Xử lý chất thải rắn và tương lai môi trường của Việt Nam

21/01/2019 17:27 Quản lý nguồn thải
Nhằm trao đổi, thảo luận các vấn đề về các cơ chế, chính sách, công nghệ và tìm ra những định hướng, giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh thu hút đầu tư, ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn (CTR) tiên tiến, thân thiện môi trường, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, ngày 10/1/2019, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH Cơ nhiệt điện lạnh Bách Khoa (Polyco) và Đại học Công nghệ Đông Á tổ chức Hội nghị bàn tròn về xử lý CTR. Hội nghị có sự tham gia của đại diện các Bộ: Công thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường và gần 70 đại biểu thuộc các Viện nghiên cứu, Tập đoàn, công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường, năng lượng trên cả nước.


Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam,
Công ty TNHH Cơ nhiệt điện lạnh Bách Khoa (Polyco)
và Đại học Công nghệ Đông Á đồng tổ chức Hội nghị về xử lý CTR

Công nghệ xử lý CTR chưa phù hợp điều kiện thực tế

Theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đối với CTR đô thị: Tất cả các đô thị loại đặc biệt và loại I có công trình tái chế CTR phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình, 85% các đô thị còn lại có công trình tái chế CTR phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình, 90% tổng hợp CTR sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, tăng cường khả năng tái chế, sử dụng, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ, phấn đấu tỷ lệ CTR sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp, đạt tỷ lệ dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom.
Đối với khu vực nông thôn: 80% lượng CTR sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, tự xử lý và xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost…

Tiến sỹ Đỗ Hữu Hào - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam

Tiến sỹ Đỗ Hữu Hào - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, chủ trì Hội nghị cho biết: “Ở nông thôn hiện nay CTR chưa có phương pháp xử lý hợp lý, 80% rác thải nông thôn cần phải tập trung thu gom để xử lý và tái chế, giảm thiểu tỷ lệ chôn lấp rác thải xuống dưới 20%, tuy nhiên, rác thải nông thôn thường nghèo năng lượng, hiện nay vẫn chưa tìm kiếm được những công nghệ phù hợp để xử lý CTR. Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều mô hình xử lý CTR thành công nhưng hiệu suất thấp, giá thành cao nên phương pháp phổ biến nhất vẫn là đốt rác, cách làm này lại càng gây ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, do mâu thuẫn cơ chế chính sách hoạt động của doanh nghiệp dẫn đến giá thành xử lý chất thải không rẻ, mức kinh phí chôn lấp thấp hơn và mang lại lợi nhuận cao nên hầu hết các địa phương đều lựa chọn hình thức này”.
Làm thế nào để “rác thành tài nguyên”?
Trước những vấn đề chưa có hướng xử lý gây tồn đọng lượng rác thải lớn, việc thiếu nguồn nhân lực có trình độ để đưa vào làm việc trong các nhà máy đốt, khí hóa, nhiệt phân là những vấn đề nóng được các đại biểu đưa ra. Tại Hội nghị, các nhà quản lý đến từ một số Bộ như Bộ Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và đại diện một số doanh nghiệp cũng đã đưa ra những ý kiến trao đổi liên quan đến hoạt động xử lý CTR.

Bà Phạm Thị Anh Thư - Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) đưa ra một số nhóm giải pháp chính để xử lý CTR

Bà Phạm Thị Anh Thư - Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) chia sẻ: “Bộ Xây dựng là cơ quan Trung ương phụ trách trực tiếp về vấn đề quản lý CTR sinh hoạt đô thị và CTR sinh hoạt nông thôn tập trung liên quan đến quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải, bao gồm tổ chức, thẩm định phê duyệt, xây dựng công bố định mức kinh tế kỹ thuật, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý, xuất vốn đầu tư, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ sở dữ liệu và thẩm định công nghệ xử lý CTR sinh hoạt mới nghiên cứu và lần đầu áp dụng tại Việt Nam”.
Đại diện Bộ Xây dựng đã đưa ra một số nhóm giải pháp chính để xử lý CTR như Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và cơ chế chính sách về quản lý CTR; Tăng cường nghiên cứu khoa học, hiện đại hóa công nghệ và sản xuất thiết bị; Quy hoạch quản lý CTR; Thiết lập cơ sở dữ liệu về CTR toàn quốc; Phát triển nguồn lực thực hiện chiến lược; Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhân lực; Hợp tác quốc tế.
Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) Phạm Trọng Thực thì cho rằng: “Nếu không có những phương pháp xử lý CTR ngay ngày hôm nay, sẽ để lại hậu quả cho chính con cháu chúng ta. Việc đào tạo kỹ năng xử lý hiện cũng chỉ có một số trường đại học nghiên cứu nhưng chưa có một trường nào nghiên cứu kỹ những phương pháp như hồ quang hóa, điện rác… Các trường cần tập trung đào tạo các chuyên ngành như: Phân loại, Lên men, Vi sinh, Hồ quang hóa... Từ đó chúng ta mới có thể biến “rác thành tài nguyên”.


Ông Nguyễn Xuân Huynh - Phó Tổng Giám đốc
Công ty Môi trường đô thị Hà Nội

Ông Nguyễn Xuân Huynh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) nhấn mạnh vào vấn đề hiệu lực thực thi chính sách, hiện nay, thể chế chính sách còn nhiều bất cập, ví dụ như trong Luật Quy hoạch có những vấn đề chưa áp dụng được trong thực tiễn; cần đưa ra những định hướng cụ thể cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xử lý rác thải; nếu rác không được phân loại thì sẽ không có có một loại công nghệ nào có thể đáp ứng nhu cầu xử lý CTR tại Việt Nam…

Ông Nguyễn Ngọc Tín - Giám đốc Công ty
Cổ phần máy xây dựng VinaBima Tiên Sơn

Giám đốc Công ty Cổ phần máy xây dựng VinaBima Tiên Sơn - Nguyễn Ngọc Tín bộc bạch: “Hiện có tới 98% doanh nghiệp xử lý rác thải là doanh nghiệp tư nhân, không thuộc Nhà nước. Các doanh nghiệp thì chưa tạo được sự hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư về công nghệ, nhân sự giỏi…”. Ông Tín cũng chia sẻ thêm về công tác tuyên truyền trong cộng đồng còn yếu, cần phải tuyên truyền sâu rộng, rõ nét hơn cho người dân cũng như chính quyền các địa phương hiểu về công nghệ xử lý CTR, về mức độ nguy hại do ô nhiễm môi trường gây ra.


GS.TS Đinh Văn Thuận - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Đông Á chia sẻ thông tin trường sẽ là đơn vị tiên phong
trong đào tạo nguồn nhân lực và công nghệ xử lý CTR

Còn GS.TS Đinh Văn Thuận - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Đông Á bày tỏ quan điểm: “Được lắng nghe những ý kiến của đại diện các Bộ ngành, các đơn vị, doanh nghiệp trực tiếp công tác trong ngành môi trường khiến tôi rất lo lắng khi chưa có cách thức tối ưu để xử lý lượng CTR đang ngày càng gia tăng khi đất nước đang phát triển rất nhanh. Tôi chắc chắn trong 5 đến 10 năm nữa, Việt Nam sẽ làm được”. Thấu hiểu nhu cầu tất yếu của xã hội, GS.TS Đinh Văn Thuận cho biết thêm, trường Đại học Công nghệ Đông Á tự tin là đơn vị tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực và công nghệ xử lý CTR. Sinh viên ngành Nhiệt - Điện lạnh được đào tạo gắn liền với thực tế và làm việc trực tiếp tại các nhà máy, tập đoàn lớn trong nước. Công nghệ đốt rác phát điện là một trong những công nghệ nhiều nước tiên tiến trên thế giới đang theo đuổi. Sự phát triển của các nhà máy xử lý CTR nói riêng và các tập đoàn lớn nói chung đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ cao. Chính vì vậy, việc đưa sinh viên thực tập đến thực tế tại các nhà máy lớn sẽ giúp sinh viên có kinh nghiệm, kỹ năng và trình độ hơn hẳn những đơn vị đào tạo cùng ngành. Sinh viên theo học ngành Nhiệt - Điện lạnh giúp sinh viên có cơ hội tìm việc dễ dàng tại các công ty, nhà máy về môi trường, mang lại thu nhập cao đối với những cá nhân có trình độ.
Qua những ý kiến đối thoại tại Hội nghị giữa đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp môi trường, Tiến sỹ Đỗ Hữu Hào mong muốn sẽ tìm được tiếng nói chung giữa cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương và doanh nghiệp trong việc đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề CTR hiện nay. Trên cơ sở thống nhất chung các ý kiến cùng những kiến nghị của các doanh nghiệp, đơn vị, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam sẽ sớm đề xuất, tham mưu với Chính phủ những bước đi cụ thể, cùng với các chương trình hành động của doanh nghiệp sẽ sớm đáp ứng mục tiêu đề ra về xử lý CTR, góp phần tạo dựng môi trường Việt xanh, sạch, sánh ngang với các nước trong khu vực và trên thế giới.

 Phạm Hương
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động