TP. Hồ Chí Minh duyệt kế hoạch phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan thông tin thêm về quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án triển khai chuyển đổi năng lượng giai đoạn đến năm 2050 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh |
Theo Quyết định 5260/QĐ-UBND ngày 18/11/2024 của UBND TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành về phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giai đoạn đến năm 2050 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. TP. Hồ Chí minh sẽ phối hợp với các bộ, ngành, triển khai thực hiện thành công Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), gắn với thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân tham gia quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, thúc đẩy chuyển giao công nghệ; phối hợp triển khai kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP.
Cùng đó, TP. Hồ Chí Minh sẽ nâng cấp, xây dựng hạ tầng sản xuất, truyền tải, tích trữ, phân phối, điều hành điện thông minh, tiên tiến, hiện đại, có khả năng tích hợp quy mô lớn các nguồn năng lượng tái tạo; tăng cường điện khí hóa, phát triển nguồn nhân lực; từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới sản xuất được các thiết bị phục vụ phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo; nâng cao năng lực quản trị ngành năng lượng đạt trình độ tiên tiến.
Cũng theo Quyết định 5260/QĐ-UBND, phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, nhất là công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, thiết bị lưu trữ điện năng, thu hồi, hấp thụ, lưu trữ và sử dụng CO2; thúc đẩy sản xuất hydro xanh, amoniac xanh.
Công suất sản lượng các nguồn năng lượng tái tạo theo kế hoạch của TP. Hồ Chí Minh |
TP. Hồ Chí Minh cũng xác định, các biện pháp giảm thiểu rủi ro để bảo vệ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động và các hộ gia đình nghèo, dễ bị tổn thương trong quá trình chuyển đổi năng lượng; đào tạo mới, nâng cao năng lực để nắm bắt các cơ hội đầu tư và việc làm từ hệ sinh thái phát triển năng lượng tái tạo. Tạo sự đồng thuận và tích cực tham gia của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng.
Tiếp đó là giai đoạn sau năm 2030, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, nhất là công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, thiết bị lưu trữ điện năng, thu hồi, hấp thụ, lưu trữ và sử dụng CO2; sản xuất hydro xanh, amoniac xanh... Nâng cao nhận thức, tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ ngành và địa phương trong điều hành quản lý phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thanh Hải