Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Công tác quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển đất nước

14/09/2022 12:52 Chính trị
Sáng 14/9 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng đồng chủ trì Hội nghị "Thẩm định quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Công tác quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển đất nước
Toàn cảnh Hội nghị "Thẩm định quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, công tác quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển.

Đây là lần đầu tiên chúng ta triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia theo Luật Quy hoạch trên cơ sở bám sát để cụ thể hóa đường lối Đại hội XIII của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), các nghị quyết của Trung ương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, hướng tới các mục tiêu phát triển đất nước tới năm 2025, 2030 và 2045. Quy hoạch phải tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, khả thi, phù hợp tình hình đất nước, với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược” - Thủ tướng khẳng định.

Nhắc lại quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới và sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân", Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch phải chỉ ra được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Từ đó có giải pháp phù hợp để phát huy tối đa các nguồn lực, trong đó nội lực (gồm con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa - lịch sử) là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài; ngoại lực (gồm vốn, công nghệ, quản lý, đào tạo nhân lực…) là quan trọng và đột phá.

Theo Thủ tướng, xây dựng quy hoạch đã khó, nhưng công tác thẩm định còn quan trọng hơn. Quá trình thẩm định phải giữ vững đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau, quyết định theo đa số với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Công tác quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển đất nước
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết., trong quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế để hoàn thiện quy hoạch; gửi xin ý kiến các bộ, ngành, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương và 5 ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia và các địa phương. Đồng thời đăng tải hồ sơ quy hoạch tổng thể quốc gia trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ KH-ĐT để lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan. Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã cử các chuyên gia hỗ trợ nghiên cứu, góp ý cho các nội dung lớn của Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Trong quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ KH-ĐT cũng đã tham khảo nhiều kinh nghiệm quốc tế, trong đó có quy hoạch quốc gia của các nước như Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản… Đây là những quốc gia có nhiều điều kiện tương đồng và mức độ phát triển cao hơn trong khu vực để tìm hiểu kinh nghiệm tổ chức lập và nội dung quy hoạch quốc gia ở các nước nêu trên.

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, quy hoạch tổng thể quốc gia tập trung vào phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế -xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng trên phạm vi cả nước.

Trong quá trình triển khai lập quy hoạch, Bộ KH-ĐT đã phối hợp với 16 bộ, ngành xây dựng báo cáo định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia (các quan điểm, mục tiêu và định hướng ưu tiên phát triển). Báo cáo đã được Thường trực Chính phủ, Chính phủ, Ban cán sự Đảng Chính phủ thảo luận, cho ý kiến nhiều lần. Trên cơ sở đó, Bộ KH-ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng 41 hợp phần quy hoạch, nghiên cứu, tích hợp, xây dựng dự thảo Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Cũng tại Hội nghị, nhiều chuyên gia đã đóng góp ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia với những quan điểm rất cụ thể, chi tiết, trong đó có nội dung về phân vùngkinh tế - xã hội.

Hiện nước ta đang phân chia thành 6 vùng kinh tế - xã hội, gồm: vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Quá trình xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia, đã có nhiều phương án được đưa ra về phân vùng, trong đó đề xuất chia cả nước thành 7 vùng, thay vì 6 vùng như hiện nay. Tuy nhiên, sau nhiều lần thảo luận, xem xét, Chính phủ đã chỉ đạo sử dụng phương án phân thành 6 vùng kinh tế - xã hội như hiện hành để thực hiện Luật Quy hoạch.

Theo Bộ KH-ĐT, Quy hoạch tổng thể quốc gia tập trung vào phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng trên phạm vi cả nước.

Quy hoạch tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Xác định các quan điểm lớn về phát triển quốc gia; xác định và định hướng phát triển cho các vùng động lực, cực tăng trưởng; hình thành các trục và hành lang kinh tế; hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng./.

Trường Giang - Phạm Sinh

Trường Giang
Sản xuất
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động