Ra mắt bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”

23/07/2020 10:55 Tăng trưởng xanh
Lần đầu tiên Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, Viện Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc và CLB “Trái tim người lính” phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm gặp mặt tác giả và nhân chứng lịch sử với bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” nhân kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7/2020.
ra mat bo sach nhat ky thoi chien viet nam
Bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” nhân kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7/2020.

Bạn đọc cả trong và ngoài nước đã từng biết đến 2 cuốn nhật ký lừng danh, với hàng triệu bản in đã được phát hành, được dịch ra nhiều thứ tiếng của 2 liệt sĩ:“Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” của Anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Đây là lần đầu tiên, những tác phẩm Nhật ký thời chiến Việt Nam hay nhất, nổi tiếng nhất cùng đứng chung trong một bộ sách, với 31 tác phẩm của 31 tác giả. Sự trở về và hành trình từ những sổ tay Di vật – Kỷ vật đến bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam rất khác nhau. Mỗi tác giả trở về từ chiến trường đều có một số phận riêng biệt và mỗi tác phẩm trước khi đến với bạn đọc đều có một hành trình hàng chục năm với bao tình tiết ly kỳ. Những điều đó, sẽ được chính các tác giả, thân nhân tác giả và nhân chứng lịch sử làm sáng tỏ trong buổi tọa đàm nhiều cảm động, sáng ngày 22/7/2020 tại Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam.

Trung tướng TSKHQS, AHLLVTND Đoàn Sinh Hưởng (nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng – Thiết giáp; nguyên Tư lệnh Quân khu 4) Chủ tịch Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” đánh giá: “Đây là công trình, có giá trị cao về nội dung tư tưởng, mang thông điệp về cái đẹp và mang tính nhân văn sâu sắc. Có thể xem bộ sách "Nhật ký Thời chiến Việt Nam" như một tượng đài Di sản phi vật thể, mà các Anh hùng - Liệt sĩ, các cựu chiến binh đã để lại dấu ấn của tâm hồn mình cho thế hệ sau".

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng thư ký thứ Nhất Hội Nhà văn Á – Phi) khẳng định: “Bộ sách “Nhật ký chiến tranh Việt Nam” mang một giá trị lớn lao mà ngay lúc này chúng ta cũng chưa thể nhận ra hết giá trị của những trang nhật ký ấy. Nhiều năm sau chiến tranh Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu chiến tranh của Mỹ đã khẳng định: phát hiện lớn nhất của người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam là phát hiện ra nền văn hóa Việt Nam. Bởi thế mà những trang nhật ký của những người lính giải phóng Việt Nam đã trở thành một giá trị vô cùng to lớn làm lên bộ hồ sơ đặc biệt về văn hóa Việt Nam chứ không chỉ là một loại hồ sơ đặc biệt về cuộc chiến tranh giải phóng đất nước”.

Là Chủ biên của bộ sách, nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng đã thay mặt nhóm sưu tầm, biên soạn và thực hiện có “Lời thưa” rất chi tiết, cụ thể dài tới gần 20 trang sách với bạn đọc. Điều đặc biệt là 2/3 tác giả góp mặt trong bộ sách này đã không còn nữa. Nhiều người đã ngã xuống ngoài chiến trường, hoặc bị thương và vì di chứng chiến tranh, nên đã mất sau khi trở về. Ngoài sổ tay nhật ký (bản chính hoặc bản sao) mà thân nhân của các anh, chị đã tin tưởng, trân trọng chuyển cho chúng tôi, còn có cả những di ảnh, di bút của người đã khuất. Đó là những di vật thiêng liêng của nhiều gia đình...

Cũng trong buổi tọa đàm gặp mặt này, CLB Trái tim người lính (Soldier's Heart Club) – Một diễn đàn của các Cựu chiến binh trên mạng xã hội facebook và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã công bố Cuộc vận động sưu tầm Kỷ vật, Thư và Nhật ký, được viết trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Biên giới và biển đảo của Tổ quốc; nhằm bổ sung tư liệu cho bộ sách “Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam”. Đồng thời, phát động Cuộc thi viết và kể chuyện “Tình yêu trong chiến tranh” bằng kinh phí xã hội hóa.

Thu Nga
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động