giúp khu sản xuất luôn luôn thông thoáng; Lắp đặt hệ thống rơ le tự ngắt cho các thiết bị điện và hệ thống ngắt điện tổng cho từng khu vực.
An toàn lao động: Cần xử lý tiếng ồn, độ rung và bụi; Thường xuyên kiểm tra thông số kỹ thuật của từng loại máy để tuân thủ, thực hiện đúng các nguyên tắc và chế độ vận hành máy móc; Hướng dẫn nội quy an toàn lao động về điện cho công nhân trong toàn nhà máy; Có các quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy để tránh xảy ra những sự cố…

 Lan Vy
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động