Sơn Viên của ngày hôm nay

21/09/2018 16:22 Địa phương
Nguyễn Nhàn Nằm ở phía Đông huyện Nông Sơn, xã miền núi Sơn Viên có tổng diện tích tự nhiên là 2.846.04ha, với 5 thôn và 3.289 người. Những kết quả từ phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã và đang giúp xã nghèo Sơn Viên thay da đổi thịt từng ngày.

Đổi thay
“Trong nhiều năm qua, xã Sơn Viên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung tay XDNTM. Đạt được những kết quả quan trọng về hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông đã được bê tông hóa trên 90%, làm cho bộ mặt làng quê Sơn Viên khang trang, thay đổi rõ nét. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cơ cấu giống cây trồng vật nuôi được quan tâm thực hiện thường xuyên. Các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình dồn điền đổi thửa, quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), mô hình chăn nuôi bò cái lai sinh sản hậu bị, mô hình trao sinh kế được ưu tiên đầu tư phát triển, nâng thu nhập bình quân đầu người từ 22.9 triệu đồng/ người năm 2008 lên 27 triệu đồng/ người năm 2017” - ông Lê Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Viên phấn khởi cho biết.
Những nỗ lực vươn lên thời gian qua của Sơn Viên đã giúp xã nâng giá trị sản xuất tăng vượt bậc, ước đạt 25.83 tỷ đồng (đạt 102,5% kế hoạch), trong đó giá trị sản xuất nông lâm nghiệp là 15.15 tỷ đồng (đạt 102,1%); giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là 1.88 tỷ đồng (đạt 100.4%); sản xuất thương mại - dịch vụ là 8.8 tỷ đồng (đạt 104.5%). Riêng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 1.915.32 tấn, tăng 315.32 tấn so với năm 2016. Toàn xã còn 145 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 18.92%, 92 hộ cận nghèo, tỷ lệ 11.54% giảm 45.58% so với năm 2008.
Đến nay xã Sơn Viên đạt 13/19 tiêu chí về XDNTM, các tiêu chí còn lại đều đạt trên 50%. Năm 2018, xã nỗ lực hoàn thiện 2 tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa và môi trường. Việc triển khai xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu thôn Trung Yên chính là một trong những bước đi cần thiết để nâng chất lượng các tiêu chí.
Phát huy tiềm lực và nội lực cho chặng đường tiếp theo
Tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới của địa phương với phương châm: “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ông Lê Văn Phương cho rằng, cần phát huy mọi tiềm năng lợi thế sẵn có về nông, lâm nghiệp, vận động nhân dân chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang các mô hình trồng cây ăn quả như bưởi trụ Đại Bình, bưởi da xanh, chuối nuôi cấy mô, dừa xiêm lùn, sầu riêng... Phát triển và nhân rộng một số mô hình sản xuất lúa ICM do dự án Trường Sơn Xanh hỗ trợ, nhân rộng số lượng và cơ cấu đàn gia súc, gia cầm, cải tạo diện tích đất rừng sản xuất lớn phù hợp để trồng các cây keo, bạch đàn, sao... sẽ mang lại nguồn lực kinh tế lớn cho địa phương, tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, UBND đã định hướng người dân chuyển đổi sản xuất rừng gỗ lớn nhằm tạo tính bền vững thích ứng với nền kinh tế thị trường có sự chi phối của thời giá.
Song song với nguồn lực từ nông lâm nghiệp, địa phương còn thu hút phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hiện nay đã thu hút được một doanh nghiệp may mặc giải quyết việc làm cho 100 công nhân. Du lịch cũng là một tiềm lực lớn của xã Sơn Viên, dự án Khu du lịch nước nóng Tây Viên sau khi hoàn thành sẽ là một địa điểm thu hút khách du lịch trong tương lai.
Từng bước xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã Sơn Viên góp phần hạn chế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm “sạch”, chất lượng cao. Năm 2017 Ban quản lý XDNTM xã đã triển khai xây dựng 2 bể chứa rác thải tạm thời tại thôn Phước Bình Trung và Phước Bình Tây; lắp đặt 62 bể rác thải nguy hại theo phương án trên đồng ruộng và 25 thùng rác tại các điểm dân cư, hợp đồng với Hợp tác xã dịch vụ Quế Trung tổ chức thu gom 1 lần/tuần. Đối với rác thải nguy hại đồng ruộng, hàng năm hợp đồng với Đoàn thanh niên để thu gom.

 
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động