11:23 | 09/10/2019

Việt Nam thăng hạng về Chỉ số cạnh tranh toàn cầu

Theo Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chỉ số cạnh tranh của Viêt Nam đã tăng 10 bậc sau 1 năm (từ hạng 77 năm 2018 lên hạng 67 năm 2019).
Bước đầu kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam Chất lượng tăng trưởng liên tục cải thiện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực về tăng trưởng kinh tế Internet

Để đạt được kết quả này, Việt Nam đã tận dụng các cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và các bê bối kinh tế, địa chính trị trên thế giới để trở thành điểm hấp dẫn đầu tư trong khu vực.

Nước ta cũng cho thấy sự cải thiện lớn nhất giữa các quốc gia và trong khu vực với 10 bậc và 3,5 điểm tăng so với năm 2018. Việt Nam cũng xếp hạng cao (hạng 26) về chỉ số quy mô thị trường.

Đáng chú ý, Việt Nam nằm trong nhóm có mức độ khủng bố thấp nhất thế giới, lạm phát ổn định nhất thế giới với 100 điểm trọn vẹn ở cả hai hạng mục. Các chỉ số còn lại dao động từ hạng 41 đến 93.

viet nam thang hang ve chi so canh tranh toan cau
Ảnh minh hoạ.

Báo cáo của WEF công bố khả năng cạnh tranh của 141 nền kinh tế quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên hơn 100 yếu tố như y tế, hệ thống tài chính, quy mô thị trường, tính năng động trong kinh doanh, khả năng đổi mới…

Singapore là nền kinh tế có khả năng cạnh tranh nhất thế giới, vượt qua Hoa Kỳ để đứng đầu trong số 141 quốc gia, vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng. Nước này cũng đứng đầu danh sách về cơ sở hạ tầng, gồm chất lượng đường và hiệu quả hoạt động cảng, sân bay.

Chỉ số hệ thống tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô của Singapore cũng tăng thứ hạng, nhưng báo cáo cũng chỉ ra rằng "để trở thành trung tâm đổi mới toàn cầu, Singapore sẽ cần thúc đẩy tinh thần kinh doanh và cải thiện hơn nữa nền tảng kỹ năng của mình".

Bên cạnh Singapore, đứng đầu bảng xếp hạng còn có Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), Hà Lan và Thụy Sỹ

Trong khi đó, các nền kinh tế lớn khác của châu Á như Ấn Độ và Indonesia cho thấy khả năng cạnh tranh giảm đi. Chỉ số cạnh tranh của Mỹ cũng giảm rõ rệt so với năm trước. Năng suất sản xuất trên toàn cầu nhìn chung sụt giảm, bất chấp chủ trương nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương.

Tuy nhiên, các tác giả của báo cáo cho rằng, còn quá sớm để đánh giá đầy đủ tác động của một số vấn đề trong nền kinh tế thế giới trong năm qua, đặc biệt là căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc dẫn đến việc áp thuế đối với lượng hàng hóa trị giá hàng trăm tỉ USD, gây ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.

Diệu Anh

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/viet-nam-thang-hang-ve-chi-so-canh-tranh-toan-cau-3352.html

In bài viết