Indonesia:

Ngừng nhập khẩu rác thải, dân nghèo lao đao

16/08/2019 14:23 Tác động môi trường
Việc chính phủ Indonesia trả lại rác thải cho các nước phát triển khiến người dân nghèo lao đao. 
Ô nhiễm báo động: Tìm thấy các hạt nhựa siêu nhỏ ở Bắc Cực Nghịch lý tại Ấn Độ: Sông thiêng sống chung với rác thải Ô nhiễm biển do rác thải nhựa tại Indonesia

Tháng 7 và tháng 8/2019, Indonesia liên tục trả lại các container rác thải nhập khẩu trái phép từ Pháp, Úc, Canada, Hong Kong, Mỹ,… để đảm bảo môi trường trong nước. Đây là động thái đúng đắn của chính phủ, vì lượng chất thải này lên tới hàng trăm nghìn tấn, không được phân loại, ô uế nghiêm trọng và chứa rất nhiều vi khuẩn. Tuy nhiên, việc này đã vô tình khiến những người dân nghèo đang sống bằng nghề “nhặt rác” phải lao đao.

chinh phu ngung nhap khau rac thai dan ngheo indonesia lao dao
Tại làng Bagun, cả những nơi trước đây là cánh đồng lúa cũng nhường chỗ cho rác. Ảnh: Reuters.

Tại làng Bagun (Indonesia), cuộc sống của 3.600 người dân trở nên đảo lộn khi nơi đây, rác mang lại cho họ nguồn thu nhập chính, cao hơn cả làm nông. Lúc nguồn rác thải còn “dồi dào”, phía trước và phía sau những ngôi nhà trong làng luôn trong trạng thái tràn ngập rác, cả những nơi trước đây là cánh đồng lúa cũng nhường chỗ cho rác.

Anh Heri Masud – một dân làng chia sẻ: “Nếu cấm nhập khẩu rác thải như vậy thì phải đưa ra giải pháp cho chúng tôi, hỗ trợ việc làm khác cho chúng tôi.”

Được biết, dân làng Bagun thường nhặt nhựa, nhôm và phế liệu khác có trong rác để bán cho các công ty tái chế. Các nhà sản xuất đậu phụ cũng mua rác về để làm nhiên liệu đốt. Có nhiều người thậm chí đã mua được nhà, trang trại, nuôi con cái ăn học,… nhờ nhặt rác.

Bên cạnh đó, làng Bagun có truyền thống hành hương đến những nơi linh thiêng nhất của Hồi giáo ở Ả Rập Saudi mỗi năm. Chi phí cho hoạt động này là không nhỏ, nhưng cũng nhờ vào nhặt rác mà có thể duy trì.

chinh phu ngung nhap khau rac thai dan ngheo indonesia lao dao
Người dân làng Bagun sẵn sàng sống chung với rác để có nguồn thu nhập. Ảnh: Reuters.

Ông Salam (54 tuổi) - một người dân trong làng cho biết: “Bây giờ tôi đang có 9 con dê, một ngôi nhà rộng đủ cho cả gia đình và đàn gia súc sống thoải mái, các con tôi cũng được đi học đàng hoàng. Tất cả là nhờ có rác thải”.

Được biết, bên cạnh nhặt rác, ông Salam còn là người môi giới cho dân làng và các nhà máy tái chế trong khu vực. Ông Salam khẳng định rằng, công việc này dễ và thoải mái hơn làm nông.

Tuy nhiên, dù mang lại nguồn lợi trước mắt lớn nhưng rác thải đang từng ngày, từng giờ đầu độc cuộc sống của họ. Họ có thể chưa biết điều này, hoặc đã biết nhưng bất chấp tất cả để mưu sinh.

Theo nghiên cứu của Tổ chức hoạt động vì môi trường ECOTON, các hạt nhựa siêu nhỏ phát tán từ rác thải đã làm ô nhiễm mạch nước ngầm ở Bagun và sông Brantas ở gần đó. Đây là nguồn nước của khoảng 5 triệu người trong khu vực.

Trên thực tế, lượng rác nội địa Indonesia đã quá nhiều. Nếu nhập khẩu “thả cửa”, lượng rác sẽ vượt quá khả năng xử lý trong nước. Năm ngoái, Indonesia đã nhập khẩu 283.000 tấn rác thải nhựa, tăng 141% so với năm 2017. Bên cạnh đó, theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới vào tháng 6/2019, các đô thị ở nước này thải ra khoảng 105.000 tấn chất thải rắn mỗi ngày, với chỉ 15% số đó được tái chế. Nhiều bãi rác thành phố thường xuyên xấp xỉ mức quá tải, rác cũng xuất hiện nhiều tại các đảo và bãi biển.

Ông Prigi Arisandi - Giám đốc điều hành của ECOTON nói trong một cuộc biểu tình bên ngoài đại sứ quán Hoa Kỳ ở Surabaya (phía Đông Java, Indonesia): "Chúng ta thấy rõ Indonesia đã quá đủ ô nhiễm rồi, vậy mà các nước phát triển còn cố gửi thêm rác tới".

Trước đó, Indonesa đã cam kết chi 1 tỉ USD để thực hiện kế hoạch giảm 70% mảnh rác nhựa trên biển vào năm 2025. Tuy nhiên, đến nay chưa có báo cáo nào về tiến trình của dự án. Bên cạnh đó, chính phủ nước này cũng đang “âm thầm” lên kế hoạch thiết lập các nhà máy sản xuất năng lượng từ rác thải, trong khi việc áp thuế túi nhựa vẫn đang vấp phải sự phản đối gay gắt từ ngành sản xuất nhựa.

Diệu Anh (Theo Reuters)
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động