Quảng Ngãi:

Hướng tới hình thành Trung tâm lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia hàng đầu Đông Nam Á

13/12/2024 16:00 Kinh tế, xã hội
Tỉnh Quảng Ngãi đang hướng tới một bước chuyển mình mạnh mẽ, hình thành Trung tâm Lọc, hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất. Đề án xây dựng trung tâm này vừa được UBND tỉnh Quảng Ngãi thảo luận và góp ý tại cuộc họp diễn ra vào ngày 13/12.
Hướng tới hình thành Trung tâm lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia hàng đầu Đông Nam Á
Sáng 13/12, UBND tỉnh Quảng Ngãi họp cho ý kiến về Đề án Trung tâm Lọc hoá dầu và Năng lượng Quốc gia tại Khu Kinh tế Dung Quất. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang chủ trì cuộc họp

Mục tiêu chiến lược và tầm nhìn dài hạn

Đề án được xây dựng dựa trên Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, đặt ra mục tiêu đưa KKT Dung Quất trở thành trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng (Trung tâm) hàng đầu khu vực Đông Nam Á vào năm 2050.

Theo Đề án, lộ trình phát triển gồm 2 giai đoạn; đến năm 2030, trung tâm sẽ đáp ứng toàn bộ nhu cầu xăng dầu cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên và tối thiểu 30% nhu cầu của cả nước, với tổng sản lượng năng lượng cuối cùng đạt khoảng 8 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Trung tâm cũng được kỳ vọng đóng góp 30% vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi và tạo ra 10.000 việc làm mới.

Tầm nhìn đến năm 2050, KKT Dung Quất sẽ vươn lên thành trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng hàng đầu Đông Nam Á, với tổng sản lượng năng lượng cuối cùng đạt khoảng 25 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), đóng góp 30% vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh và tạo ra 30.000 việc làm mới.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất tại  Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi (Ảnh: BSR)
Nhà máy lọc dầu Dung Quất tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi (Ảnh: BSR)

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang cho biết, đề án Trung tâm Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia là một mô hình hoàn toàn mới cả về nội dung, tính chất cũng như phương thức hoạt động. Đề án đã được các sở ngành tham gia ý kiến, tập trung vào các giải pháp phát triển các dự án năng lượng, nguyên liệu và vật liệu xanh, bền vững.

Hiện nay, Bộ Công Thương đã ban hành đề cương Đề án làm căn cứ để các cơ quan liên quan từ trung ương đến địa phương phối hợp xây dựng dự thảo Đề án, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đề án Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại KKT Dung Quất đặt ra 4 mục tiêu lớn về an ninh năng lượng; phát triển kinh tế - xã hội; phát triển xanh và bền vững; thu hút đầu tư.

Phát triển xanh và bền vững là trọng tâm

Bên cạnh mục tiêu kinh tế, đề án đặc biệt chú trọng đến phát triển xanh và bền vững. Đến năm 2030, 5-10% nguồn điện năng của Trung tâm được sản xuất từ năng lượng tái tạo; tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng, so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7-10%; giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính, so kịch bản phát triển thông thường; tỷ lệ tái chế và sử dụng chất thải trong sản xuất đạt 10%.

Mục tiêu phát triển Trung tâm Lọc hoá dầu và Năng lượng Quốc gia theo hướng xanh và bền vững.
Mục tiêu phát triển Trung tâm Lọc hoá dầu và Năng lượng Quốc gia theo hướng xanh và bền vững.

Mục tiêu đến năm 2050, nâng tỷ lệ điện năng từ năng lượng tái tạo lên 20%; tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng, so kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 14-20%; giảm 30% lượng phát thải khí nhà kính, so kịch bản phát triển thông thường; trở thành Trung tâm Lọc hóa dầu và năng lượng xanh, bền vững, tiên phong trong khu vực; hoạt động theo mô hình kinh tế tuần hoàn hoàn chỉnh.

Định hướng phát triển đa dạng và toàn diện

Đề án tập trung phát triển lĩnh vực lọc dầu, hóa dầu và năng lượng, hướng tới tự chủ nguồn nguyên liệu quan trọng, giảm nhập siêu và đẩy mạnh xuất khẩu, hình thành mô hình kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trong nước. Đẩy mạnh việc tích hợp, tổ hợp lọc-hóa dầu với các nguồn khí tự nhiên trong khu vực và các nguồn nguyên liệu sạch khác cũng được ưu tiên nhằm nâng cao hiệu quả.

Ngoài ra, khuyến khích phát triển các dự án hoàn thiện hệ sinh thái, gia tăng lợi nhuận cho các nhà máy hiện hữu trong khu vực, đặc biệt là các dự án sử dụng sản phẩm từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ưu tiên hàng đầu được dành cho các dự án đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và khu vực, các dự án năng lượng mới, năng lượng sạch. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ tái chế và tuần hoàn, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu cũng được nhấn mạnh.

Thu hút nguồn lực đầu tư và hợp tác quốc tế

Đến năm 2030, Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia đặt mục tiêu thu hút khoảng 15 tỷ USD vốn đầu tư trong và ngoài nước. Đến năm 2050, thu hút 50 tỷ USD vốn đầu tư, trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng và vật liệu.

Trung tâm sẽ hình thành mạng lưới hợp tác với các tập đoàn năng lượng, công nghệ hàng đầu thế giới, trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng và vật liệu.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án tiềm năng của trung tâm ước tính khoảng 16,1 - 20,5 tỷ USD, trong đó giai đoạn 2025-2030 là 14,1 - 17,5 tỷ USD và giai đoạn 2031-2045 là 2 - 3 tỷ USD. Trung bình mỗi năm, tổng nhu cầu vốn vào khoảng 770-980 triệu USD. Tỷ trọng nhu cầu vốn đầu tư theo các nhóm dự án gồm, các dự án lọc hóa dầu tiềm năng 54-56%, dự án năng lượng tiềm năng 37-39%, dự án năng lượng mới, năng lượng tái tạo tiềm năng 5-9%.

Thách thức và giải pháp

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu và định hướng phát triển đã đề ra, đề án còn đưa ra các giải pháp về mô hình quản lý hoạt động của Trung tâm lọc hoá dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất và các cơ chế, chính sách đặc thù...

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền, việc xây dựng đề án là một nhiệm vụ mới, đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng, xác định rõ mô hình, giải pháp và cơ chế đặc thù để thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - Trần Phước Hiền phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: quangngai.gov.vn)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - Trần Phước Hiền phát biểu tại cuộc họp

Tại cuộc họp cho ý kiến về Đề án Trung tâm Lọc hoá dầu và Năng lượng Quốc gia tại Khu Kinh tế Dung Quất, đại diện các sở, ban, ngành đã thảo luận sôi nổi về các giải pháp liên quan đến mô hình, cơ chế, chính sách, quản lý và định hướng phát triển của trung tâm, cũng như các vấn đề về quy hoạch, đất đai, môi trường, hạ tầng điện - giao thông, nguồn nguyên liệu và liên kết vùng.

Nói về Đề án Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại KKT Dung Quất, lãnh đạo chính quyền tỉnh Quảng Ngãi nhìn nhận, Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại KKT Dung Quất có vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, góp phần làm thay đổi cán cân tăng trưởng của tỉnh trong tương lai.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang đề nghị Sở Công Thương tổng hợp ý kiến đóng góp, hoàn thiện dự thảo đề án, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Với tiềm năng sẵn có và quyết tâm cao của tỉnh Quảng Ngãi, KKT Dung Quất được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng hiện đại, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ năng lượng khu vực và thế giới.

Nguyễn Nhàn

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO

Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động