Thống nhất đầu mối quản lý chất thải rắn, tạo đột phá trong quản lý, xử lý chất thải

01/03/2019 16:22 Quản lý nguồn thải
Khẩn trương thực hiện hoạt động đánh giá hiện trạng công tác quản lý chất thải rắn tại các Bộ, ngành và địa phương; tổ chức các cuộc hội thảo, chuyên trang tham vấn, đánh giá toàn diện công tác quản lý, xử lý chất thải rắn; đề xuất xây dựng được các cơ chế, chính sách, cũng như đổi mới mạnh mẽ, tạo ra bước đột phá trong quản lý và xử lý chất thải rắn, nhất là chất thải rắn sinh hoạt.

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi Trường Võ Tuấn Nhân tại cuộc họp rà soát, đánh giá các quy định hiện hành về phân công công tác quản lý nhà nước đối với các Bộ, ngành và địa phương trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn và đề xuất các phương án sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan nhằm thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn được tổ chức ngày 28/2.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, chất thải rắn hiện đang được quản lý theo các quy định về chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và các chất thải đặc thù khác (như chất thải từ hoạt động y tế, hoạt động xây dựng, hoạt động nông nghiệp, chất thải từ hoạt động giao thông vận tải).
Trong các loại chất thải rắn nêu trên, trách nhiệm quản lý nhà nước về chất thải nguy hại đã được giao thống nhất trên phạm vi toàn quốc cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, với trách nhiệm quy định về danh mục, mã và ngưỡng chất thải nguy hại; yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý về phân định, phân loại, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, sơ chế, tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng; quy định trình tự, thủ tục đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; cấp và thu hồi Giấy phép xử lý chất thải nguy hại; kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại theo Công ước Basel…
Tuy nhiên, việc giao chất thải nguy hại cho một đơn vị đầu mối quản lý từ khi phát sinh đến khi xử lý, thiêu hủy cuối cùng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỷ lệ chất thải nguy hại được tái sử dụng, tái chế và xử lý đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày càng tăng trong thời gian vừa qua.
Đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường và các loại chất thải đặc thù khác như chất thải từ hoạt động y tế, chất thải từ hoạt động nông nghiệp, chất thải rắn từ hoạt động xây dựng… đang có sự tham gia quản lý nhà nước của nhiều Bộ, cơ quan liên quan nhưng về cơ bản đang được thực hiện theo hướng Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan nhà nước thống nhất quản lý, các Bộ liên quan quản lý chuyên ngành kỹ thuật theo chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định nên hiện chưa phát sinh nhiều vấn đề bất cập trong quản lý.
Riêng đối với chất thải rắn sinh hoạt hiện đang tồn tại nhiều bất cập. Hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý còn hạn chế, đặc biệt là chưa có một cơ quan đầu mối thống nhất về quản lý nhà nước. Mặc dù có sự tham gia của nhiều Bộ, cơ quan liên quan nhưng còn thiếu sự thống nhất, dẫn đến khó khăn trong quản lý nhà nước ở cả cấp Trung ương và địa phương, trong đó có sự chồng chéo, bỏ trống, phân đoạn về quản lý chất thải rắn.
Trước các bất cập, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn, ngày 03/02/2019, tại Nghị quyết số 09/NQ-CP Chính phủ đã thống nhất giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn; giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn.


Toàn cảnh cuộc họp

 Mai Hoa (tổng hợp)
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động