Nam Định: Phát triển nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu

17/09/2018 19:48 Địa phương
Ngành Nông nghiệp Nam Định đã chủ động đưa ra những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, bảo vệ hệ sinh thái rừng.

Tỉnh Nam Định được coi là địa phương có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp với địa hình khá bằng phẳng, gần 80km đường bờ biển, diện tích đất nông nghiệp khoảng 115 nghìn ha, trong đó diện tích đất trồng lúa gần 80 nghìn ha, hơn 15 nghìn ha dành cho nuôi trồng thủy sản (NTTS). Tuy nhiên, do tác động của BĐKH, hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản (NTTS), hệ sinh thái rừng ngập mặn (RNM) tại tỉnh Nam Định đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chủ yếu ở các huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng.
Mối đe dọa từ biến đổi khí hậu
Trong nhiều năm trở lại đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan như rét hại kéo dài, nắng nóng bất thường, hạn hán, mưa bão lớn, úng lụt… thường xuyên xảy ra. Hàng chục nghìn ha cây trồng bị ảnh hưởng kéo theo các loài sâu, bệnh hại như sâu cuốn lá nhỏ, rầy, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá ngày càng phát triển với mật độ cao, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hàng năm lên tới trên 200 tỷ đồng, trong khi năng suất cây trồng vẫn bị suy giảm và ô nhiễm môi trường gia tăng…
Tình trạng nước biển dâng cao khiến nước mặn lấn sâu vào nội địa làm thay đổi đa dạng sinh hoc, mất môi trường sống của nhiều loài động – thực vật. Tình trạng xói mòn, thay đổi dòng chảy, nước biển dâng khiến diện tích RNM vùng Cồn Mờ (huyện Nghĩa Hưng) bị suy giảm nghiêm trọng, nhiều loài đặc hữu ở vườn quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy) chịu ảnh hưởng trực tiếp như cá chuối sộp, cua giận, cò thìa…
Tại các xã ven biển của 3 huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy và Hải Hậu tình trạng xâm nhập mặn tăng, độ muối 1‰ vào sâu trong đất liền gần 25 km, hiện tượng phân tầng nhiệt rõ rệt trong thủy vực nước đứng gây ảnh hưởng đến quá trình sinh sống của sinh vật. Tính đến tháng 9/2017, toàn tỉnh có 4.458 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại, trong đó có 775,8 ha nuôi cá truyền thống, 1.659ha nuôi quảng canh tôm sú và cá biển; 157,5 ha nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng; 1.885,7 ha nuôi ngao.
Tăng cường giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu
Để nâng cao hiệu quả công tác ứng phó với BĐKH, tỉnh Nam Định đã nâng cấp, kiên cố hóa 56,8/76,6 km đê biển, xây mới 8 cống và 53 mỏ kè giữ bãi bảo vệ đê tránh xâm mặn; Rà soát quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch dân cư, hệ thống xử lý chất thải; Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường để kịp thời phát hiện, cảnh báo ô nhiễm môi trường; Xây dựng và triển khai một số mô hình kinh tế sinh thái ven biển nhằm thích ứng với BĐKH, nước biển dâng như:
Chuyển dịch trồng trọt theo hướng sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây rau màu ngắn ngày, cây dược liệu và các mô hình canh tác kết hợp có hiệu quả kinh tế cao; Xây dựng mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi cá, nuôi tôm ở vùng thấp trũng; Khu vực bị nhiễm mặn chuyển đổi sang NTTS…. Bên cạnh đó, tiến hành nghiên cứu sử dụng những giống cây có khả năng chống chịu cao với ngập úng, hạn, mặn.
Các hoạt động chăn nuôi được chuyển đổi theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ sang chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại quy mô vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, các địa phương còn quan tâm lựa chọn giống vật nuôi có sức đề kháng cao, thích nghi với điều kiện thay đổi của thời tiết.
Đẩy mạnh trồng rừng phủ xanh các vùng đất trống, đặc biệt là trồng cây chắn sóng bảo vệ các công trình thủy lợi, rừng ngập mặn; Tăng cường củng cố hệ thống rừng đặc dụng, hạn chế việc chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác; Khuyến khích người dân địa phương tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của BĐKH gây ra.

 
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động