Đánh giá, kiểm kê khí nhà kính trong quản lý chất thải rắn
Thực trạng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam |
CH4 phát thải từ các bãi chôn lấp chất thải rắn chiếm tỷ lệ lớn nhất. |
Các loại khí nhà kính (KNK) có thể phát sinh trong lĩnh vực chất thải bao gồm: CO2, CH4 và N2O. Các nguồn phát sinh KNK chính trong lĩnh vực chất thải được ghi nhận là: chôn lấp chất thải rắn; xử lý sinh học chất thải rắn; thiêu hủy và đốt mở chất thải; xử lý và xả nước thải. Thông thường, CH4 phát thải từ các bãi chôn lấp chất thải rắn (SWDS) chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng lượng KNK của lĩnh vực này. CH4 trong xả và xử lý nước thải cũng đóng một vai trò tương đối quan trọng. Bên cạnh đó, xả thải, xử lý chất thải rắn và nước thải cũng đồng thời tạo ra các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi không metan (NMVOCs), NOx, CO và NH3. NOx chủ yếu sinh ra khi đốt chất thải, còn NH3 sinh ra trong quá trình compost. NOx và NH3 có thể gián tiếp tạo ra N2O. Tuy nhiên, lượng N2O này chiếm một tỷ lệ nhỏ, không đáng kể.
Theo ThS. Tăng Thị Hồng Loan - Chủ trì Nhiệm vụ cho biết, mục tiêu của Nhiệm vụ là tính toán lượng phát thải khí nhà kính của chất thải rắn theo hướng dẫn của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) và lập báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cho các năm 2014 và 2016.
Nội dung công việc nhóm nghiên cứu cần thực hiện là nghiên cứu hướng dẫn của IPCC và các tổ chức quốc tế để xây dựng phương pháp, biểu mẫu tính toán phát thải khí nhà kính; thu thập số liệu, dữ liệu từ các cơ sở xử lý chất thải rắn; tính toán phát thải khí nhà kính hàng năm; nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý chất thải rắn phù hợp nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; báo cáo tổng kết Nhiệm vụ. Nhóm nghiên cứu đã tham khảo tài liệu trong nước, quốc tế, khảo sát thực tế, thu thập, tổng hợp thông tin, số liệu từ hơn 1.900 cơ sở xử lý chất thải rắn trên toàn quốc, tổ chức hội thảo nhằm tổng hợp ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý để hoàn thiện các sản phẩm theo yêu cầu.
Kết thúc quá trình nghiên cứu, Nhiệm vụ đề xuất duy trì, cập nhật số liệu định kỳ về phát thải khí nhà kính ít nhất 2 năm/lần; tiếp tục nghiên cứu giá trị các thông số: Thành phần chất thải, mức tiêu thụ năng lượng để giảm nhu cầu thu thập và quản lý thông tin; nghiên cứu cơ chế thúc đẩy thực hiện các giải pháp quản lý và giảm phát thải khí nhà kính trong ngành Xây dựng.
Hội đồng Khoa học công nghệ Bộ Xây dựng đã nghiệm thu kết quả thực hiện Nhiệm vụ và đánh giá đề tài đạt mức Khá.
Năng lượng tiêu thụ trong ngành xây dựng chiếm tỷ lệ khoảng 40% tổng lượng năng lượng tiêu thụ quốc gia. Mặc dù, xây dựng không phải là ngành gây phát thải khí nhà kính lớn nhất nhưng được dự báo là ngành có nhu cầu sử dụng năng lượng gia tăng nhanh nhất, gây ra thách thức về môi trường đối với Việt Nam và toàn cầu. |