Bước đầu kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Phát triển kinh tế tuần hoàn để giải quyết vấn đề về môi trường |
Tư duy tuần hoàn
Nếu như mô hình kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến khai thác tài nguyên, sản xuất và vứt bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến một lượng phế thải khổng lồ thì mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng vào quản lý, tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải.
Theo đó, việc áp dụng triệt để "tư duy tuần hoàn" trong hoạt động thiết kế, sản xuất và tái chế hàng hóa, nền kinh tế tuần hoàn sẽ mở ra cơ hội thị trường trị giá ít nhất 4.500 tỉ USD cho doanh nghiệp toàn cầu, tạo ra hàng trăm triệu việc làm mới.
Trên thế giới đã có nhiều tập đoàn hoạt động theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Trong đó, trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) trở thành lá cờ đầu xu hướng sản xuất và kinh doanh này. Các quy tắc EPR thúc đẩy nhà sản xuất và thương hiệu tính toán chi phí lại sản xuất liên quan tới hoạt động tái chế, tái sử dụng.
Việt Nam có thể cân nhắc đưa cả hai cách tiếp cận thực hiện kinh tế tuần hoàn của quốc tế vào lộ trình của mình. Đó là: Cách tiếp cận theo nhóm ngành, sản phẩm, nguyên liệu hoặc vật liệu và cách tiếp cận theo quy mô kinh tế, thành lập các không gian địa lý.
Theo các chuyên gia, thay vì phải đưa ra giải pháp mới, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo và áp dụng một cách sáng tạo những bài học kinh nghiệm đã thành công trong việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Trong đó, cần lưu ý một số nội dung trọng tâm, như: thay đổi tư duy từ kinh tế tuyến tính sang tuần hoàn; xem rác thải là nguồn nguyên liệu mới để sản xuất; học hỏi khả năng tái tạo và tuần hoàn của thiên nhiên; nhận thức mọi tài nguyên đều giới hạn để sản xuất dựa trên giới hạn đó; ý thức về cộng sinh công nghiệp, sử dụng năng lượng tái tạo, sản xuất sạch hơn...
Mô hình kinh tế tuần hoàn được đánh giá là cần thiết cho Việt Nam. |
Giai đoạn đầu ở Việt Nam
Mô hình kinh tế tuần hoàn được đánh giá là cần thiết cho Việt Nam, nhưng hiện đang ở giai đoạn đầu và mới chỉ thực hiện ở một số doanh nghiệp lớn.
Ở cấp độ vĩ mô, Việt Nam đã có những chính sách để tạo điều kiện cho kinh tế tuần hoàn phát triển. Từ năm 2016, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (SCP) đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 nhằm phát triển ngành công nghiệp môi trường trở thành một ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, cơ bản đáp ứng nhu cầu về bảo vệ môi trường trong nước; từng bước tiến tới xuất khẩu các công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm bảo vệ môi trường có lợi thế cạnh tranh. Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang dự thảo Chương trình hành động Quốc gia về SCP với các giải pháp, quan điểm của kinh tế tuần hoàn để thực hiện trong giai đoạn 2021-2030. Về cơ bản, các chính sách đó đã có thể đáp ứng được các nội dung của nền kinh tế tuần hoàn.
Thực tế sản xuất, kinh doanh, mô hình tuần hoàn gần như chỉ áp dụng tại những tập đoàn nước ngoài, các công ty lớn. Những đơn vị tiên phong quan tâm tới kinh tế xanh và mô hình kinh tế tuần hoàn chủ yếu là khối FDI và một số ngân hàng. Điển hình là HDBank đã đẩy mạnh tín dụng xanh với quy mô lên đến 10.000 tỷ đồng, đã và đang tài trợ vốn cho nhiều dự án điện mặt trời ở Việt Nam. Ngân hàng cũng có nhiều gói tín dụng cho chuỗi khép kín từ nhà phân phối, đại lý đến nhà cung cấp, cung ứng của nhiều đơn vị như Samsung, LG, CP, DPM, PLX, PVOIL, SGCoop,... Tương tự HDBank, BIDV cũng là một trong những đơn vị đã tham gia chương trình tín dụng xanh.
Ngành công nghiệp thời trang trong 3 năm qua thực hiện Chương trình cải thiện hiệu quả tài nguyên Việt Nam, đã hỗ trợ 82 nhà máy dệt may và da giày tại Việt Nam, đầu tư 37 triệu USD vào các biện pháp sử dụng tài nguyên hiệu quả, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được 30 triệu USD/năm nhờ tiết giảm sử dụng nước, năng lượng và hóa chất.
Bên cạnh đó, Dự án của Heineken đã thực hiện thành công mục tiêu thúc đẩy tái chế, giảm rác thải và cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu cho cộng đồng thông qua việc thu gom 1 tấn nắp chai bia và tái chế thành vật liệu sắt để xây cầu hỗ trợ cộng đồng. Unilever với chương trình thu gom tái chế bao bì nhựa và phân loại rác tại nguồn; Coca-Cola với chương trình thu gom, phân loại chai nhựa trong sáng kiến Zero Waste to Nature…
Còn đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, kinh tế tuần hoàn xem ra vẫn còn là khái niệm mới, điều này khiến doanh nghiệp không chỉ gặp rủi ro về khan hiếm nguyên liệu và biến động giá tài nguyên mà còn ảnh hưởng đến chiến lược tăng trưởng xanh, bền vững quốc gia.
Ở cấp độ địa phương, TP HCM đã đặt ra hàng loạt mục tiêu đến năm 2020 giảm 60% lượng túi nilon khó phân hủy tại siêu thị, trung tâm thương mại và 50% tại chợ truyền thống; năng lượng tái tại và năng lượng mới sẽ đạt 1,7% tổng công suất năng lượng. Cùng với đó, thành phố thực hiện việc di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm trong khu dân cư.
Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần phải có một hành lang pháp lý rõ ràng cho hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn. Doanh nghiệp là động lực trung tâm, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện. Vai trò kiến tạo của nhà nước thể hiện trong việc tạo ra một môi trường để kinh tế tuần hoàn phát triển. |