Thúc đẩy đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

15/09/2024 08:18 Nghiên cứu trong nước
Kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng là nền tảng vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một bộ phận quan trọng, có vai trò nòng cốt và “xương sống” đối với sự phát triển của kết cấu hạ tầng nói chung, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia, kể cả các nước phát triển và là nhu cầu rất lớn của các nước đang phát triển. Khi có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại, nền kinh tế mới có điều kiện để tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững.
Theo tính toán, hạ tầng giao thông là lĩnh vực có tác động lan toả lớn nhất, mức độ tác động từ 1,26-1,4 lần (có nghĩa đầu tư 1 đồng cho giao thông, có thể thu về 1,25 -1,4 đồng) và lan tỏa đến mọi lĩnh vực, từ y tế, giáo dục, văn hoá...[1]. Vì vậy, để kinh tế - xã hội phát triển, việc đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông để “đi trước mở đường” là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Chủ trương của Đảng về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/1/2012 của về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 (Nghị quyết số 13-NQ/TW) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng với nhiều chương trình, dự án, công trình được đưa vào khai thác, vận hành, phát huy hiệu quả, nhất là hạ tầng giao thông góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu cơ bản của Nghị quyết số 13-NQ/TW chưa đạt yêu cầu đề ra, chưa tạo được bước đột phá trong huy động nguồn lực, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững. Các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII của Đảng đều xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển đất nước là “Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, nhất là hệ thống giao thông đồng bộ”.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 cũng xác định “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn” là một trong ba đột phá chiến lược. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra thực hiện 3 đột phá chiến lược theo gồm thể chế, hạ tầng, nhân lực, trong đó có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải và đặt mục tiêu tới đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tới năm 2030 cả nước phải có ít nhất 5.000 km cao tốc [2].

Để hạ tầng giao thông phát triển hiện đại, đồng bộ phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhiều chính sách đã được ban hành, trong đó phải kể đến Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có tổng nhu cầu vốn đầu tư trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2021-2030 khoảng 900.000 tỷ đồng. Mục tiêu là cơ bản hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối liên vùng, kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, phấn đấu xây dựng hoàn thành khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc; tập trung nâng cấp mặt đường, tăng cường hệ thống an toàn giao thông, xử lý các điểm đen, cải tạo nâng cấp các cầu yếu… Hay như Quyết định số 1769/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050 đặt mục tiêu cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế. Dự kiến đến năm 2030 sẽ xây dựng mới 09 tuyến đường sắt với tổng chiều dài 2.362 km, trong đó, có tuyến sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường đôi, khổ 1.435 mm, dài khoảng 1.545 km; triển khai xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam…...[3]

Quốc hội, Chính phủ cũng tập trung nhiều nguồn lực và ban hành cơ chế đặc thù để ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia. Tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Quốc hội cho phép bổ sung tối đa 113,55 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số…

Nghị quyết 11/2022/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, Chính phủ yêu cầu tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022-2025; ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với một số dự án mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế-xã hội...[4]

Để triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tháng 6/2024, Bộ Giao thông vận tải cũng đã ban hành Chương trình hành động. Theo đó, về hạ tầng giao thông đường bộ sẽ tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Hồng theo hướng hiện đại, đồng bộ, ưu tiên phát triển các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, cảng hàng không, cảng biển gắn với phát triển các hành lang kinh tế vùng, tạo đột phá, phát triển nhanh, bền vững. Giai đoạn đến năm 2030, Bộ Giao thông vận tải sẽ đầu tư hoàn thành đường Vành đai 5 - vùng Thủ đô Hà Nội, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến, Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long; mở rộng đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình; Hà Nội - Bắc Giang; cải tạo, nâng cấp một số tuyến quốc lộ theo quy hoạch …[5]

Hoạt động đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông

Giai đoạn 2016-2020, công tác đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế. Trong đó, lĩnh vực đường bộ có nhiều đột phá, đã hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 2011 - 2020 khoảng 1.074km đường bộ cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc đang khai thác lên 1.163km. Mạng lưới quốc lộ đạt 24.598km, các tuyến quốc lộ chính yếu được đưa vào cấp kỹ thuật, thay thế cầu yếu và đồng bộ tải trọng [6].

Giai đoạn 2021-2025, Quốc hội, Chính phủ đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bao gồm nguồn vốn đầu tư công Trung ương và địa phương, tăng thu tiết kiệm chi... Tổng nguồn vốn bố trí giai đoạn này đạt khoảng 470 nghìn tỷ đồng, gấp gần 03 lần so với giai đoạn 2016-2020. Tính đến cuối năm 2022, trên toàn quốc có tổng chiều dài đường bộ 595,2 nghìn km, trong đó, đường bộ quốc gia (quốc lộ, cao tốc) là 25,6 nghìn km. Mạng lưới đường cao tốc đã đưa vào khai thác khoảng 23 đoạn tuyến, tương đương với 1.239 km, đang triển khai xây dựng khoảng 14 tuyến, đoạn tuyến, tương đương với 840 km. Hệ thống quốc lộ được trải mặt nhựa đạt khoảng 64,8%, còn lại là mặt đường bê tông xi măng, láng nhựa và cấp phối. Đường có quy mô 1 làn xe chiếm 11%, quy mô 2 làn xe chiếm khoảng 74,5%, quy mô 4 làn xe chiếm 13,9%, quy mô từ 6 - 10 làn xe chiếm 0,5%, còn lại là đường xen kẽ với bề rộng khác nhau.

Hệ thống hạ tầng đường sắt cũng được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo, trong đó đã hoàn thành 4 dự án đường sắt quan trọng, cấp bách trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, góp phần rút ngắn thời gian chạy tàu, nâng cao an toàn giao thông; đang triển khai 4 dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn còn lại, hoàn thành năm 2025. Đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và đang đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị: Nhổn - ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương.

Những thành quả trong đầu tư hạ tầng giao thông cũng được ghi nhận tại hệ thống cảng biển ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Đến nay đã đầu tư, đưa vào khai thác 286 bến cảng (thuộc 36 cảng biển cả nước), cơ bản đáp ứng năng lực vận tải, xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước, luồng hàng hải được đầu tư đồng bộ với các bến cảng biển, cụ thể: đang triển khai thi công luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2); nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2); xây dựng các bến số 3, 4, 5, 6 khu bến cảng Lạch Huyện; nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số “0” vào khu bến cảng container Cái Mép, luồng Thọ Quang, cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng), luồng Quy Nhơn (Bình Định), luồng Nam Nghi Sơn (Thanh Hóa)…, đưa tổng công suất các cảng từ 420 triệu tấn (năm 2011) lên khoảng 580 triệu tấn mỗi năm. Đặc biệt, đã cải tạo và đưa vào khai thác 22 cảng hàng không, cơ bản đáp ứng nhu cầu hành khách, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, hội nhập quốc tế. Gần đây, đã khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1), Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cải tạo, mở rộng một số cảng hàng không như Điện Biên, Cát Bi, Phú Bài…[7]

Với hệ thống hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ, việc vận chuyển, luân chuyển hành khách, hàng hóa có nhiều chuyển biến tích cực. Theo Tổng cục Thống kê, Tính chung 9 tháng năm 2023, vận tải hành khách cả nước ước đạt 3.406 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 49%) và luân chuyển đạt 184 tỷ lượt khách.km, tăng 27,9% (cùng kỳ năm trước tăng 73,7%). Trong đó, vận tải trong nước ước đạt 3.394,5 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước và 150,5 tỷ lượt khách.km luân chuyển, tăng 11,7%; vận tải ngoài nước ước đạt 11,5 triệu lượt khách vận chuyển, gấp 4 lần và 33,5 tỷ lượt khách.km luân chuyển, gấp 3,7 lần cùng kỳ năm trước. …

Mặc dù hạ tầng giao thông của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên, vẫn là “điểm nghẽn” đối với nhu cầu phát triển đất nước. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ trọng vận tải hành khách trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay có sự mất cân đối giữa các phương thức vận tải, thị phần vận tải giữa các lĩnh vực giao thông không đồng đều. Trong đó, vận tải đường bộ là chủ yếu và không phát huy được hiệu quả khai thác của các phương thức vận tải khác.

Cụ thể, vận tải hành khách đường bộ chiếm gần 88%, hàng không chiếm 6,77%, đường thủy nội địa chiếm 4,92%, đường sắt chiếm 0,33%. Trong vận chuyển hàng hóa, đường bộ chiếm 76,5%, đường sông chiếm 17,37%, đường biển chiếm 5,55%, đường sắt chiếm 0,55%, hàng không chiếm 0,02%. Sự mất cân đối giữa các loại hình vận tải gây sức ép lớn lên kết cấu hạ tầng đường bộ, tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông luôn ở mức cao, thiếu hụt nguồn lực như quỹ đất, nguồn nhân lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; đồng thời không khai thác được lợi thế của các loại hình giao thông khác như đường sắt, đường sông, đường biển.

Tỷ trọng vốn đầu tư trong các lĩnh vực của kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2011 - 2020 không đồng đều (bao gồm cả vốn ngân sách nhà nước và vốn ngoài ngân sách nhà nước). Trong đó, tỷ trọng vốn đầu tư vào đường bộ chiếm 70,08%; vào đường sắt chiếm 11,19%; vào hàng không chiếm 10%, vào hàng hải chiếm 5,87%, vào đường thủy nội địa chiếm 2,02%, lĩnh vực khác chiếm 1,19%.

Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả phát triển kinh tế, thể hiện rõ nét trong hoạt động logistic. Trong công bố năm 2023, chỉ số LPI (Chỉ số Hiệu quả Logistics) của Việt Nam đạt 3,3 điểm, tuy tăng cao hơn lần công bố trước (3,27 điểm) nhưng lại tụt 4 hạng so với lần công bố LPI gần nhất vào năm 2018, với thứ hạng 43 trên tổng số 160 quốc gia. Theo ước tính, chi phí dịch vụ logistics của Việt Nam khoảng 20% GDP, vẫn cao hơn nhiều so với các nước phát triển như Mỹ và cao hơn các nước đang phát triển như Trung Quốc hay Thái Lan. Theo thống kê, có hơn 50% số đường bộ ở tình trạng kém chất lượng và không đảm bảo an toàn cho vận chuyển hàng hóa và thiếu hụt các tiện ích phục vụ logistics… Tất cả những yếu tố này khiến cho hàng hóa của Việt Nam giảm sức cạnh tranh …[8]

Giải pháp thúc đẩy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 và tác động của xung đột tại Đông Âu, nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức. Để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thời gian tới cần phải giải quyết bài toán tổng thể, từ việc xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, quản lý đất đai đồng bộ và đầy đủ, đến cân đối các nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực, huy động nguồn lực xã hội vào các lĩnh vực, công trình trọng yếu. Công tác quy hoạch, dự báo cần phải sát thực, có sự gắn kết và đồng bộ. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, cần bố trí vốn tập trung cho các công trình động lực. Việc quản lý dự án, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ cũng cần phải chuyên nghiệp hơn. Cụ thể:

Thứ nhất, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện dự án. Việc lựa chọn dự án phải có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên vốn đầu tư hạ tầng trọng điểm, công trình có tính lan tỏa, động lực để phát triển kinh tế xã hội.

Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Đây là công việc rất khó khăn, phức tạp, là điểm nghẽn, nút thắt trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông thuộc danh mục chỉ đạo của Ban Chỉ đạo có khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn, đi qua nhiều địa phương... Do vậy, các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể xã hội, mặt trận Tổ quốc cùng chung tay vào cuộc và nỗ lực thực hiện đúng tiến độ bàn giao mặt bằng sạch phục vụ thi công theo đúng tiến độ.

Thứ ba, xây dựng cơ chế để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà nước và nhà đầu tư. Trong bối cảnh hiện tại, ngoài nguồn vốn ngân sách thì việc thu hút các nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng gia thông đồng bộ, hiện đại là điều hết sức cần thiết. Nhu cầu thực tiễn đòi hỏi cần sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xây dựng cơ chế chính sách hợp lý để khơi thông dòng vốn đầu tư này, theo hình thức đối tác công - tư.

Thứ tư, phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, quy định rõ trách nhiệm của địa phương về công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Tăng cường giao các địa phương là cơ quan có thẩm quyền đối với các dự án đầu tư theo phương thức PPP, tạo đột phá đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc, các địa phương ưu tiên bố trí ngân sách địa phương tham gia đầu tư để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương khi tuyến đường bộ hình thành; Chính phủ hỗ trợ ngân sách trung ương tùy theo tình hình cụ thể của địa phương.

Thứ năm, tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định có tính chất đặc thù như: Đường cao tốc, cầu dài vượt biển...; các cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành đặc biệt là hệ thống giao thông thông minh; điều chỉnh các loại hình kinh doanh vận tải cho phù hợp với thực tế. Đồng thời, điều chỉnh Luật Ngân sách Nhà nước theo hướng mở rộng phạm vi thu - chi ngân sách địa phương tạo điều kiện để địa phương có nguồn lực đầu tư, quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh, nhằm linh hoạt trong việc sử dụng ngân sách Trung ương và địa phương. Cùng với đó, điều chỉnh các Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lâm nghiệp để tăng cường phân cấp cho địa phương quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất (rừng, lúa); khung chính sách đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng; báo cáo đánh giá tác động môi trường để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục thẩm định, phê duyệt.

Ths. Hoàng Mạnh Cường

Trung tâm tư vấn giám sát Công trình giao thông - Sở GTVT tỉnh Hòa Bình

Tài liệu tham khảo:

1. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xi/chien-luoc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-2011-2020-1527

2. Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16-1-2012, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xi/nghi-quyet-so-13-nqtw-ngay-16012012-hoi-nghi-lan-thu-4-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xi-ve-xay-dung-he-thong-ket-575

3. Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

4. Nguyễn Văn Thể (2020), Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông “đi trước một bước” theo hướng đồng bộ, hiện đại, https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/phat-trien-ket-cau-ha-tang-giao-thong-di-truoc-mot-buoc-theo-huong-dong-bo-hien-dai

5. Nguyễn Văn Nghi (2021), Phát triển hạ tầng giao thông để đẩy mạnh phát triển kinh tế Việt Nam, Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8, tháng 4 năm 2021

6. Nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế, https://consosukien.vn/nang-cao-chat-luong-ha-tang-giao-thong-de-phat-trien-kinh-te.htm

7. Hạ tầng giao thông lĩnh ấn 'mở đường', https://dttc.sggp.org.vn/ha-tang-giao-thong-linh-an-mo-duong-post111032.html

8. Bước phát triển vượt bậc của hạ tầng giao thông Việt Nam, https://baodauthau.vn/buoc-phat-trien-vuot-bac-cua-ha-tang-giao-thong-viet-nam-post147170.html

Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động