“Việt Nam có trở thành “con rồng” hay không là nhờ một phần sự phát triển đột phá của ngành Công Thương”

18/01/2019 16:10 Tăng trưởng xanh
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy tại Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Công Thương, diễn ra sáng ngày 17/1.

Khẳng định vai trò mũi nhọn


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chỉ đạo Hội nghị


Cụ thể, về thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển được Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành, năm 2018 tiếp tục ghi nhận những kết quả đạt được toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động của Ngành. Toàn bộ các chỉ tiêu kế hoạch đều thực hiện đạt và vượt được Quốc hội và Chính phủ giao.
Thứ hai, Bộ Công Thương đã tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp, đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến gắn với đơn giản hóa thủ tục hành chính. Năm 2018, Bộ Công Thương đã tiếp tục đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa và chuyển hậu kiểm 202 điều kiện trên tổng số 561 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (tương đương với 36%), nâng tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương dự kiến đạt 72,1%.


Đông đảo đại diện các Bộ, ngành, doanh nghiệp... dự hội nghị

Đặc biệt, về xử lý, giải quyết các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, đến thời điểm hiện nay, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi và từng bước ổn định là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Nhà máy thép Việt - Trung. Trong số 3 nhà máy trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh, đến nay, đã có 2 nhà máy vận hành sản xuất trở lại, cho ra sản phẩm đạt chất lượng tốt là Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi. Các dự án khác đều đang được khẩn trương xử lý các vấn đề còn tồn tại theo đúng phương án, lộ trình xử lý được Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề ra.
Ngoài ra, các mặt công tác khác như nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực... trong ngành Công Thương năm 2018 đã tiếp tục được tập trung đẩy mạnh. Qua đó các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương và của Chính phủ đều được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động cụ thể để thống nhất chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện trong toàn ngành.
Đánh giá cao những thành tựu của ngành Công Thương trong năm 2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2018, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40,2 tỷ USD, là con số đáng ghi nhận trong bối cảnh tình hình thế giới gặp nhiều khó khăn. Thành tích này có sự đóng góp quan trọng của công nghiệp chế biến với 11 nhà máy chế biến nông sản được khởi công và đưa vào hoạt động.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các thành quả của ngành Công Thương

Kết quả của ngành nông nghiệp có được nhờ sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Công Thương, từ đó thực hiện cam kết, góp phần cho thành công chung” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Về phía các địa phương, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay, năm 2018, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với thành phố trong việc nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Đồng thời, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã thúc đẩy thương mại điện tử - xu hướng mới của thế giới với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là trọng tâm. Năm 2018, các hoạt động xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương đã giúp Hà Nội đưa hàng hóa được vào các kênh phân phối lớn như AEON (Nhật Bản), chợ Rungis (Pháp)… tạo điều kiện cho hàng hóa được vào thẳng thị trường thay vì phải xin cấp phép từng loại như trước đây” - ông Nguyễn Đức Chung nêu rõ.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Sau 30 năm đổi mới, ngành Công Thương vẫn khẳng định là ngành mũi nhọn, đáp ứng kịp thời cho sự phát triển kinh tế đất nước. Bộ Công Thương quản lý ngành công nghiệp, thương mại, đóng góp đến 80% GDP, đa ngành, đa lĩnh vực, phức tạp trong điều hành quản lý nhưng vẫn giữ được vai trò là động lực tăng trưởng. Đây là thành tích đáng ghi nhận”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ hơn, trong năm 2018, nền kinh tế hoàn thành toàn diện các mục tiêu được giao, trong đó nhiều chỉ số tăng trưởng vượt bậc như xuất nhập khẩu, xuất siêu, thương mại tiêu dùng… Những thành tựu quan trọng này không thể có được nếu thiếu vai trò của ngành Công Thương.


Đại diện các Bộ ngành, doanh nghiệp, địa phương cùng Thủ tướng tại hội nghị


Thủ tướng trao quà Tết cho Bộ Công Thương

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Năm vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Công Thương cùng một số bộ ngành, địa phương đã cùng Thủ tướng trực tiếp đi xúc tiến thương mại, đi bán hàng xuất khẩu… Nỗ lực này đã được đền đáp bằng việc ta đã xuất khẩu đến nhiều thị trường, nhiều kênh siêu thị, đưa hàng hóa lên các kênh thương mại điện tử lớn”.
Lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế cũng đạt nhiều thành quả khi đến nay, nước ta đã ký kết 12 hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương. Bộ Công Thương cũng đang nỗ lực mạnh mẽ cùng Bộ Ngoại giao để phấn đấu ký được Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU. Công tác hội nhập thành công đã có vai trò quan trọng trong việc mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt thâm nhập nhiều thị trường nước ngoài.
Năm qua, thị trường trong nước phát triển và giữ vững ổn định. Bộ Công Thương cũng nỗ lực xây dựng thể chế, đổi mới phương thức quản lý với nhiều bước đi vững chắc: trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật cạnh tranh, pháp lệnh quản lý thị trường… Chỉ số tiếp cận điện năng tăng 37 bậc, là sự nỗ lực lớn. Đặc biệt, Bộ đã đề xuất tiết giảm 72,1% điều kiện kinh doanh, từ đó giải phóng năng lực sản xuất, tạo điều kiện cho DN phát triển.
Trong lĩnh vực cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đến nay, Bộ Công Thương chính là bộ đi đầu” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận.
Phấn đấu cho mục tiêu 2019
Cùng với những thành tựu đạt được, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại mà ngành Công Thương cần khắc phục như tính chủ động lập quy hoạch chưa cao; 1 số quy hoạch chậm khiến ảnh hưởng đến sự phát triển chung; ngành công nghiệp chưa phát triển đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn, dẫn dắt toàn ngành.
Trật tự thị trường dù được kiểm soát nhưng tình trạng hàng gian hàng giả còn phổ biến, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh doanh nghiệp trong nước. Thương mại điện tử phát triển chưa mạnh.


Thủ tướng gặp gỡ các cán bộ công nhân viên ngành Công Thương

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng biểu dương ngành Công Thương khi chỉ trong 3 ngày đầu năm đã đề ra Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ, đề ra hàng loạt các giải pháp quyết liệt để hoàn thành mục tiêu năm 2019. Để hoàn thành các mục tiêu, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trong kỷ nguyên số và cách mạng công nghiệp 4.0, khoa học công nghệ là vấn đề quan trọng cần đặt ra. Đi liền đó là nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành công nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng, triển khai các quy hoạch ngành, không vì quy hoạch mà để xảy ra tình trạng xin cho, chậm trễ. Bên cạnh đó, thực hiện định hướng trong Chiến lược phát triển thương mại quốc gia. Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, thoái vốn một cách chặt chẽ, hiệu quả; tiếp tục xử lý các dự án chậm tiến độ; Phát triển xuất khẩu, thúc đẩy phát triển các thị trường ngoài nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Với sự thành công liên tiếp trong 3 năm qua, Chính phủ tin rằng ngành Công Thương chỉ có tiến mà không có lùi, vì sự nghiệp dân tộc, vì cuộc sống nhân dân”.
Về phía các địa phương, ông Nguyễn Đức Chung kiến nghị năm 2019, Bộ Công Thương cần đặc biệt quan tâm đến việc cung ứng điện cho thành phố. Đồng thời có những cơ chế ưu tiên cho giá điện từ các nguồn tái tạo, đặc biệt là các nhà máy rác. Hệ thống hóa và xây dựng hệ thống logistics để phát triển thương mại điện tử vì đây là xu hướng thế giới.
Ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) bày tỏ, Bộ Công Thương cần tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa công tác cải cách hành chính, giảm thuế, giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành để cải thiện năng lực cạnh tranh DN. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thu hút và cấp phép DN đầu tư lớn, đảm bảo tận dụng các hiệp định thương mại tự do.
Các Bộ Công Thương, Tài chính, Tổng cục Hải quan cần giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp dệt may, đặc biệt thuế cho hàng hóa gia công. Hỗ trợ, cập nhật khả năng ứng phó chiến tranh thương mại Mỹ - Trung để kịp thời ứng phó” – ông Lê Tiến Trường nêu rõ.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và đề xuất của các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu và nhận thức đầy đủ những vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ đã phân tích, chỉ đạo cũng như những ý kiến thông qua những tham luận của lãnh đạo các Bộ, ban ngành, lãnh đạo của địa phương, doanh nghiệp. Đó sẽ là những điểm, những nội dung bổ sung, hoàn thiện về những hoạt động của ngành Công Thương trong năm 2018 cũng như mục tiêu kế hoạch cho năm 2019.
"Bên cạnh bài phát biểu toàn diện đầy đủ, Thủ tướng Chính phủ có hỏi một câu đi vào thực chất là để thực hiện mục tiêu bứt phá của Chính phủ trong năm 2019, Bộ Công Thương phải làm gì, ngành Công Thương phải làm gì? Thủ tướng đã giải đáp và yêu cầu đó là sự đột phá của ngành Công Thương" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ và khẳng định, Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành kế hoạch hành động số 08 và 09 ban hành ngày 4/1 để thể hiện sự quán triệt tinh thần tiếp thu và sự nghiêm túc của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức ngành Công Thương triển khai Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ. Trong đó yêu cầu các hoạt động xuyên suốt đến các đơn vị trong Bộ Công Thương. Đây cũng là nhiệm vụ của không chỉ một mình Bộ Công Thương mà phải có sự chung tay, chủ động gắn bó chia sẻ trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ, kịp thời mang tính chủ động của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.

 Congthuong.vn
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động