Quảng bá và chia sẻ sản phẩm ngành công nghiệp môi trường Việt Nam

19/11/2018 15:53 Công nghệ, thiết bị
Ngành công nghiệp môi trường (CNMT) đã và đang thu hút sự quan tâm và đầu tư của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, dân cư để phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Có thể nói, thời gian qua nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ ban hành đã được vận dụng, mang lại cho ngành CNMT Việt Nam cơ hội và động lực phát triển. Trước những tiềm năng to lớn đó, liệu các hoạt động của ngành CNMT có kịp đáp ứng hay để lỡ nhịp trên chính sân nhà.

Chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển


Hội nghị quảng bá công nghệ, thiết bị, dịch vụ ngành CNMT ngày 29/10/2018 tại Hà Nội

Theo kết quả nghiên cứu tại Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược “Quy hoạch phát triển ngành CNMT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công thương, Bộ Công Thương đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và Báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo dự báo đến năm 2020, nhu cầu phát triển của ngành CNMT là rất lớn, tuy nhiên hiện nay ngành CNMT mới đáp ứng được 2 - 3% nhu cầu xử lý nước thải đô thị, 15% nhu cầu xử lý chất thải rắn, khoảng 14% nhu cầu xử lý chất thải nguy hại; nhiều lĩnh vực như tái chế dầu thải, nhựa phế liệu, chất thải điện, điện tử chưa phát triển.

Nhìn vào bức tranh tổng quan Hội nghị quảng bá công nghệ, thiết bị, dịch vụ ngành CNMT ngày 29/10/2018 tại Hà Nội của ngành CNMT, rõ ràng không thể sớm có thể thay đổi và tạo ngay cú hích cho ngành nhưng cũng không thể chờ đợi để tuột mất cơ hội phát triển. Việc áp dụng các công nghệ, thiết bị, dịch vụ phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, yêu cầu bảo vệ môi trường (BVMT) của đơn vị là rất cần thiết. Trên thực tế đã có rất nhiều công trình, sáng kiến được áp dụng và được đánh giá là ưu việt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chủ động lựa chọn mô hình phù hợp
Trong khuôn khổ Hội nghị Quảng bá công nghệ, thiết bị, dịch vụ của ngành CNMT, các đại biểu đại diện Cục Kỹ thuật, an toàn và Môi trường công nghiệp, Cục Công tác phía Nam - Bộ Công Thương; Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương; Viện CNMT; Viện Công nghệ sạch; Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam và một số đơn vị thành viên; Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Sở Tài Nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh; Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Bình Dương; Công ty Cổ phần Thanh Tuyền Group - Quảng Ninh... đã cùng trao đổi, chia sẻ về những công nghệ, thiết bị, dịch vụ đáp ứng hiệu quả hoạt động BVMT tại nhiều lĩnh vực, qua đó: Ngành Điện đã giới thiệu các công nghệ đốt than sử dụng tại các nhà máy Nhiệt điện; Nguồn phát tro, xỉ; Ảnh hưởng của tro, xỉ; Khó khăn trong việc xử lý tro, xỉ; Ứng dụng tro, xỉ vào cuộc sống; Định hướng sử dụng tro, xỉ... và hoạt động bảo vệ môi trường tại một số Công ty Nhiệt điện như Mông Dương, Na Dương, Duyên Hải, Đông Triều. Ngành Hóa chất, Phân bón chia sẻ về hướng khắc phục, xử lý những tồn tại, bất cập trong công tác bảo vệ môi trường; Những công nghệ, thiết bị mới, cải tiến nhằm giảm phát thải, cải thiện môi trường tại các đơn vị thuộc ngành. Những sáng kiến khoa học kỹ thuật tại Công ty Apatit Lào Cai, Công ty Supe phốt phát Lâm Thao; bảo vệ môi trường tại Công ty DAP1 và 2.


Tiến sỹ Đỗ Hữu Hào - Chủ tịch Hiệp hội CNMT Việt Nam

Ngành khai thác, chế biến khoáng sản quảng bá hệ thống xử lý nước thải mỏ, bụi, chất thải rắn, rác thải công nghiệp nguy hại; hoạt động sử dụng bền vững tài nguyên phục hồi môi trường trong khai thác, vận chuyển than, như: Trạm xử lý nước thải mỏ Hà Tu; Nhà máy xử lý và tái chế rác thải công nghiệp thuộc TKV; Hệ thống vận tải than Lép Mỹ - Cảng Km6; Hệ thống phun sương tại Cảng Km6.

Cũng tại Hội nghị, Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Bình Dương cho biết, Công ty có 2 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt với công suất 840 tấn/ngày, sản phẩm sau xử lý là khí để phát điện (dự tính Quý II/2019) và phân Compost (đã được Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cấp phép lưu hành). Hiện Công ty đang xây dựng nhà máy 3 với công suất 420 tấn/ngày. Đối với rác công nghiệp, rác nguy hại, Công ty sử dụng phương pháp đốt là chủ yếu với lò công suất 100 tấn/ngày. Các sản phẩm tro sau khi đốt được Công ty làm vật liệu xây dựng không nung.


Ông Nguyễn Mạnh Điệp - Trưởng ban Môi trường Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

Còn nhiều trăn trở

Nhìn lại những ưu đãi (thuế, phí) và hỗ trợ (quỹ đất, cơ sở hạ tầng, thông tin phát triển thị trường, phát triển nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đầu tư xây dựng các dự án xử lý môi trường trọng điểm) được các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau quy định, có thể thấy mọi hoạt động phát triển ngành CNMT đều có những chính sách về ưu đãi, hỗ trợ nhất định. Tuy nhiên, Bộ Công Thương là đơn vị được giao nhiệm vụ nhưng không được giao chức năng quản lý nhà nước về phát triển ngành CNMT và chỉ Nhà nước mới có các quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhưng lại chưa có các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở so sánh, phân loại và xác định đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Bởi vậy, có nguồn lực ưu đãi, hỗ trợ nhưng cơ quan quản lý nhà nước và các chủ đầu tư vẫn đang gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn lực.
Những trăn trở được Tiến sỹ Đỗ Hữu Hào - Chủ tịch Hiệp hội CNMT Việt Nam nhấn mạnh: Tại Việt Nam, hiện chưa có mô hình xử lý chất thải đạt chuẩn để xử lý các chất thải rắn, y tế, công nghiệp hay chất thải nguy hại, mặc dù đã được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của lĩnh vực sản xuất thiết bị, công nghệ phục vụ hoạt động BVMT trong nước còn nhiều hạn chế so với nhiều nước trên thế giới. Hiện ngành CNMT Việt Nam đang có những bước đi khá dè dặt, trong khi thực tế cần phải có những hướng đi táo bạo hơn để xử lý chất thải một cách tốt nhất nhằm gìn giữ, BVMT. Cũng theo Tiến sỹ Hào, cách làm mang lại hiệu quả cao nhất đối với vấn đề này là cần phải sớm nghiên cứu, phát triển công nghệ xử lý chất thải chất lượng cao đối với các loại chất thải rắn; nguy hại; các chất bảo vệ thực vật hay xử lý nước thải bằng công nghệ sinh học…


Ông Vũ Thanh Tuyền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thanh Tuyền Group

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thanh Tuyền Group - Quảng Ninh Vũ Thanh Tuyền bộc bạch: Công ty tự hào là đơn vị đầu tiên sử dụng công nghệ sản xuất gạch, ngói không nung từ tro, xỉ nhà máy nhiệt điện. Ông Tuyền mong mỏi các Ban, ngành liên quan quan tâm, chia sẻ hơn nữa đối với các doanh nghiệp sản xuất gạch, ngói không nung, tạo điều kiện cho vay vốn với lãi suất thấp để có điều kiện mở rộng thêm các chi nhánh, cũng như giảm bớt các thủ tục hành chính và sớm công nhận các sản phẩm gạch, ngói không nung từ tro, xỉ nhà máy nhiệt điện là sản phẩm xanh.


Ông Nguyễn Hữu Phép - Công ty Cổ phần Công nghệ vi sinh xử lý môi trường Việt Nam

Đại diện Công ty TNHH MTV thoát nước đô thị thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Cần có cơ chế giám sát từ phía đơn vị giao thầu và những cam kết cụ thể của đơn vị trúng thầu để tránh tình trạng không làm đúng như trong hồ sơ thầu, gây bức xúc dư luận, lãng phí tài chính và có thể gây ô nhiễm môi trường kép.
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Đa Lộc Nguyễn Hoài Nam kiến nghị: Nhà nước cần có chính sách cụ thể để thực hiện ngay hoạt động phân loại rác đầu nguồn, đã đến lúc chúng ta phải làm và triển khai đồng bộ, doanh nghiệp thực hiện hoạt động thu gom rác được phân loại đầu nguồn là đơn vị trực tiếp hưởng lợi từ hoạt động này, doanh nghiệp nên có chính sách hỗ trợ về tài chính cho người dân thông qua việc giảm giá th gom rác đã được phân loại.

 Nguyễn Hoàng
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động