14:58 | 12/08/2019

Nghịch lý tại Ấn Độ: Sông thiêng sống chung với rác thải

Sông Hằng - dòng sông linh thiêng nhất của Ấn Độ, đang dần trở thành một trong những tuyến đường thuỷ ô nhiễm nhất thế giới.
Xử lý rác thải thuốc bảo vệ thực vật Du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa Rác thải nhựa – vấn đề nhức nhối toàn cầu

Sông Hằng là dòng sông linh thiêng nhất của Ấn Độ, được tôn thờ bởi hơn 1 tỉ người theo đạo Hindu và cung cấp nguồn nước cho khoảng 400 triệu người. Thế nhưng, thay vì được nâng niu, giữ gìn, nơi đây đang dần trở thành một trong những tuyến đường thuỷ ô nhiễm nhất thế giới bởi rác thải sinh hoạt, nhựa, nước thải công nghiệp chưa qua xử lý,… Theo các nhà khoa học, 90% lượng rác thải nhựa trên đại dương trôi ra từ 10 dòng sông lớn của thế giới, trong đó có sông Hằng.

nghich ly tai an do song thieng song chung voi rac thai
Sông Hằng đang dần trở thành một trong những tuyến đường thuỷ ô nhiễm nhất thế giới. Ảnh: Scientific India Magazine.

Trước tình trạng trên, nhóm 18 nhà khoa học, kỹ sư và nhà thám hiểm nữ đến từ Viện Động vật hoang dã Ấn Độ, Đại học Dhaka (Ấn Độ) và Hiệp hội Động vật học London (ZSL) đã được kênh truyền hình nổi tiếng National Geopraphic hỗ trợ để nghiên cứu về đường đi của rác thải trên các tuyến đường thuỷ, đồng thời tìm ra các giải pháp để giảm lượng rác đến từ các dòng sông. Họ chọn sông Hằng làm điểm khởi đầu.

Sông Hằng dài 2.525km, bắt nguồn từ dãy Himalaya của Bắc Trung Bộ Ấn Độ, chảy theo hướng Đông Nam qua Bangladesh và đi vào vịnh Bengal. Lưu vực của dòng sông rộng tới 907.000 km2, là một trong những khu vực phì nhiêu và có mật độ dân số cao nhất thế giới. Giáo sư Địa lý Jenna Jambeck – thành viên của đoàn chuyên gia cho biết: “Dựa vào các đặc điểm về địa lý, sông Hằng là nơi khởi đầu không thể phù hợp hơn để chúng tôi nghiên cứu về đường đi của rác thải. Rác sẽ đến từ đất liền, chảy theo sông vào đại dương. Biết được cách di chuyển của rác thải, các nhà khoa học mới có thể tìm ra cách tốt nhất để ngăn chặn chúng”.

Trong quá trình nghiên cứu, đoàn chuyên gia đã sử dụng trực thăng, máy bay không người lái, thuyền, đường bộ, tàu hoả để di chuyển dọc sông Hằng; phân tích mẫu nước, không khí, trầm tích và các loài sinh vật sống trong khu vực; gắn thiết bị theo dõi vệ tinh vào mẫu rác nhựa; tìm hiểu chính sách quản lý ô nhiễm ở địa phương. Họ thậm chí đã tìm về thượng nguồn là dòng sông băng Gangotri và nhận thấy, lượng băng nơi đây đã giảm đi đáng kể do hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Theo bà Heather Koldewey - một trong số những người đứng đầu đoàn chuyên gia, rác thải nhựa xuất hiện ở mọi nơi. Họ tìm thấy "hằng hà sa số" những loại đồ nhựa dùng một lần, vỏ chai lọ, bao bì thực phẩm, vật phẩm phục vụ cúng lễ bằng nhựa trên sông Hằng,… Tuy nhiên, lượng rác thải thực tế tại đây có thể lớn hơn rất nhiều, do diện tích quá rộng (đoạn rộng nhất lên tới hơn 11km) và sóng lớn gây nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu.

Năm 2002, Bangladesh là trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm sử dụng túi nhựa dùng một lần. Tuy nhiên đến nay, nhựa vẫn chiếm tới 8% lượng rác thải toàn quốc mỗi năm. Cách đây 4 năm, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cam kết sẽ đầu tư 3 tỉ USD để làm sạch sông Hằng trước năm 2021. Nhưng trên thực tế, mới chỉ một phần nhỏ ngân sách được sử dụng. Thậm chí nhiều nơi trên sông còn ô nhiễm nặng hơn thời điểm bắt đầu kế hoạch làm sạch vào năm 2015. Tốc độ thải và số lượng rác thải đã vượt xa khỏi khả năng xử lý của các công nghệ hiện có, khiến môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, 18 thành viên của đoàn chuyên gia đều tỏ ra lạc quan về kết quả của cuộc nghiên cứu. Họ tin rằng công việc của họ sẽ tạo ra những khác biệt tích cực cả về mặt khoa học và xã hội, cải thiện chất lượng môi trường, nâng cao ý thức của chính quyền cũng như người dân về công cuộc đầy lùi ô nhiễm.

Bà Valerie Craig – chuyên gia của Hiệp hội Địa lý Quốc gia khẳng định, những chiến dịch nghiên cứu như vậy có thể tạo ra sức ảnh hưởng lớn, thu hút các chuyên gia hàng đầu trên thế giới chung tay giải quyết vấn nạn rác thải nhựa và ô nhiễm đại dương. Đặc biệt hơn nữa, chuyến thám hiểm của các nữ chuyên gia trên dòng sông Hằng còn góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ trong xã hội, khoa học, công nghệ và kỹ thuật tại một nước còn tồn tại bất bình đẳng giới như Ấn Độ.

Diệu Anh (Theo The Guardian)

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/nghich-ly-tai-an-do-song-thieng-song-chung-voi-rac-thai-1553.html

In bài viết