Uy tín của ngành Công Thương nâng lên với sự đóng góp nhiều mặt cho đất nước

17/09/2018 18:57 Tăng trưởng xanh
Tại Hội nghị tổng kết ngành Công Thương năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thủ tướng vừa ký Nghị định số 08 ngày 15/01, cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh trong tổng số 1216 điều kiện (tương đương 55%) do Bộ Công Thương quản lý. Đây là con số rất lớn chứng tỏ Bộ Công Thương đang rất quyết tâm nhằm đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, theo thông lệ quốc tế.

Uy tín của ngành Công Thương nâng lên với sự đóng góp nhiều mặt cho đất nước

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương toàn thể các cán bộ, người lao động ngành Công Thương đã đoàn kết, nỗ lực, vượt qua khó khăn, đóng góp to lớn vào thành tích chung của cả nước trong 2017. Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, các Lãnh đạo Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, các Hiệp hội, ngành hàng, các địa phương, doanh nghiệp… Tất cả đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Nhà bác học Lê Quý Đôn đã nói: phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng. Theo đó, nếu không có nông nghiệp thì xã hội bất ổn; không công nghiệp, đất nước không giàu; không có thương mại thì xã hội không hoạt động; không có trí thức thì xã hội không hưng thịnh. Xã hội có bốn loại hình quan trọng thì Bộ Công Thương chiếm hai thứ là công nghiệp và thương mại. Đây là trách nhiệm, là vinh dự, danh dự của ngành Công Thương trước vận mệnh phát triển của quốc gia, dân tộc, đóng góp cho sự hưng thịnh của đất nước.
Thủ tướng khẳng định: Với tất cả thành tựu đạt được trong năm 2017, "ngành Công Thương hoàn thành toàn diện, xuất sắc nhiệm vụ 2017", theo đó, "...uy tín của ngành Công Thương nâng lên với sự đóng góp nhiều mặt cho đất nước, nhất là cải cách phát triển".
Năm 2017 có nhiều yếu tố khách quan, chủ quan ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của Ngành như: tình hình biển đông, việc không ký được TPP 12, nhiều khuyết điểm bất cập trong nhiều dự án thua lỗ... Trong bối cảnh đó, Ngành đoàn kết, vượt qua khó khăn. Những đơn vị trong toàn Ngành đã vượt qua khó khăn, trong đó có các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Thủ tướng khẳng định, quyết tâm của toàn Ngành rất cao, không chùn bước. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn rất thực tế. Nếu không có doanh nghiệp, không có người dân, chúng ta không phát triển. Ngành Công Thương đã từng bước tháo gỡ khó khăn. Trong sản xuất phát triển, công nghiệp có nhiều đóng góp lớn. Chúng ta có một tinh thần quyết tâm trong sản xuất, kinh doanh, nhất là công nghiệp, rất lớn. Thủ tướng đã liệt kê những doanh nghiệp lớn của Nhà nước và tư nhân, có nhiều nỗ lực lớn, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ: Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty TNHH ôtô Trường Hải, Tập đoàn Thành Công…
Theo Thủ tướng, ngành Công Thương đã biết gạt bỏ những lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình đồng thời là Bộ, đi đầu trong việc tiên phong cắt bỏ các thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính góp phần quan trọng tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, theo đánh giá của thế giới, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tăng 5 bậc, môi trường đầu tư Việt Nam tăng 14 bậc.
Thủ tướng cũng cho biết, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trình Thủ tướng ký Nghị định số 08 ngày 15/01, ngay tại Hội trường, cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh trong tổng số 1216 điều kiện (tương đương 55%). Đây là con số rất lớn chứng tỏ Bộ Công Thương đang rất quyết tâm nhằm đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, theo thông lệ quốc tế.
Thủ tướng đánh giá, Bộ Công Thương luôn thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về cấu trúc lại bộ máy, giúp cho Bộ hoạt động mạnh mẽ, đạt kết quả. Trong đó có việc xử lý 12 dự án thua lỗ, cắt bỏ và giảm đầu mối Cục, Vụ với 5 đơn vị. Về điểm này, Thủ tướng khẳng định, Bộ đã làm quyết liệt với thái độ dũng cảm, không né tránh. Ngoài ra, Thủ tướng đánh giá Bộ đã thực hiện hiệu quả chỉ đạo về việc thoái vốn Sabeco. Đây dược coi là hình mẫu, khuôn khổ để nhiều ngành và đơn vị phải học hỏi, đảm bảo nguyên tắc công khai minh bạch, chống lại tiêu cực, lợi ích nhóm.
Tại Hội nghị, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của ngành Công Thương. Cụ thể, một số chiến lược quy hoạch ngành Công Thương vẫn còn chậm bổ sung, sửa đổi đảm bảo tính khoa học, đổi mới đất nước, gắn với định hướng thị trường xã hội chủ nghĩaz; sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước có bước tiến song còn chậm và chưa đạt hiệu quả mong muốn; một số chính sách kìm hãm sự phát triển, chưa thoát ra được, nhiều chính sách cần tiếp tục tháo gỡ tốt hơn trước yêu cầu mới. Sản xuất gắn với tiêu dùng và thị trường nhưng dự báo, cung cầu thị trường còn thiếu, chưa gây dựng liên kết sản xuất với thị trường để giảm rủi ro...
Thủ tướng đồng ý với những giải pháp phát triển Ngành trong năm 2018, đồng thời chỉ đạo: các cấp, Bộ, ngành và địa phương cần có sự vào cuộc đồng bộ, phát huy hơn nữa trong chỉ đạo điều hành 2018 và các năm tiếp theo; đổi mưới tư duy, xác định tầm nhìn dài hạn, vượt qua tư duy nhiệm kỳ, e ngại khó khăn, không dám đối mặt khó khăn để tận dụng cơ hội, biến khó khăn thành cơ hội để đạt mục tiêu cao hơn; cụ thể hóa thể chế, chính sách tiếp tục triển khai mạnh mẽ cơ cấu ngành công nghiệp giai đoạn 2018-2020 xét đến năm 2025 theo Nghị quyết Chính phủ đã thảo luận; đẩy mạnh hơn nữa sản xuất kinh doanh, đảm bảo cân đối cung cầu đất nước; tập trung phát triển thị trường trong nước với gần 100 triệu dân, với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, hệ thống bán lẻ gắn với tiêu dùng nội địa phải chú trọng; triển khai phòng vệ thương mại, tăng kiểm soát nhập khẩu, cải thiện thâm hụt thương mại, không để thua trên sân nhà; hàng Việt Nam chất lượng cao phải nâng cao uy tín và tâm thế để chiếm lĩnh chứ không phải yêu cầu người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị toàn thể cán bộ Bộ Công Thương có một tầm nhìn mới, một quyết tâm mới, đặc biệt là một chương trình hành động sống động, quyết liệt để hoàn thành xuất sắc toàn diện các chỉ tiêu 2018; đặt nền tảng cao hơn, lâu dài hơn cho hội nhập của đất nước nhất là trong thời đại khoa học công nghệ.

Hồng Hạnh
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động