Rác thải nhựa – vấn đề nhức nhối toàn cầu
Chúng ta, từ mỗi người hãy thay đổi nhận thức để thay đổi hành động, tạo một thói quen không sử dụng đồ nhựa để giúp môi trường sống trở nên thân thiện hơn, và cao cả hơn hãy thay đổi vì một hành tinh xanh!
Những năm gần đây, rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó có 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi trên các đại dương.
Rác thải nhựa đang hằng ngày, hằng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Theo chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, đến năm 2020 tầm nhìn 2030, chúng ta đưa ra nhiều mục tiêu cụ thể trong đó có mục tiêu đến năm 2020 giảm 50% lượng nilon khó phân hủy sử dụng tại các khu chợ dân sinh. Tuy nhiên nhiều người lo ngại Việt Nam sẽ rất khó đạt được con số mơ ước này với thực trạng như hiện nay.
Túi nilon được con người sử dụng chính thức từ khoảng năm 1957, sau đó mới phát triển và bùng nổ vì sự tiện lợi của nó. Cuộc sống hiện đại, nên những sản phẩm mang tính tiện lợi lúc nào cũng được con người ưu tiên sử dụng: túi nilon xuất hiện mọi nơi: từ cửa hàng, siêu thị, các khu chợ; từ đồ khô, đồ nước, từ đồ tươi đến đồ chín,… tất cả đều được bọc và đựng trong những chiếc túi túi nilon.
Hình ảnh quen thuộc trong sinh hoạt của con người tại các khu chợ dân sinh là xách lỉnh kỉnh các loại đồ ăn thức uống đựng trong túi nilon, thậm chí mỗi loại đựng một túi, không chỉ thành phố mà ở cả nông thôn; từ người mua đến người bán mặc định gói đồ trong túi nilon. Mà các túi nilon được sử dụng phổ biến đó đều là túi không phân hủy vì giá thành rẻ. Hơn 50% lượng nhựa được tiêu thụ mỗi ngày nằm trong những sản phẩm nhựa dùng một lần, có nghĩa là quá nửa trong số hàng triệu tấn sản xuất ra mỗi năm chỉ đem lại cho con người cảm giác tiện ích trong vài phút như: cốc nhựa, chai nhựa, ống hút, túi nilon,… và sau đó bị vứt ra môi trường và trở thành những thứ đồ nhựa vô dụng, nhưng những thứ vô dụng ấy tồn tại trong môi trường tự nhiên lại vô cùng nguy hại. Con người mất 5 phút để uống hết một chai nước nhưng “đất mẹ” trái đất thì phải mất hàng nghìn năm để giải quyết hệ quả từ loại rác thải đó.
Thời gian gần đây, xu hướng tiêu dùng không dùng túi nilon hay sản phẩm nhựa dùng một lần, thay thế bằng các sản phẩm làm từ tre, hoặc thay vì gói đồ bằng túi nilon thì chuyển sang gói bằng lá ở các siêu thị hoặc cửa hàng thực phẩm,.. là một ví dụ,cũng dần dần trở nên phổ biến hơn nhờ những thông điệp tuyên truyền từ các dự án vì cộng đồng. Tuy nhiên, ngoài thói quen tiêu dùng thì giá thành của những sản phẩm này thường cao hơn, việc vệ sinh để có thể tái sử dụng cũng mất thời gian,… chính là nguyên nhân khiến người tiêu dùng chưa thực sự đón nhận và khó có thể sẵn sàng từ bỏ thói quen và sự tiện lợi đến từ những sản phẩm nhựa một lần.
Tái chế vốn là giải pháp được đánh giá cao trong việc giảm thiểu các tác hại từ nhựa, túi nilon đối với môi trường giúp nhựa tái sinh để phục vụ con người thêm một lần nữa. Tuy nhiên hoạt động sản xuất tái chế phế liệu nhựa ở Việt Nam hiện vẫn đang tập trung chủ yếu ở các làng nghề, các hộ sản xuất nhỏ lẻ thủ công. Do hạn chế về vốn đầu tư, thiếu ý thức bảo vệ môi trường, lại hoạt động theo tính tự phát, thiếu quy hoạch nên hầu hết các hoạt động tái chế đều gây ra hệ lụy không nhỏ: công nghệ thủ công, thô sơ;các chất độc hại trong quá trình tẩy rửa, tái chế được xả trực tiếp ra không khí, nguồn nước xung quanh khiến cho người dân ở khu vực đó ngày ngày hít khói độc, dùng nước độc....
Việc thu hút đầu tư với các cơ sở tái chế vẫn đang gặp nhiều khó khăn về cơ chế, về đầu ra cho các sản phẩm. Rác thải sẽ không còn là rác thải, nó sẽ biến thành tài nguyên nếu được đặt đúng chỗ: chai nhựa, túi nilon nếu bỏ đi sẽ trở thành rác thải, nhưng nếu con người đủ nhận thức và biết sử dụng những sản phẩm đó đúng cách đúng chỗ thì rác thải sẽ trở nên hữc ích và vấn nạn môi trường như hiện nay sẽ tìm ra lời giải.
Nhận thức được vấn đề đó, thời gian qua đã có nhiều cuộc vận động nhằm giảm thiểu chất thải nhựa như: Cửa hàng, siêu thị ở một số nơi gói rau củ quả bằng lá chuối. Độc đáo và không mấy xa lạ là phong trào “đi chợ bằng làn” do Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp tỉnh Bắc Ninh phát động, hay một chàng trai Việt sáng kiến ống hút tre xuất khẩu thu tiền tỷ.. tất cả đang có những hiệu ứng xã hội tích cực, vì một mục tiêu chung giảm thiểu tối đa rác thải nhựa từ túi nilon.
Đi chợ không dùng túi nilon, hay bán đồ không đựng túi nilong, vẫn biết thay đổi một thói quen không phải dễ, những khi đã quyết tâm thì không gì là không thể!
Chúng ta, từ mỗi người hãy thay đổi nhận thức để thay đổi hành động, tạo một thói quen không sử dụng đồ nhựa để giúp môi trường sống trở nên thân thiện hơn, và cao cả hơn hãy thay đổi vì một hành tinh xanh!