Thái Nguyên: Tăng cường công tác quản lý chất thải
Hội nghị Giao ban báo chí tháng 8 năm 2024 |
Chú trọng công tác quản lý chất thải
Đối với chất thải rắn, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ thị, quy định việc tăng cường công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố đã chủ động, kịp thời tham mưu triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về quản lý chất thải rắn theo lĩnh vực và địa bàn quản lý; nhiều hoạt động tăng cường công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giảm phát sinh chất thải nhựa, đầu tư cải thiện hạ tầng thu gom, xử lý rác thải đã được quan tâm triển khai. Nhờ đó, tỷ lệ thu gom rác dần dần được tăng lên, rác thải sinh hoạt chuyển từ xử lý chôn lấp sang xử lý bằng phương pháp đốt tiếp tục tăng; công tác quản lý chất thải rắn trong các cơ sở sản xuất công nghiệp đi vào nền nếp hơn.
Đối với khí thải, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện Chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; duy trì quan trắc giám sát chất lượng môi trường không khí các khu vực đô thị, khu vực nhạy cảm về môi trường, tích cực đôn đốc các cơ sở thuộc đối tượng theo quy định khẩn trương đầu tư lắp đặt quan trắc tự động nguồn thải khí.
Đối với nước thải, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu bổ sung thêm 03 Trạm quan trắc nước mặt tự động liên tục trong dự án "Nâng cấp hệ thống quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên"; bổ sung 19 điểm quan trắc nước mặt so với mạng lưới quan trắc giai đoạn 2016 – 2020 và các nguồn thải trong Quyết định phê duyệt điều chỉnh mạng lưới quan trắc định kỳ giai đoạn 2021 - 2025 (nâng số điểm quan trắc nước mặt lên 79 điểm); đảm bảo duy trì chế độ hoạt động của Trạm quan trắc môi trường tự động liên tục đối với nước mặt sông Cầu, sông Công. Tích cực đôn đốc các cơ sở thuộc đối tượng theo quy định khẩn trương đầu tư lắp đặt quan trắc tự động nước thải, đến nay đã có 07 cơ sở hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với nước thải (tăng 4 cơ sở so với năm 2020), trong đó đã có 7/7 cơ sở truyền dữ liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường. Tăng cường kiểm tra và chỉ đạo quyết liệt việc giải quyết kiến nghị cử tri đối với đối với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, nhất là cơ sở chăn nuôi. Yêu cầu các chủ dự án xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, khu dân cư phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải phù hợp với quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống xử lý nước thải đảm bảo đủ công suất để xử lý khối lượng nước thải phát sinh và đạt quy chuẩn nguồn tiếp nhận, đảm bảo khoảng cách vệ sinh môi trường…
Sẽ tăng cường một số giải pháp thiết thực
Tại Hội nghị Giao ban báo chí tỉnh Thái Nguyên tháng 8 năm 2024, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết: Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, như: Hạ tầng kỹ thuật BVMT một số khu, cụm công nghiệp, khu dân cư chưa đáp ứng yêu cầu; Vấn đề ô nhiễm môi trường nước do hoạt động chăn nuôi và ô nhiễm môi trường không khí vẫn có xu hướng gia tăng; Vẫn tồn tại các cơ sở sản xuất có công nghệ sản xuất lạc hậu, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao nằm trong các khu dân cư tập trung chưa được di dời hoặc đổi mới công nghệ sản xuất;… Thời gian tới, Thái Nguyên sẽ tăng cường một số giải pháp thiết thực, như:
Thứ nhất: Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BVMT, tập trung vào các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, công tác hậu thẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Nâng cao vai trò, trách nhiệm giám sát, phát hiện, xử lý hành vi xả thải trái phép của UBND cấp huyện, xã, cơ quan liên quan theo lĩnh vực/địa bàn quản lý.
Thứ hai: Kiểm tra, đôn đốc yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị khẩn trương hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo quy định, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành; không cấp phép đầu tư mới các dự án thứ cấp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật về môi trường.
Thứ ba: Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật BVMT cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp và các cộng đồng dân cư bằng nhiều hình thức phong phú đa dạng để các đối tượng hiểu rõ và thực hiện.
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.