Doanh nghiệp ngành dược phẩm thúc đẩy chuyển đổi xanh đáp ứng nhu cầu thị trường
Nhu cầu tiêu dùng xanh các sản phẩm dược
Tiêu dùng xanh là một trong các nội dung trong Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam [22]. Thực tế trên thế giới, tiêu dùng xanh đã khá phổ biến ở các nước phát triển và có những bước tiến ban đầu ở các nước đang phát triển khi thu nhập cá nhân và ý thức tiêu dùng ngày càng tăng lên [7]. Các chuyên gia môi trường xem tiêu dùng xanh như một biện pháp “giải cứu trái đất” trước những biến đổi xấu của môi trường sống trên toàn cầu. Do đó, xu hướng sản xuất và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Việt Nam đang triển khai một số hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong đó tiêu dùng xanh cũng bắt đầu được quan tâm nhiều hơn. Nhiều văn bản liên quan đã được ký kết như: Tuyên ngôn quốc tế và Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (1999), các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả [19]; Tuyên ngôn quốc tế về sản xuất sạch hơn (1999). Các chương trình liên quan đến sản phẩm xanh như: Chương trình cấp Nhãn sinh thái (Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nhãn tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương); Nhãn sinh thái cho ngành du lịch cũng được triển khai [18, 21].
Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam đã khẳng định yêu cầu cấp thiết của việc chuyển đổi phương thức tiêu dùng theo hướng bền vững nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu với nội dung: Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, gắn nhiệm vụ, mục tiêu bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội; Chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; Từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch [8].
Tiêu dùng xanh là mua và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe của con người và không đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên. Nó xuất phát từ mong muốn bảo vệ các nguồn tài nguyên cho thế hệ tương lai và nâng cao chất lượng sống cho con người. Trong xu hướng tiêu dùng xanh, các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường được ưu tiên lựa chọn và được coi như một tiêu chuẩn cho các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng và các thuốc thay thế (dùng để điều trị cùng một loại bệnh) đang tạo ra nhiều cơ hội mới cho các nhà sản xuất đến sau và làm gia tăng mức độ cạnh tranh trong ngành. Đồng thời, các nguyên liệu sản xuất Dược phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên và chiết xuất từ thực vật đang được chú trọng nghiên cứu và phát triển nhằm tạo ra các loại thuốc mới thân thiện với sức khỏe con người và ít tác dụng phụ hơn. Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), thị trường ngành chăm sóc sức khỏe Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Tổng chi tiêu cho y tế tăng từ 16,1 tỷ USD vào năm 2017 lên hơn 20 tỷ USD năm 2021. Chi tiêu cho dược phẩm cũng tăng đến hơn 6,6 tỷ USD trong năm 2021 [23].
Chuyển đổi xanh tại các doanh nghiệp ngành dược gắn với tiêu chuẩn ESG
Trên thế giới hiện nay, phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội đang trở thành xu hướng giúp định hướng tầm nhìn và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Hướng tới các tiêu chuẩn ESG - bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp) là xu hướng toàn cầu, không thể tách rời khỏi chiến lược cốt lõi và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ngày càng nhiều doanh nghiệp trên thế giới áp dụng ESG, nỗ lực trong việc tăng trưởng xanh, bền vững, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao trách nhiệm đối với xã hội và cộng đồng.
Kể từ sau đại dịch Covid-19, việc thực hiện ESG đang được các doanh nghiệp chú ý hơn bao giờ hết. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đã và đang tiếp tục nỗ lực trong việc giảm thải khí carbon và rác thải, sử dụng nguồn đầu vào có trách nhiệm xã hội, nhằm đáp ứng các tiêu chí ESG đang ngày càng trở nên quan trọng trong mắt nhà đầu tư và người tiêu dùng [9].
Không nằm ngoài xu hướng áp dụng ESG của các doanh nghiệp trên toàn cầu, những mục tiêu nhằm tăng cường sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp ở Việt Nam đang dần được cụ thể hóa. ESG đã tác động rất mạnh mẽ đến ngành dược phẩm trên thế giới và làm thay đổi cách thức sản xuất và tiếp thị sản phẩm ra công chúng [14, 16]. Trước đó, có rất nhiều mối lo ngại ngày càng tăng trong ngành, bao gồm biến đổi khí hậu, khả năng tiếp cận thuốc, định giá thuốc, … Những xu hướng kinh tế vĩ mô này ảnh hưởng đến tương lai của các công ty dược phẩm trên thế giới. Trong bối cảnh đó, ESG nổi lên là xu thế bắt buộc đối với các doanh nghiệp dược để kiểm soát các yếu tố kể trên.
Bộ tiêu chuẩn ESG là cơ sở để đánh giá toàn diện tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo các tiêu chí về phát triển bền vững và tác động đối với xã hội. Những bên có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm từ các cơ quan quản lý nhà nước, đối tác kinh doanh, ngân hàng đến nhà đầu tư, cổ đông, khách hàng, cộng đồng dân cư... sẽ sử dụng báo cáo và chỉ số ESG như một tài liệu tham chiếu quan trọng để đánh giá và ra quyết định về hành vi của mình đối với doanh nghiệp. Cụ thể:
Thứ nhất là E - Environmental, đo lường mức độ doanh nghiệp tác động đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Nó bao gồm việc giảm khí thải carbon và duy trì tính bền vững của tài sản vật chất; giảm ô nhiễm đất, nước, không khí và các loại ô nhiễm khác; giảm, xử lý và tái chế hiệu quả chất thải; sử dụng tài nguyên, năng lượng một cách hiệu quả. Một doanh nghiệp chú trọng thực hiện ESG có thể cân nhắc những hành động phù hợp để vừa bảo đảm hoạt động kinh doanh, vừa bảo vệ môi trường.
Một ví dụ điển hình về điều này là trong khu vực Bắc Âu, các cuộc đấu thầu đã có tiêu chí ủng hộ việc sản xuất và vận chuyển thuốc một cách thân thiện với môi trường. Mô hình này đã thúc đẩy khái niệm chuyển đổi xanh trong ngành dược phẩm bằng cách đặt ra các tiêu chí cho việc vận chuyển xanh trong ngành dược phẩm. Cách tiếp cận mới thúc đẩy sản xuất và vận chuyển dược phẩm sạch đã giảm thiểu hơn 21% lượng khí carbon dioxide tại các nước Bắc Âu [1].
Các quỹ tín thác mua sắm chung cho bệnh viện tại Na Uy (Sykehusinnkjøp) đã yêu cầu chứng nhận môi trường về cung ứng và sản xuất xanh như một tiêu chuẩn cho ngành dược phẩm. Với cách làm này, tuy chi phí có thể tăng trong lĩnh vực y tế nhưng Hội đồng khiếu nại mua sắm công (KOFA) đã xác định rằng về tổng thể, hậu quả môi trường sẽ ít hơn nhiều. Hai hãng dược phẩm GlaxoSmithKline và AstraZeneca đưa ra những quy định đảm bảo vấn đề bảo vệ môi trường bằng các chiến lược về tính trung hòa carbon, giảm sử dụng nước, và xây dựng chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường. Ngoài ra, các công ty như Biogen, Novartis hay Novo Nordisk đưa ra những cam kết thực hiện và duy trì các hoạt động bền vững hơn [4].
Amgen trong năm 2022 cũng đã giới thiệu mô hình Chuyển đổi xanh của mình với khoản trái phiếu trị giá 750 triệu đô la cho các dự án môi trường khuyến khích giao thông sạch và năng lượng tái tạo [2].
Thứ hai là S - Social, đánh giá các yếu tố liên quan mối quan hệ cả trong và ngoài doanh nghiệp, bao gồm quan hệ với đối tác và khách hàng, cũng như với nhân viên. Trong đó, tập trung nâng cao nhu cầu cơ bản, môi trường làm việc và phúc lợi, cơ hội nghề nghiệp của người lao động; cung cấp sản phẩm, dịch vụ chất lượng và bảo đảm quyền riêng tư, bảo mật thông tin khách hàng; bảo đảm mô hình kinh doanh bền vững, sản phẩm phù hợp khả năng tiếp cận, mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Vấn đề xã hội xoay quanh các hãng dược phẩm là làm sao để cân bằng giữa hai việc: nâng cao chất lượng thuốc và lợi nhuận. Các hãng dược luôn bị đánh giá trên các phương diện như giá thành, chất lượng của chuỗi cung ứng về đạo đức, con người, và tính an toàn, hay sự phát triển thuốc dành cho các bệnh hiếm gặp.
Khủng hoảng truyền thông mà các hãng dược gặp phải thường tập trung vào việc định giá. Ngoài ra, khủng hoảng opioid cũng ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của nhiều công ty. Catalent tuyên bố tập trung phát triển chuỗi cung ứng vì cộng đồng [3], hay Pfizer được biết đến với quỹ 10 năm phát triển bền vững với 1.25 tỷ đô hỗ trợ phụ nữ và trẻ em, người nhập cư, và người chịu ảnh hưởng bởi thiên tai [5]. Các công ty khác như Teva, Merck đều đang thiết lập Quỹ trái phiếu xanh để đảm bảo rằng công ty của họ đang thực hiện mạnh mẽ ESG để tạo ra tác động tích cực đến môi trường và cộng đồng.
Thứ ba là G - Governance, đo lường tính hiệu quả, minh bạch, đạo đức kinh doanh và tuân thủ các quy định của địa phương trong hoạt động của doanh nghiệp. Trong đó có việc tuân thủ nguyên tắc đạo đức trong kinh doanh; minh bạch trong công bố thông tin liên quan hoạt động doanh nghiệp; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, lựa chọn ban lãnh đạo và chịu trách nhiệm trước cổ đông. Doanh nghiệp cần minh bạch, chính xác và công bằng trong chọn lọc các thành viên ban lãnh đạo. Đồng thời có những biện pháp chống hối lộ, tham nhũng trong quá trình quản trị doanh nghiệp.
Việc tuân thủ nghiêm ngặt các luật lệ, nhất là các vấn đề liên quan đến hối lộ luôn là vấn đề gây bức xúc trong cộng đồng. Tuy ngành dược phẩm được biết đến với những quy định khắt khe hơn các ngành hàng khác, không ít lần các hãng dược lớn vướng vào các bê bối chính trị.
Những vụ bê bối hối lộ, việc liên tục tăng giá sản phẩm thuốc hay những gian lận trong khâu kế toán đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và lòng tin của cộng đồng đối với các hãng dược phẩm. Dù rằng, trước đó, họ đã làm rất tốt vai trò của mình.
Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp dược phẩm lớn cũng đã bắt đầu có những hành động nhằm thúc đẩy phát triển bền vững trên các khía cạnh sản xuất và kinh doanh khi đã có giải pháp cụ thể để tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, giảm lượng khí thải carbon vào môi trường, v.v. Ngoài ra, các doanh nghiệp này cũng tăng cường triển khai các hoạt động nâng cao sức khoẻ và trách nghiệm xã hội đến với cộng đồng như tư vấn và cấp phát thuốc miễn phí, tài trợ viện phí cho người hoàn cảnh khó khăn, v.v.
Nhiều doanh nghiệp tiêu biểu trong đó có Traphaco, Imexpharm, OPC đang triển khai rất tốt các mô hình sản xuất xanh sạch, đưa yếu tố tuần hoàn vào sâu trong chuỗi sản xuất, cung ứng; tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng yếu thế qua mô hình kinh doanh bao trùm; hay thực hành văn hóa đa dạng, hòa nhập trong doanh nghiệp. Traphaco tiên phong phát triển dược liệu sạch bằng dự án GreenPlan.
Traphaco là đơn vị tiên phong trong cuộc cách mạng Đông dược khi đưa ra sáng kiến phát triển dược liệu bền vững GreenPlan, sáng tạo mô hình liên kết 4 nhà (doanh nghiệp- Nhà nước/chính quyền địa phương- nhà khoa học- nhà nông) để phát triển vùng trồng. GreenPlan đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hộ nông dân (từ 80-160 triệu đồng/năm), nâng cao tri thức cho bà con nông dân hợp tác trồng, thu hái dược liệu với Traphaco. Đến nay, Traphaco có 10 dược liệu có vùng trồng đạt tiêu chuẩn quốc tế GACP. Dự án mang lại nhiều giá trị cho Traphaco và cộng đồng, trước hết là công ty tự chủ về nguyên liệu sản xuất cả sản lượng và chất lượng, từ đó đảm bảo chất lượng thuốc ra thị trường. Không chỉ vậy, dự án còn tác động tích cực tới cộng đồng yếu thế, tạo công ăn việc làm, xóa nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho cộng đồng bà con dân tộc tại nhiều địa phương (Lào Cai, Nam Định, Hòa Bình, Phú Thọ, Phú Yên…); tạo cơ hội cho con em họ được tới trường, giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em. Việc đào tạo, hướng dẫn giúp họ có thêm kỹ năng, kiến thức, mở rộng tư duy, tiếp cận công nghệ mới, hỗ trợ cho các hoạt động khác của họ [11, 12].
IMP (Imexpharm) vẫn luôn duy trì khoản đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trong thực hành sản xuất và quản trị để bước vào chu kỳ tăng trưởng mới trên nền tảng sở hữu bốn cụm nhà máy, trong đó có ba cụm nhà máy với 11 dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP. Tiêu chuẩn này yêu cầu khắt khe về mọi mặt của quy trình sản xuất ra sản phẩm. Chẳng hạn, các sản phẩm có Visa châu Âu và đấu thầu nhóm 1 yêu cầu nguyên liệu phải đạt tiêu chuẩn CEP (Certificate of Suitability to the Monographs of the European Pharmacopoeia). Điều này đòi hỏi nguyên liệu phải được tiến hành thẩm định kỹ lưỡng trước khi tiến hành đăng ký với Bộ Y tế và đưa vào sản xuất. Các tiêu chuẩn này cũng đòi hỏi nhà máy của IMP thực hiện giảm tiêu hao năng lượng, sử dụng tài nguyên nước, xử lý rác thải… Chẳng hạn, năm 2022, tổng lượng phát thải CO2 từ việc sử dụng điện trong hoạt động sản xuất của Công ty là 8.896 tấn CO2, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng phát thải khí giảm đáng kể đến từ nhà máy IMP3. Các nhà máy IMP2 và IMP3, Imexpharm cũng xây dựng hệ thống xử lý nước thải ban đầu theo tiêu chuẩn châu Âu [10, 20].
Đối với Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC, một doanh nghiệp sản xuất xanh điển hình tiêu biểu. Thời gian qua, OPC hợp tác chặt chẽ với các đối tác chiến lược uy tín trong và ngoài nước, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm. OPC luôn chú trọng ưu tiên đầu tư cho hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) để cập nhật những xu hướng mới nhất, phù hợp với nhu cầu dược phẩm của từng địa phương, từng quốc gia.
Hướng đến sản xuất xanh, với vùng trồng dược liệu, OPC Pharma chủ động xây dựng vùng trồng dược liệu đạt chuẩn GACP-WHO tại nhiều khu vực khắp cả nước, góp phần phát triển kinh tế địa phương và đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng cao, chủ động cho hoạt động sản xuất. Nhiều khách hàng thú vị vì lần đầu tiên được tiếp cận quy trình sản xuất của sản phẩm rất quen thuộc trong đời sống hằng ngày của minh như Dầu khuynh diệp Mẹ bồng con, Kim Tiền Thảo Ông già, Cao Ích Mẫu, Cao Sao Vàng... Bên cạnh trải nghiệm tất cả các sản phẩm của OPC tại khu vực trưng bày, khách hàng còn được tham quan khu vực nhà máy đạt tiêu chuẩn quốc tế, công nghệ tiên tiến [13].
Xu thế chuyển đổi xanh và tăng trưởng bền vững dần trở thành yếu tố bắt buộc đối với các doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành dược phẩm. Các công ty trong ngành cần đóng vai trò lãnh đạo trong việc thúc đẩy các biện pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo trách nhiệm xã hội và cải thiện quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có một số lượng doanh nghiệp dược phẩm quy mô vừa và nhỏ chưa nhận thức được lợi ích của Chuyển Đổi Xanh và tiêu chuẩn ESG. Vì vậy, việc chia sẻ thông tin và tăng cường nhận thức để cộng đồng doanh nghiệp hiểu được giá trị kinh tế và xã hội của việc thực hiện các biện pháp bền vững là một thách thức cần được vượt qua. Một trong những thách thức khác đối với các doanh nghiệp dược phẩm tại Việt Nam là chi phí đầu tư ban đầu để thực hiện Chuyển Đổi Xanh. Việc đầu tư vào công nghệ xanh và quy trình sản xuất thân thiện môi trường đòi hỏi sự đầu tư lớn, đòi hỏi sự quan tâm và hỗ trợ từ phía chính phủ và các tổ chức tài trợ.
Ths Đào Thúy Hà - Công ty Cổ phần Traphaco
Tài liệu tham khảo:
Tài liệu tiếng Anh:
1. Abacus Medicine Pharma Services. (n.d.). ESG in Pharma: Meeting Requirements in the Nordic Region. Truy cập từ https://abacusmedicinepharmaservices.com/esg-in-pharma-meeting-requirements-in-the-nordic-region/.
2. Amgen. (n.d.). Amgen Environmental, Social & Governance Report. Truy cập từ https://investors.amgen.com/static-files/b15b0228-03e8-4847-bc11-8c4a63b847bc.
3. Catalent. (n.d.). Corporate Responsibility - Environment. Truy cập từ https://www.catalent.com/about-us/corporate-responsibility/environment/.
4. ResearchAndMarkets.com. ESG Trends in the Pharmaceutical Industry 2023 Report – Focus on Medication Access in Underdeveloped Nations, Drug Pricing and Gouging, Climate Change.
5. S&P Global. (2020). Pfizer completes sustainability bond worth $1.25B. Truy cập từ https://www.spglobal.com/marketintelligence/en/news-insights/latest-news-headlines/pfizer-completes-sustainability-bond-worth-1-25b-57793606.
6. WHO. (2022). Climate Change and Health. Truy cập tại https://www.who.int/health-topics/climate-change#tab=tab_1.
7. World Economic Forum. (2022). Eco-wakening: How Consumers Are Driving Sustainability. Truy cập tại https://www.weforum.org/agenda/2021/05/eco-wakening-consumers-driving-sustainability/.
8. VCCI. (2023). National Strategy on Green Growth 2021-2030: Economic Restructuring and Innovative Growth Patterns. Truy cập từ https://en.vcci.com.vn/national-strategy-on-green-growth-2021-2030-economic-restructuring-and-innovative-growth-patterns.
Tài liệu tiếng Việt:
9. Báo Chính Phủ. (2022). ESG: Xu hướng thế giới và sự nhận diện của nhà đầu tư Việt. Truy cập từ https://baochinhphu.vn/esg-xu-huong-the-gioi-va-su-nhan-dien-cua-nha-dau-tu-viet-102220709130034038.htm.10. Báo Đầu Tư. (2022). Imexpharm: Chuyển đổi xanh vì một Việt Nam xanh. Truy cập tại: https://baodautu.vn/imexpharm-chuyen-doi-xanh-vi-mot-viet-nam-xanh-d211408.html.
11. Báo Đầu Tư. (2023). Traphaco: Phát triển bền vững từ chuỗi giá trị xanh. Truy cập tại https://baodautu.vn/traphaco-phat-trien-ben-vung-tu-chuoi-gia-tri-xanh-d203371.html.
12. Doanh Nhân Sài Gòn. (2023). Traphaco tiên phong phát triển các giá trị bền vững. Truy cập tại https://doanhnhansaigon.vn/traphaco-tien-phong-phat-trien-cac-gia-tri-ben-vung-306029.html.
13. Doanh Nhân Trẻ Việt Nam. (2023). Dược OPC: Khát vọng kiến tạo tương lai. Truy cập tại https://doanhnhantrevietnam.vn/duoc-opc--khat-vong-kien-tao-tuong-lai-d20887.html.
14. FPT Digital. ESG và Chuyển đổi số – Hướng đi tiên quyết trong hành trình phát triển bền vững của doanh nghiệp.
15. FPT Digital. Xu hướng chuyển đổi xanh trong ngành dược phẩm. Truy cập tại https://digital.fpt.com/dxarticles/xu-huong-chuyen-doi-xanh-trong-nganh-duoc-pham.html.
16. GMPC Việt Nam. (2022). Phân tích thị trường dược phẩm thế giới và Việt Nam 2022. Truy cập tại: https://gmp.com.vn/phan-tich-thi-truong-duoc-pham-the-gioi-va-viet-nam-2022-n.html.
17. McKinsey. (2023). Người tiêu dùng Việt Nam trưởng thành trong năm 2023: Làm sao doanh nghiệp có thể đón đầu xu hướng. Truy cập tại: https://www.mckinsey.com/~/media/mckinsey/featured%20insights/asia%20pacific/vietnamese-consumers-are-coming-of-age-in-2023-how-businesses-can-stay-ahead/vietnamese-consumers-are-coming-of-age-in-2023_vie.pdf.
18. Nguyễn Thị Nguyệt Minh. (2022). Xu hướng và giải pháp phát triển sản xuất xanh tại Việt Nam. Tạp chí Công Thương, Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4, tháng 3, năm 2022.
19. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (2010). Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12. Truy cập tại https://chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=96051.
20. Sức Khỏe & Đời Sống. (2024). Chiến lược tăng trưởng và bức tranh tương lai của Imexpharm. Truy cập tại https://suckhoedoisong.vn/chien-luoc-tang-truong-va-buc-tranh-tuong-lai-cua-imexpharm-16924052019024977.htm.
21. Thái Huy Ngọc. (2022). Thực trạng và giải pháp thúc đẩy thực thi chính sách tiêu dùng xanh tại Việt Nam. Tạp chí Môi trường, Số 2, năm 2024.
22. Thủ tướng Chính phủ. (2012). Quyết định số 1393/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Truy cập tại https://chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=163886.
23. VIRAC. (2022). Triển vọng ngành dược phẩm nửa cuối năm 2022. Truy cập tại: https://viracresearch.com/trien-vong-nganh-duoc-pham-nua-cuoi-nam-2022/.
Tin mới
Kế hoạch chuyển đổi công nghệ lạnh xanh và môi chất lạnh tự nhiên đối với phân ngành lạnh gia dụng và bán lẻ trong chuỗi lạnh thực phẩm tại Việt Nam
Nghiên cứu thị trường và tình hình sử dụng thiết bị và môi chất lạnh của phân ngành lạnh gia dụng và bán lẻ trong chuỗi lạnh thực phẩm tại Việt Nam
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.