TP. Hồ Chí Minh: Giải quyết dứt diểm các điểm ô nhiễm về rác thải

08/01/2020 09:41 Quản lý nguồn thải
Nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, nên sau hơn 1 năm thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP. Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước” đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
TP. Hồ Chí Minh: Bài toán rác đã có lời giải?

Ngày 19/10/2018, Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh (HCM) đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP. HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”. Theo đó, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các Sở, ngành, UBND 24 quận, huyện triển khai công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia Cuộc vận động, bảo vệ môi trường (BVMT) gắn với việc thực hiện các chỉ tiêu về Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020 và Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 11/6/2017 của HĐND thành phố về công tác BVMT đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố.

tp ho chi minh giai quyet dut diem cac diem o nhiem ve rac thai
Lễ phát động Cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch.

Chuyển biến tích cực

Mục tiêu của Chỉ thị số 19 là vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, tiến tới chấm dứt việc xả rác bừa bãi gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn hệ thống thoát nước và kênh rạch.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của TP. HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) TP. HCM cho biết, qua 01 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động đã cho thấy có sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị của thành phố trong công tác bảo vệ môi trường. Tính đến hết tháng 12/2019, có 322/322 phường, xã, thị trấn tổ chức đối thoại với nhân dân (đạt tỷ lệ 100%); vận động được 1,36 triệu hộ dân ký bản cam kết không xả rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định; lắp đặt 33.676 thùng rác công cộng…

Đặc biệt, Thành phố đã xử lý được 656/733 điểm ô nhiễm về rác thải, trong đó nhiều điểm trở thành vườn hoa, công viên; tiến hành khảo sát và lắp đặt 21.093 camera an ninh trật tự kết hợp với giám sát về chất lượng vệ sinh môi trường đô thị khu dân cư. Thành phố đã xét và công nhận 90 khu phố - ấp đạt danh hiệu “Khu phố - ấp sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch”, 21 phường - xã - thị trấn đạt danh hiệu “Phường - xã - thị trấn không xả rác ra đường và kênh rạch”; 47 công trình, giải pháp, sáng kiến đạt danh hiệu “Công trình, giải pháp, sáng kiến xanh”.

Dù vậy, trên thực tế, rác thải vẫn còn tồn tại ở gốc cây, cột điện, miệng hố ga, cống thoát nước, lòng đường, vỉa hè, thảm cỏ, kênh rạch,… nhưng các địa phương chưa có biện pháp xử lý triệt để, hiệu quả. Các hộ kinh doanh trên vỉa hè, mặt tiền đường chưa có giải pháp thu gom nên vẫn còn tình trạng người dân xả rác, đổ nước thải, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường buôn bán gây mất mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường công cộng.

Công tác xử phạt đối với các hành vi xả rác thải ra đường, kênh rạch chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thể hiện tính răn đe, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật chung trong xã hội. Công tác kiểm tra, giám sát chất lượng vệ sinh môi trường của các quận - huyện chưa được quan tâm đúng mức.

tp ho chi minh giai quyet dut diem cac diem o nhiem ve rac thai
TP.HCM sẽ xử lý dứt điểm các điểm đen về ô nhiễm rác thải.

Đa dạng hình thức vận động

Giám đốc Sở TN&MT TP. HCM đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả Cuộc vận động quan trọng và có ý nghĩa này. Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, trước hết cần đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động tuyên truyền nhân dân, tổ chức đối thoại và vận động 100% hộ dân trên địa bàn thành phố cam kết không xả rác bừa bãi ra đường và kênh rạch. Đặc biệt, giải quyết dứt diểm các điểm ô nhiễm về rác thải, duy trì chất lượng vệ sinh môi trường tại các khu vực đã được giải quyết và có các giải pháp không để phát sinh các điểm ô nhiễm mới. Giải quyết triệt để các công trình lấn chiếm hệ thống kênh rạch, lấn chiếm cửa xả, hầm ga thoát nước; thực hiện kế hoạch nạo vét, duy tu, bảo dưỡng hệ thống kênh rạch, hệ thống thoát nước; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về môi trường, đặc biệt là việc phát hiện, xử lý hành vi vi phạm vệ sinh nơi công cộng. Nghiên cứu các giải pháp tăng cường xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh môi trường nơi cộng cộng làm cơ sở cho các địa phương thực hiện; nghiên cứu đề xuất áp dụng hình phạt lao động công ích đối với các trường hợp vi phạm quy định về vệ sinh nơi công cộng.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT sẽ nghiên cứu, bổ sung các phương án hỗ trợ chuyển đổi phương tiện thu gom tại nguồn cho lực lượng thu gom rác dân lập, tổ chức, sắp xếp lại hoạt động thu gom của lực lượng dân lập, chuyển đổi 100% các tổ chức thu gom rác dân lập thành các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân để quản lý hiệu quả; tổ chức dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn, đặc biệt như: rác thải xây dựng, rác thải công nghiệp, vật dụng có kích thước lớn, cồng kềnh. Xây dựng các trạm trung chuyển ép rác kín, tiên tiến hiện đại (tiến đến việc ngầm hóa các trạm trung chuyển trên địa bàn thành phố).

Phát huy vai trò định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện công tác truyền thông tại các địa phương và đơn vị, Sở TN&MT xây dựng đội ngũ báo cáo viên và duy trì việc định kỳ tổ chức các lớp tập huấn nhằm bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho báo cáo viên cấp thành phố và cán bộ truyền thông, lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt ở địa phương; xây dựng và phát hành các tài liệu, công cụ hỗ trợ cho công tác truyền thông; tổ chức các mô hình BVMT và hướng dẫn nhân rộng (BVMT dựa vào cộng đồng theo mô hình tổ nhân dân tự quản, mô hình Trường học Xanh…).

Thúy Hà
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động