Thực trạng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam

20/05/2020 13:52 Quản lý nguồn thải
Tổng lượng phát thải khí nhà kính (KNK) năm 2014 tại Việt Nam là 283.965,53 nghìn tấn CO2tđ bao gồm lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và nông nghiệp (LULUCF) và 321.505,71 nghìn tấn CO2tđ không bao gồm lĩnh vực LULUCF.
Thực hiện giảm khí nhà kính các hoạt động phát thải cao
thuc trang phat thai khi nha kinh o viet nam
Tỷ lệ phát thải KNK ngành năng lượng chiếm 53,8%.

Theo Báo cáo kỹ thuật kiểm kê quốc gia KNK của Việt Nam năm 2014, trong các lĩnh vực có phát thải KNK, tỷ lệ phát thải KNK ngành năng lượng (bao gồm hoạt động giao thông vận tải) lớn nhất chiếm 53,8%, tiếp theo là ngành nông nghiệp chiếm 27,92%, quá trình công nghiệp và tiêu thụ sản phẩm (IPPU) chiếm 12,01% và chất thải chiếm 6,69%.

Không tính lĩnh vực LULUCF, lượng khí CO2 là 186.441,25 nghìn tấn chiếm 58,0% tổng lượng phát thải KNK, khí CH4 là 99.410,02 nghìn tấn CO2tđ chiếm 30,92% và khí N2O là 35.654,46 nghìn tấn CO2tđ chiếm 11,08%.

Việt Nam đã xem xét và xác định các mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK đến năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) quốc gia nhằm góp phần sớm đạt được Thỏa thuận khí hậu toàn cầu mới sau 2020 (Thỏa thuận Paris) cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt được mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình trái đất không vượt quá 2 oC vào năm 2100. Các mục tiêu cũng như nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016. Cụ thể như sau: Mục tiêu đóng góp do quốc gia tự thực hiện bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải KNK so với BAU, trong đó: Giảm 20% cường độ phát thải trên một đơn vị GDP so với năm 2010 và tăng độ che phủ rừng lên 45%.

Mục tiêu đóng góp khi có thêm hỗ trợ quốc tế: Mức đóng góp 8% ở trên có thể được tăng lên thành 25% khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế trong Thỏa thuận khí hậu toàn cầu mới, trong đó giảm 30% cường độ phát thải trên một đơn vị GDP so với năm 2010.

Quyết định số 2053/QĐ-TTg cũng đề ra các nhiệm vụ trọng tâm bắt buộc thực hiện, các nhiệm vụ ưu tiên thực hiện và các nhiệm vụ khuyến khích thực hiện như nhiệm vụ “Thực hiện giảm nhẹ phát thải KNK của ngành giao thông vận tải nhằm thực hiện NDC” giao Bộ Giao thông vận tải thực hiện, khuyến khích thực hiện giai đoạn từ 2016 – 2020 và bắt buộc thực hiện từ năm 2021 – 2030.

Như vậy có thể thấy Chính phủ và các bộ, ngành đã xác định rõ những vấn đề hạn chế trong việc sử dụng phương tiện dùng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu diesel) và sự cần thiết chuyển đổi sang sử dụng phương tiện dùng điện hoặc nhiên liệu là khí tự nhiên. Đây cũng là giải pháp của rất nhiều quốc gia từ hơn hai thập kỷ qua, nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí và giải quyết vấn đề năng lượng, khi trữ lượng nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt. Đến nay, nhiều tổ chức, nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực đã và đang nghiên cứu, phát triển các phương tiện dùng điện hoặc nhiên liệu là khí tự nhiên.

Thu Hà
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động