Xây dựng mô hình MRV và bộ tiêu chí đánh giá mức độ công khai, minh bạch các hành động giảm thiểu phát thải trong lĩnh vực quản lý chất thải
1. Giới thiệu
1.1. Tổng quan về quản lý chất thải tại Việt Nam
Do sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số đang diễn ra mạnh mẽ đã tạo ra áp lực lớn tới môi trường khi lượng chất thải đang phát sinh ngày càng nhiều. Theo thống kê năm 2019 thì chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại các đô thị là 35.624 tấn/ngày, ở nông thôn là 28.394 tấn/ngày [3], CTRSH tại các đô thị chiếm đến hơn 50% tổng lượng CTRSH của cả nước, tăng từ 32.000 tấn/ngày năm 2014 lên 35.624 tấn/ngày trong năm 2019 [1, 2]. Trong khi đó, việc kiểm soát, quản lý chất thải còn nhiều hạn chế, dẫn đến nguy cơ gây ra tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe con người [3].
Các loại KNK có thể phát sinh trong lĩnh vực chất thải bao gồm: CO2, CH4 và N2O. Các nguồn phát sinh KNK chính trong lĩnh vực chất thải được ghi nhận là: chôn lấp chất thải rắn; xử lý sinh học chất thải rắn; thiêu hủy và đốt mở chất thải; xử lý và xả nước thải. Thông thường, CH4 phát thải từ các bãi chôn lấp chất thải rắn (SWDS) chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng lượng KNK của lĩnh vực này. CH4 trong xả và xử lý nước thải cũng đóng một vai trò tương đối quan trọng. Bên cạnh đó, xả thải, xử lý chất thải rắn và nước thải cũng đồng thời tạo ra các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi không metan (NMVOCs), NOx, CO và NH3. NOx chủ yếu sinh ra khi đốt chất thải, còn NH3 sinh ra trong quá trình ủ phân (compost). NOx và NH3 có thể gián tiếp tạo ra N2O. Tuy nhiên, lượng N2O này chiếm một tỷ lệ nhỏ, không đáng kể [11].
Hoạt động quản lý chất thải hàng năm phát sinh khoảng trên 1,3 tỷ tấn CO2-tđ [6] trên phạm vi toàn cầu. Trong phạm vi khu vực và đô thị, hợp phần chất thải có những cơ hội tự biến mình từ một “nguồn phát thải” trở thành “nguồn cắt giảm” phát thải khí nhà kính dựa trên cơ sở lựa chọn một cách khoa học, bền vững hệ thống quản lý và công nghệ xử lý chất thải. Sự kết hợp của nhiều đô thị, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, hoạt động này sẽ đem lại những thành tích đáng kể trong công cuộc thu hồi tái chế nguyên vật liệu và cắt giảm phát thải khí nhà kính [5].
1.2. Sự cần thiết triển khai xây dựng mô hình MRV và bộ tiêu chí đánh giá mức độ công khai, minh bạch các hành động giảm nhẹ phát thải trong lĩnh vực quản lý chất thải
Việt Nam đã tham gia rất tích cực vào các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) thông qua việc tham gia vào Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC) năm 1992, Nghị định thư Kyoto và rất nhiều các sáng kiến, cơ chế, đối thoại và nền tảng tương tự khác. Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2053/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH ngay sau khi tham gia vào Thỏa thuận Paris [9]. Một trong những nhiệm vụ quan trọng được đề cập trong Quyết định là thiết lập hệ thống công khai, minh bạch (MRV) cấp quốc gia, ngành cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH và huy động nguồn lực.
Ở Việt Nam, hiện nay chưa có mô hình MRV hay hướng dẫn cụ thể nào cho các hành động giảm nhẹ phát thải trong quản lý chất thải. Hiện tại, có một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến MRV quốc gia:
Luật bảo vệ môi trường sửa đổi được ban hành theo Quyết định số 55/2014/QH13, ngày 23/6/2014 (thay thế luật cũ năm 2005) với việc bổ sung các điều khoản mới về BĐKH. Đây được coi là văn bản pháp lý cao nhất có liên quan đến MRV [4];
Quyết định số 1775/QĐ-TTg ban hành ngày 12/11/2012 về Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và quản lý các hoạt động buôn bán tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào văn bản này thì chưa đủ để có thể xây dựng và thiết lập một hệ thống MRV quốc gia [8].
Do đó, bài báo đề xuất mô hình MRV và bộ tiêu chí đánh giá mức độ công khai, minh bạch cho các hành động giảm nhẹ phát thải trong quản lý chất thải. Kết quả của nghiên cứu sẽ góp phần đóng góp vào việc thiết lập hệ thống MRV cho hoạt động thích ứng ở Việt Nam và nâng cao uy tín của quốc gia trên thị trường quốc tế về những nỗ lực giảm nhẹ phát thải KNK.
2. Xây dựng mô hình hệ thống công khai, minh bạch cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK trong quản lý chất thải.
2.1. Các bước xây dựng mô hình MRV
Việc tổng quan các tài liệu trên thế giới kết hợp với thực tiễn công tác giảm nhẹ trong lĩnh vực biến đổi khí hậu tại Việt Nam, nghiên cứu đề xuất 04 bước trong việc xây dựng mô hình MRV cho hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK trong quản lý chất thải như sau:
- Bước 1: Trước khi một hoạt động giảm nhẹ được thực hiện, muốn MRV hoạt động giảm nhẹ cần phải nắm được những thông tin đầy đủ cho hoạt động giảm nhẹ đó;
- Bước 2: Khi đã nắm được đầy đủ thông tin liên quan đến hoạt động giảm nhẹ thì cần phải xác định được các yếu tố cụ thể của MRV cho hoạt động giảm nhẹ bao gồm:
+ Xây dựng đường cơ sở để đánh giá hiệu quả hoạt động giảm nhẹ;
+ Xác định được nội dung cần thẩm định của hoạt động giảm nhẹ;
+ Xác định được nội dung cần báo cáo của hoạt động giảm nhẹ;
- Bước 3: Sau khi xác định được các yếu tố cần MRV thì phải xây dựng được bộ chỉ số để đo lường hoạt động giảm nhẹ;
- Bước 4: Phải xác định được vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan trong hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK trong quản lý chất thải.
2.2. Các yếu tố MRV trong hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK
Đối với M (Monitoring) cần phải xây dựng được đường cơ sở (Baseline) cho các hành động giảm nhẹ phát thải KNK trên cơ sở thiết lập một bộ chỉ số đánh quá trình và đánh giá hiệu quả các hoạt động hành động giảm nhẹ phát thải KNK. Trong đường cơ sở này cần làm rõ các nguồn số liệu được đưa vào tính toán, cách thức tính toán và đường cơ sở sẽ là căn cứ để xác định được mức độ đạt được hiệu quả của các hoạt động giảm nhẹ.
Đối với R (Reporting) phải xác định rõ Báo cáo hoạt động giảm nhẹ là báo cáo hành động giảm nhẹ phát thải KNK trong quản lý chất thải. Các mẫu cho Báo cáo hành động giảm nhẹ phát thải KNK trong quản lý chất thải cần phải được chuẩn bị và đối tượng Báo cáo là ai? Cuối cùng là cần phải xác định cơ quan yêu cầu phải nộp báo cáo và duyệt báo cáo.
Đối với V (Verification) cũng cần chuẩn bị xem nội dung cần thẩm định gì? Cần thiết phải đưa hệ thống các câu hỏi thẩm định vào đây và phần thẩm định này cần phải thẩm định hết quá trình thực hiện và kết quả của hành động giảm nhẹ với BĐKH ở các cấp khác nhau. Việc thẩm định này cần có cơ quan chuyên môn sâu như các Viện nghiên cứu; các trường đại học và các chuyên gia đầu ngành về BĐKH tham gia. Thời gian thẩm định cần phải xác định sau khi đã đánh giá được hiệu quả của hoạt động giảm nhẹ.
2.3. Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả các hành động giảm nhẹ phát thải KNK
Bộ chỉ số tập trung vào các chỉ số quá trình thực hiện và kết quả thực hiện hành động giảm nhẹ. Việc thiết lập bộ chỉ số phải dựa trên lĩnh vực giảm nhẹ cụ thể đó là lĩnh vực chất thải và tính khả thi của việc thu thập nguồn dữ liệu để tiện cho việc Đo đạc và Thẩm định. Các chỉ số khi xây dựng cũng cần bám sát vào mục tiêu giảm nhẹ để thiết kế các chỉ số đảm bảo độ phù hợp và khả thi. Bên cạnh đó, không thể thiếu ý kiến tham vấn chuyên gia cho bộ chỉ số được xây dựng để nhằm thưc hiện MRV cho hoạt động giảm nhẹ một cách hiệu quả. Cuối cùng bằng việc thu thập và xử lý nguồn tài liệu thì hoạt động giảm nhẹ cũng sẽ được đánh giá một cách toàn diện nhất. Một trong những yếu tố chính khi áp dụng phương pháp MRV cho hoạt động giảm nhẹ cần phải xem xét đến các yếu tố sau của phương pháp: Khả năng áp dụng: Miêu tả, giải thích rõ hành động giảm nhẹ phát thải KNK có thể áp dụng phương pháp này; Nguyên lý của hiệu quả hành động giảm nhẹ phát thải KNK: Chỉ rõ được hiệu quả của hành động giảm nhẹ phát thải KNK như thế nào; Công thức tính toán: Chỉ ra công thức tính toán hiệu quả giảm nhẹ so với đường cơ sở là như thế nào; Phương pháp đo đạc những số liệu cần thiết để tính toán hiệu quả giảm nhẹ: Miêu tả phương pháp đo đạc, thu thập từng tham số trong công thức tính toán hiệu quả giảm nhẹ cơ sở, và khi áp dụng các giải pháp giảm nhẹ phát thải KNK.
Bảng 1. Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả của hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK
trong quản lý chất thải
TT | Các yếu tố | Nội dung MRV |
---|---|---|
1 | M (Monitoring) | - Xác định được đối tượng cần Đo đạc cho hành động giảm nhẹ phát thải KNK trong quản lý chất thải. - Xây dựng được đường cơ sở (BASELINE) đánh giá quá trình và đánh giá hiệu quả giảm nhẹ phát thải KNK trong quản lý chất thải. - Xây dựng bộ chỉ số đánh giá quá trình và đánh giá hiệu quả hoạt hành động giảm nhẹ phát thải KNK trong quản lý chất thải. |
2 | R (Reporting) | - Xác định được nội dung cần báo cáo cho hành động giảm nhẹ phát thải KNK trong quản lý chất thải; - Xác định được đối tượng chịu trách nhiệm báo cáo theo hệ thống: + Ủy ban nhân dân huyện; + Ủy ban nhân dân tỉnh; + Bộ Tài nguyên và Môi trường; + Ủy ban quốc gia về BĐKH. - Xác định thời gian báo cáo. |
3 | V (Verification) | - Xác định đối tượng cần đo đạc là các hành động giảm nhẹ phát thải KNK trong quản lý chất thải; - Xây dựng được bộ câu hỏi cần thẩm định đối với các hành động giảm nhẹ phát thải KNK trong quản lý chất thải; - Xác định được bên thứ 3 tham gia vào thẩm định (Viện nghiên cứu, các trường đại học và các chuyên gia đầu ngành); - Xác định được cơ quan phê duyệt báo cáo thẩm định (ví dụ như Bộ Tài nguyên và Môi trường). |
2.4. Quy định về vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan đến MRV giảm nhẹ với biến đổi khí hậu
Việc xác định được vai trò và trách nhiệm của các bên tham gia vào MRV cho hoạt động giảm nhẹ BĐKH là quan trọng và cần thiết để thực hiện các khâu MRV được chuẩn xác để mang lại hiệu quả giảm nhẹ cao nhất. Tuy nhiên, để xác định được vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan cần phân tách cho từng yếu tố MRV cụ thể. Nhìn chung thì để quản lý hệ thống MRV, trách nhiệm các bên liên quan sẽ được phân tách thành: (1) Cơ quan có thẩm quyền cao nhất; (2) Cơ quan đầu mối cao nhất; (3) Cơ quan phối hợp thực hiện MRV và (iv) Cơ quan triển khai MRV cụ thể (Hình1).
Hình 1. Khung MRV dự kiến cho hoạt động giảm nhẹ với BDKH [7] |
Đối với Cơ quan có thẩm quyền: được xác định là cơ quan cao nhất trong hệ thống MRV cấp quốc gia, ở đây có thể hiểu là Ủy ban quốc gia về BĐKH có trách nhiệm trong việc (kiểm tra và phê duyệt các hành động thích ứng với BĐKH; kiểm tra và phê duyệt các báo cáo về MRV của quốc gia do Cơ quan đầu mối quản lý MRV đệ trình và thông báo với Chính phủ và các bên liên quan cho hoạt động giảm nhẹ của quốc gia sau khi có đầy đủ các thông tin được tổng hợp).
Đối với Cơ quan đầu mối quản lý MRV: được xác định là cơ quan cao nhất trong việc quản lý trực tiếp hệ thống MRVcủa quốc gia. Cơ quan này quản lý và giám sát tất cả các hoạt động MRV của quốc gia với nhiệm vụ chính như (xem xét các hoạt động giảm nhẹ và kế hoạch MRV do các cơ quan phối hợp đệ trình và có trách nhiệm tổng hợp thành dự thảo danh sách các hành động giảm nhẹ và kế hoạch MRV cho quốc gia; xem xét tất cả các báo cáo đánh giá của ngành và địa phương để đệ trình lên Cơ quan thẩm quyền MRV quốc gia; nắm được toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu về hoạt động giảm nhẹ để có thể đưa vào MRV giảm nhẹ cấp quốc gia.
Đối với cơ quan phối hợp thực hiện MRV: là các cơ quan chuyên ngành và phải nắm được MRV cho ngành/lĩnh vực mình phụ trách. Cơ quan ở đây phải kể đến là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhiệm vụ chính của các Cơ quan phối hợp thực hiện MRV là rà soát kế hoạch cũng như kết quả MRV đối với tất cả các hành động thích ứng với BĐKH của ngành/lĩnh vực mình phụ trách (xem xét danh sách hoạt động giảm nhẹ và kế hoạch MRV của ngành; đệ trình danh sách các hành động giảm nhẹ theo ngành và các kế hoạch MRV lên Cơ quan đầu mối quản lý MRV; xem xét Báo cáo giám sát các hành động giảm nhẹ được các Cơ quan triển khai MRV đệ trình; tổng hợp các Báo cáo giám sát các hành động giảm nhẹ do các đơn vị thực hiện đệ trình thành Báo cáo giám sát ngành và đệ trình Báo cáo đánh giá ngành lên Cơ quan đầu mối quản lý MRV).
Đối với cơ quan triển khai MRV cụ thể: là cơ quan trực tiếp các hoạt động giảm nhẹ của quốc gia bao gồm từ cấp dự án trở lên. Đại diện của cơ quan này là các cơ quan chuyên môn về lĩnh vực BĐKH như các Viện nghiên cứu; các trường đại học; các chuyên gia hay tổ chức tư nhân uy tín. Nhiệm vụ của cơ quan này bao gồm (xác định được danh sách các hoạt động giảm nhẹ cần MRV; đệ trình danh sách các hoạt động giảm nhẹ lên cơ quan phối hợp chuyên ngành; tiến hành các bước đo đạc và giám sát hoạt động giảm nhẹ; tính toán được hiệu quả của các hành động giảm nhẹ và báo cáo đo đạc và giám sát hoạt động giảm nhẹ lên cơ quan phối hợp chuyên ngành để tổng hợp lên các cấp cao hơn).
3. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ công khai, minh bạch cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK trong quản lý chất thải.
3.1. Phương pháp xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ công khai, minh bạch
Bộ tiêu chí đánh giá mức độ công khai, minh bạch các hành động giảm nhẹ phát thải KNK trong quản lý chất thải được nhóm nghiên cứu thực hiện theo các bước như sau:
- Bước 1: Rà soát, phân tích các nội dung liên quan đến MRV các hành động giảm nhẹ phát thải KNK trong quản lý chất thải. Để xác định được nội dung này, trước hết cần phải phân chia MRV ra thành từng phần khác nhau để phân tích bao gồm:
+ Giai đoạn chuẩn bị: Cần xem xét đến các khía cạnh như thể chế chính sách cho hoạt động giảm nhẹ; phương pháp luận phục vụ việc đánh giá phát thải; hệ thống nguồn số liệu cũng như chất lượng của hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ quá trình tính toán phát thải KNK trong quản lý chất thải.
+ Giai đoạn đo đạc: Cần phải xác định rõ những nội dung nào cần tiến hành đo đạc, thông tin thường phải tập trung chủ yếu vào kết quả đánh giá định lượng về phát thải khí nhà kính quốc gia của các lĩnh vực trên cơ sở kiểm kê phát thải KNK lĩnh vực chất thải.
+ Giai đoạn báo cáo: Nội dung báo cáo sẽ được thực hiện sau khi xong công tác đo đạc hoạt động phát thải khí nhà kính. Báo cáo cũng sẽ tập trung trước hết vào những nội dung liên quan đến đo đạc và cần xác định rõ các tổ chức tham gia thực hiện việc báo cáo phát thải KNK lĩnh vực chất thải.
+ Giai đoạn thẩm định: Là giai đoạn cuối cùng trong hệ thống MRV sau khi thực hiện và xác định các nội dung cần đo đạc và báo cáo. Trong giai đoạn này cần bám sát các vấn đề về phát thải KNK lĩnh vực chất thải để tiến hành thẩm định lại quá trình bởi bên thứ 3.
- Bước 2: Xin ý kiến chuyên gia về các tiêu chí được thiết lập. Bước này giúp cho việc chính xác lại các tiêu chí đã được thiết kế phù hợp với hệ thống MRV, từ đó cung cấp cơ sở cho việc đánh giá mức độ công khai, minh bạch các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK trong quản lý chất thải.
- Bước 3: Hoàn thiện bộ tiêu chí để có thể phục vụ việc tính toán và thiết lập quy trình MRV cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK lĩnh vực quản lý chất thải. Bước này sẽ sử dụng kết quả đánh giá của chuyên gia để hoàn thiện lại bộ tiêu chí được thiết lập nhằm xác định một cách hiệu quả quy trình MRV và nâng cao khung minh bạch cho các hành động giảm nhẹ trong quản lý chất thải.
3.2. Đề xuất bộ tiêu chí đánh giá mức độ công khai, minh bạch
Bộ tiêu chí đánh giá mức độ công khai, minh bạch các hành động giảm nhẹ trong quản lý chất thải được xây dựng dựa vào các nghiên cứu các văn bản pháp luật và tham khảo ý kiến của một số chuyên gia trong lĩnh vực quản lý chất thải.
Bảng 2. Bộ tiêu chí đánh giá mức độ công khai, minh bạch
của các hành động giảm nhẹ phát thải KNK trong quản lý chất thải
TT | Tiêu chí | Thang đánh giá | |
---|---|---|---|
Có | Không | ||
1 | Công khai, minh bạch số liệu đo đạc lượng chất thải giảm do hoạt động nâng cao nhận thức của người dân về chất thải. | ||
1.1 | Tính toán số liệu khối lượng từng loại chất thải từ nguồn sinh ra. | ||
1.2 | Tính toán số liệu khối lượng từng loại chất thải đã giảm tại nơi sinh ra (giảm sx, giảm tổn thất trong quá trình sx, thiết kế sản phẩm tuổi thọ cao,…) | ||
2 | Công khai, minh bạch số liệu đo đạc lượng phát thải KNK giảm do hoạt động thu gom rác thải. | ||
2.1. | Tính toán số lượng từng loại phương tiện thu gom chất thải. | ||
2.2 | Tính toán quãng đường vận chuyển rác của từng phương tiện | ||
3 | Công khai, minh bạch số liệu đo đạc khối lượng chất thải giảm do hoạt động xử lý chất thải. | ||
3.1 | Tính toán số liệu chất thải được xử lý bằng công nghệ chôn lấp (landfill) | ||
3.2 | Tính toán số liệu chất thải được xử lý bằng công nghệ ủ (Composting) | ||
3.3 | Tính toán số liệu chất thải được xử lý bằng công nghệ đốt phân hủy (Incineration) | ||
3.4 | Tính toán số liệu chất thải được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện | ||
3.5 | Tính toán số liệu nước thải sinh hoạt | ||
3.6 | Tính toán số liệu nước thải công nghiệp | ||
3.7 | Tính toán số lượng máy móc, thiết bị tham gia vào quá trình xử lý chất thải | ||
3.8 | Tính toán khối lượng nhiên liệu được sử dụng trong quá trình xử lý chất thải. | ||
3.9 | Tính toán khối lượng nhiên liệu thu được trong quá trình xử lý chất thải bằng công nghệ đốt phát điện. | ||
4 | Công khai, minh bạch số liệu phát thải KNK trong lĩnh vực quản lý chất thải | ||
4.1 | Số liệu phát thải KNK từ hành động thu gom chất thải. | ||
4.2 | Số liệu phát thải KNK từ hành động vận chuyển chất thải đến nơi xử lý. | ||
4.3 | Số liệu phát thải KNK trong xử lý chất thải bằng công nghệ chôn lấp. | ||
4.4 | Công khai số liệu phát thải KNK trong xử lý chất thải bằng công nghệ ủ. | ||
4.5 | Số liệu phát thải KNK trong xử lý chất thải bằng công nghệ đốt phân hủy. | ||
4.6 | Số liệu phát thải KNK trong xử lý chất thải bằng công nghệ đốt phát điện. | ||
4.7 | Số liệu phát thải KNK trong xử lý nước thải sinh hoạt. | ||
4.8 | Số liệu phát thải KNK trong xử lý chất thải trong xử lý nước thải công nghiệp. | ||
5 | Công khai, minh bạch các Báo cáo về các hành động giảm nhẹ trong lĩnh vực quản lý chất thải. | ||
5.1 | Các thể chế, chính sách trong lĩnh vực quản lý chất thải | ||
5.2 | Công nghệ và phương pháp tính toán lượng phát thải KNK cho từng loại chất thải/nước thải. | ||
5.3 | Phương pháp xác định đường cơ sở | ||
5.4 | Các kịch bản về phát thải KNK | ||
5.5 | Quy trình QA/QC | ||
6 | Công khai, minh bạch quá trình thẩm định | ||
6.1 | Cung cấp đầy đủ, chính xác các nội dung cần thẩm định. | ||
6.2 | Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin của đơn vị thẩm định. | ||
6.3 | Kết quả thẩm định |
Nghiên cứu đã đề xuất 29 tiêu chí trong Bộ tiêu chí đánh giá mức độ công khai, minh bạch của các hành động giảm nhẹ phát thải KNK trong quản lý chất thải. Để đánh giá được mức độ công khai, minh bạch cần phải thiết kế 01 thang đo với các mức đánh giá khác nhau. Nghiên cứu đề xuất thang đo gồm 04 mức: không đạt, đạt, tốt và rất tốt phụ thuộc vào điểm số (với mỗi câu trả lời “Có” nhận 1 điểm, “Không” nhận 0 điểm). Cụ thể như bảng 3.
Bảng 3. Thang đô mức độ công khai, minh bạch
của các hành động giảm nhẹ phát thải KNK trong quản lý chất thải.
Thang đo | Điểm số |
Rất tốt | 29 |
Tốt | 27 ÷ 28 |
Đạt | 14 ÷ 26 |
Không đạt | 0 ÷ 13 |
Để thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam, thì việc thực hiện MRV cho hoạt động giảm nhẹ phát thải trong lĩnh vực quản lý chất thải sẽ mang lại những đóng góp to lớn về mặt chính sách giúp cho các nhà hoạch định chính sách về BĐKH có cái nhìn tổng quan và đưa ra được những quyết định chỉ đạo sáng suốt đối với lĩnh vực quản lý chất thải một cách toàn diện nhất. Bài báo đã đề xuất mô hình MRV, bộ chỉ số và bộ tiêu chí đánh giá mức độ công khai, minh bạch các hành động giảm nhẹ phát thải trong lĩnh vực quản lý chất thải. Để vận hành được hệ thống MRV cần chung tay của rất nhiều các ban/ngành, và cần thông qua một số văn bản pháp lý.
Nguyễn Thị Lệ Hằng, Phạm Thị Thu Hương, Phạm Thị Thanh Thủy
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Bộ Tài nguyên và Môi trường (2015), Tổng hợp số liệu báo cáo của các địa phương về chất thải rắn sinh hoạt năm 2015.
[2] Bộ Tài nguyên và Môi trường (2019a). Tổng hợp số liệu báo cáo của các địa phương về chất thải rắn sinh hoạt năm 2018 và 2019.
[3] Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020), Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia năm 2019: Chuyên đề Quản lý chất thải rắn sinh hoạt, NXB Dân Trí.
[4] Chính phủ Việt Nam (2014), Luật bảo vệ môi trường sửa đổi, Số 55/2014/QH13.
[5] Hoàng Minh Giang (2013), Nghiên cứu khả năng cắt giảm khí nhà kính từ hoạt động quản lý chất thải rắn đô thị ở Việt Nam, Báo cáo tổng kết đề tài khoa học và công nghệ cấp trường trong điểm, trường Đại học Xây dựng.
[6] IPCC (2007), Climate Change 2007: Synthesis Report, in: Core Writing Team, Pachauri, R., Reisinger, A. (Eds.), Geneva, Switzerland, p. 104.
[7] Phạm Thanh Long, Huỳnh Thị Lan Hương, Nguyễn Thi Liễu, Vương Xuân Hòa, Đoàn Quang Trí (2019), Xây dựng quy trình giám sát, báo cáo và thẩm tra (MRV) cho các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia ở Việt Nam, Tạp chí Khí tượng Thủy văn, ISSN 2525- 2208, số 707, trang 20-27.
[8] Thủ tướng Chính phủ (2012), Đề án “Quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới”, Quyết định 1775/QĐ, ngày 21/11/2012.
[9] Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 2359/QĐ-TTg, ngày 22/12/2015 về việc Phê duyệt Hệ thống quốc gia về kiểm kê khí nhà kính.
[10] Thủ tướng chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2020), Đóng góp do Quốc gia tự quyết định của Việt Nam (cập nhật năm 2020).
[11] Thu Vân (2020), Quản lý chất thải: Đánh giá, kiểm kê khí nhà kính trong quản lý chất thải rắn, Tạp chí Công nghiệp môi trường. Truy cập tại: https://congnghiepmoitruong.vn/danh-gia-kiem-ke-khi-nha-kinh-trong-quan-ly-chat-thai-ran-6162.html.
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.