Từ đại thắng mùa Xuân 1975 đến kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Với mỗi người Việt Nam, ngày 30/4/1975 là một ngày lịch sử trọng đại, ngày chiến tranh dần đi vào dĩ vãng, hòa bình trở lại trên toàn đất nước Việt Nam. 50 năm đã trôi qua, nhưng cho đến hôm nay, mỗi người con đất Việt vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi nghe về những tháng ngày “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, những giờ phút “thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam”.
Đại thắng mùa Xuân 1975 - Khải hoàn ca vang mãi
Sau nhiều năm kháng chiến với biết bao hy sinh gian khổ, nhân dân Việt Nam đã giành được những thắng lợi quan trọng. Đặc biệt, sau chiến thắng vang dội Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972, không còn con đường nào khác, đế quốc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris (27/01/1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ngay sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, Bộ Chính trị đã dự báo hai khả năng:
Thứ nhất, hòa bình được duy trì, Hiệp định được thực hiện từng bước và phong trào cách mạng miền Nam có điều kiện phát triển những bước mới.
Thứ hai, chiến tranh sẽ tiếp tục, do âm mưu của Mỹ cố bám giữ khu vực Đông Dương.
Thực tế tình hình phát triển theo khả năng thứ hai mà Bộ Chính trị đã dự báo. Tháng 10 và tháng 12/1974, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp 2 lần, thống nhất quyết tâm chiến lược và thông qua kế hoạch giải phóng miền Nam trong thời gian 2 năm 1975 – 1976. Một phương án quyết tâm cao và chuẩn xác được đưa ra: Nếu thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Nửa cuối năm 1974, ở miền Nam, cuộc chiến đấu của quân và dân ta chống lại chiến lược “ Việt Nam hóa chiến tranh” đã giành được những thắng lợi hết sức quan trọng. Thế và lực của ta đang mạnh lên, lực lượng của chính quyền Sài Gòn suy yếu rõ rệt. Trong khi đó nội bộ nước Mỹ đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Nắm lấy thời cơ cách mạng, cũng như đã hoàn thành chuẩn bị chiến lược cả về thế và lực, Bộ Chính trị quyết định tiến hành giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mở đầu từ ngày 4/3/1975 với Chiến dịch Tây Nguyên, tiếp đó là Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn – Gia Định.
Thực hiện tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, lúc 17 giờ ngày 26/4, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Từ ngày 26 đến ngày 29/4, quân ta đột phá tuyến phòng thủ vòng ngoài, đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng, tiến công tiêu diệt các tập đoàn chủ yếu của địch. Sáng sớm ngày 30/4, quân ta mở đợt Tổng công kích vào nội thành Sài Gòn. Lúc 10 giờ 45 phút, đội xe tăng của ta tiến vào Dinh Độc Lập. Quân ta bắt toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện.
![]() |
Xe tăng của quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 |
11giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, lá cờ Quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Tổng thống ngụy quyền, chấm dứt chế độ tay sai ngoại bang, kết thúc 21 năm khắng chiến chống Mỹ gian khổ và oai hùng của dân tộc. Lịch sử dân tộc ta bước sang trang mới: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Đánh giá thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, Chiến dịch Hồ Chí Minh nói riêng, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 4 tháng 12/1976, Đảng ta đã nhận định “Năm tháng sẽ trôi qua, những thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tinh thần thời đại sâu sắc”.
Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Sau khi đất nước thống nhất, nước ta phải đối mặt với những hậu quả nặng nề của 30 năm chiến tranh để lại. Một sự kiện quan trọng diễn ra sau ngày miền Nam giải phóng là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, giữ vững độc lập, chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Phát huy tinh thần yêu nước, tự lực tự cường, cùng ý chí quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt thuận lợi, thời cơ; sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chính trị - xã hội ổn định, kinh tế ngày càng phát triển, quốc phòng, an ninh được giữ vững, đời sống mọi mặt của Nhân dân không ngừng được nâng cao. Từ một nước nghèo, lạc hậu, Việt Nam đã thoát khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Hộ nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 2,93% năm 2023. Năm 2024, quy mô GDP theo giá hiện hành ước đạt 11.511,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 476,3 tỷ USD; GDP bình quân đầu người ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193, tăng 1 bậc so với năm 2023. Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới với 38,23 tỷ USD đăng ký, vốn thực hiện đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%. Vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định và nâng cao. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, có 9 nước đối tác chiến lược toàn diện, 10 nước đối tác chiến lược và 13 nước đối tác toàn diện. Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam đã và đang thể hiện nổi bật vai trò là bạn, là đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế; có nhiều sáng kiến, đề xuất, chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả vào các hoạt động của ASEAN, tổ chức Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác.
![]() |
Một góc hình tại TP. Hồ Chí Minh |
Chặng đường 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã qua giúp chúng ta càng thêm tự hào về lịch sử oai hùng của dân tộc, quá trình phấn đấu xây dựng và phát triển của đất nước; đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, biến những thành tựu vẻ vang thành động lực để hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tin mới
Tin khác

Kế hoạch chuyển đổi công nghệ lạnh xanh và môi chất lạnh tự nhiên đối với phân ngành lạnh gia dụng và bán lẻ trong chuỗi lạnh thực phẩm tại Việt Nam

Nghiên cứu thị trường và tình hình sử dụng thiết bị và môi chất lạnh của phân ngành lạnh gia dụng và bán lẻ trong chuỗi lạnh thực phẩm tại Việt Nam
