Bắc Ninh: Nỗ lực xây dựng một tương lai bền vững cho các làng nghề
Bắc Ninh nổi tiếng với các làng nghề truyền thống, song nhiều năm nay phải đối mặt với thách thức về ô nhiễm môi trường. Nhiều làng nghề “ngập” trong ô nhiễm không khí, chất thải, nguồn nước và đất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người dân, gây nhức nhối dư luận xã hội. Cuộc cách mạng về môi trường trả lại “màu xanh” cho làng nghề, bảo đảm các yếu tố môi trường và phát triển hài hoà, bền vững đang được cả hệ thống chính trị và người dân đồng thuận thực hiện.
“Không để ô nhiễm môi trường trở thành nỗi đau kéo dài, không chấp nhận điểm nóng, vi phạm ô nhiễm môi trường tồn tại, bảo đảm sự phát triển hài hoà, bền vững” là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong xử lý, tiến tới xử lý triệt để ô nhiễm môi trường làng nghề, cụm công nghiệp (CCN) làng nghề và các cơ sở bị ô nhiễm nghiêm trọng ở khu vực đô thị đông dân cư, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Thực hiện nghiêm chỉ đạo đó, các cấp, ngành, địa phương liên quan đã, đang, tiếp tục vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ, bài bản, đem lại kết quả đáng ghi nhận, tạo hiệu ứng tích cực và sự lan toả mạnh mẽ trong xã hội về chiến lược làm sạch môi trường làng nghề của tỉnh.
![]() |
Đầu tư vào công nghệ sản xuất sạch và hệ thống xử lý chất thải; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường quản lý nhà nước và sự tham gia của cộng đồng về bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế xanh, chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống làng nghề... là những đòi hỏi cấp thiết để gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp và xây dựng một tương lai bền vững cho các làng nghề tại Bắc Ninh. |
Làng nghề gò đúc đồng Đại Bái (Gia Bình) vừa hoàn thành công tác kiểm tra, xử lý, giải quyết triệt để các hành vi gây ô nhiễm môi trường trong tháng 3 vừa qua cho thấy quyết tâm chính trị về làm sạch môi trường làng nghề, CCN làng nghề của tỉnh đã được chuyển hoá thành hành động cụ thể, nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Trước tình hình ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ các cơ sở sản xuất, khi làng nghề, CCN làng nghề không có khu xử lý nước thải tập trung; không có khu xử lý chất thải từ hoạt động sản xuất cô đúc tái chế nhôm đồng; nước thải sản xuất được xả cùng nước thải sinh hoạt ra ngoài môi trường; không có hệ thống xử lý khói; lượng tro xỉ phát thải trực tiếp ra môi trường… UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo huyện Gia Bình hành động quyết liệt, nhằm xóa bỏ vĩnh viễn các lò đốt, ống khói gây ô nhiễm. Đến nay, Đại Bái cơ bản hoàn thành việc phá dỡ các lò đốt, tái chế và ống khói không đạt quy chuẩn. Theo Chủ tịch UBND huyện Gia Bình Nguyễn Công Ký: Thực hiện Kế hoạch 171/KH-UBND ngày 21-3-2025 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý ô nhiễm môi trường, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các làng nghề, CCN, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND xã Đại Bái nhanh chóng thành lập 2 Đoàn kiểm tra liên ngành, đích thân các đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng Đoàn tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực môi trường, phòng cháy, chữa cháy, an toàn điện... Công tác kiểm tra được thực hiện quyết liệt, không quản ngày đêm, và chỉ sau 10 ngày, Đại Bái đã giải quyết cơ bản các hành vi vi phạm về môi trường. Thành công lớn nhất ở đây là nhận được sự đồng thuận, ý thức, trách nhiệm cao của các chủ sản xuất, rất nhiều hộ dân đã tự nguyện phá dỡ công trình vi phạm trước khi Đoàn liên ngành của huyện đến kiểm tra.
Cùng với giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường làng nghề Đại Bái, từ cuối năm 2024, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt công tác xử lý, giải quyết các điểm phức tạp về ô nhiễm môi trường, nhất là địa bàn phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh); xã Văn Môn (Yên Phong) và xã Phú lâm (Tiên Du), đạt hiệu quả cao, được nhân dân, các cơ sở sản xuất đồng tình, ủng hộ. Thành công lớn trong xử lý triệt để các điểm nóng ô nhiễm trên tạo tiền đề vững chắc để Bắc Ninh tiếp tục rà soát, xử lý nghiêm minh các cơ sở vi phạm về môi trường, mở hướng phát triển mới cho làng nghề sản xuất xanh, sạch đẹp.
Mới đây, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Văn bản số 195/UBND-NN.TN về rà soát, xử lý các cơ sở, khu vực, địa điểm ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, nhằm đánh giá thực trạng tình hình ô nhiễm môi trường, từ đó tiếp tục triển khai các giải pháp giải quyết hiệu quả, triệt để. Công tác xử lý, giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề, CCN, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu đô thị đông dân cư và khu vực nông thôn gây ô nhiễm nghiêm trọng phải hoàn thành trước ngày 30-4-2025.
Giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề là “bài toán” vô cùng hóc búa, nhưng Bắc Ninh đã làm được. Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn khẳng định: “Không châm chước, không thoả hiệp, không có vùng cấm và không có ngoại lệ” với ô nhiễm môi trường. Trên tinh thần báo cáo của các đồng chí lãnh đạo Công an tỉnh, Bộ Công an sẽ lấy Bắc Ninh làm điểm điển hình về xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong thời gian vừa qua. Đây vừa là vinh dự, song cũng là trọng trách hết sức nặng nề, vì vậy, tỉnh kiên quyết xử lý mạnh tay đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết tâm thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh; rà soát, báo cáo đầy đủ, chính xác, trung thực các cơ sở gây ô nhiễm, khu vực, địa điểm ô nhiễm môi trường và kịp thời tham mưu hoặc tổ chức xử lý, giải quyết triệt để; kiểm điểm, xử lý nghiêm cán bộ buông lỏng quản lý, có hành vi can thiệp trái pháp luật hoặc bao che, bảo kê cho các đối tượng vi phạm. Lãnh đạo các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện.
Đầu tư vào công nghệ sản xuất sạch và hệ thống xử lý chất thải; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường quản lý nhà nước và sự tham gia của cộng đồng về bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế xanh, chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống làng nghề... là những đòi hỏi cấp thiết để gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp và xây dựng một tương lai bền vững cho các làng nghề tại địa phương.