Đề xuất sử dụng bùn nạo vét kênh ô nhiễm bậc nhất TP. Hồ Chí Minh san lấp công trình công cộng
Dự án cải tạo môi trường tuyến kênh dài và ô nhiễm bậc nhất TP. HCM được người dân đặt nhiều kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực về môi trường sống cho nhiều khu vực |
Đề xuất này được đưa ra khi hàng loạt địa điểm dự kiến để chứa đất bùn tại quận Bình Tân, Gò Vấp và khu xử lý rác Đa Phước ở huyện Bình Chánh gặp phải sự phản đối từ phía người dân. Theo đó, số lượng bùn nạo vét lâu nay hầu hết đều được lưu trữ ngay tại công trường.
Việc giải phóng lượng bùn nạo vét này đang trở thành một trong những vấn đề nan giải đối với chủ đầu tư. Tình trạng ùn ứ bùn nạo vét tại công trường nếu không được giải quyết sớm, không chỉ gây trở ngại cho việc thi công, nghiệm thu, giải ngân vốn mà còn làm chậm tiến độ và khả năng hoàn thành dự án vào dịp 30/4/2025 như kế hoạch đã đặt ra là rất khó.
Để giải quyết khó khăn này, chủ đầu tư - Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP. Hồ Chí Minh đề xuất tái sử dụng cho các công trình công cộng khác trong thành phố, với lý do đất bùn từ dự án không gây hại môi trường.
Cụ thể, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP. Hồ Chí Minh kiến nghị chuyển đất bùn đến các khu vực khác có nhu cầu san lấp, nhằm tránh lãng phí tài nguyên và đáp ứng tiến độ dự án.
Theo thông tin mới nhất, sau gần hai năm triển khai cải tạo môi trường tuyến kênh dài và ô nhiễm bậc nhất TP. Hồ Chí Minh - Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, hiện chỉ mới hoàn thành được khoảng 37,9% khối lượng công việc.
Ngoài khó khăn, thách thức về tìm địa điểm chứa bùn từ quá trình nạo vét lòng kênh, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP. Hồ Chí Minh cũng đối mặt với nhiều thách thức khác.
Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng đối mặt với nhiều thách thức. Một số khu vực đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, tuy nhiên vẫn còn 21 trường hợp tái lấn chiếm tại các quận Bình Thạnh, Bình Tân, Quận 12, Gò Vấp và huyện Bình Chánh. Sự tồn tại của các hộ dân này cản trở việc thi công liên tục, đặc biệt khi phải đảm bảo an toàn cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật như đường dây điện, trạm biến áp và cáp viễn thông.
Nguồn cung vật liệu xây dựng như cát, đá khan hiếm và giá cả leo thang cũng khiến các nhà thầu của dự án bị áp lực tài chính. Thêm vào đó, mùa mưa với triều cường tại TP. Hồ Chí Minh khiến nhiều hạng mục phải tạm ngừng thi công, làm tiến độ tiếp tục bị đình trệ.
Trong quá trình thực hiện, hồ sơ thiết kế gặp phải nhiều bất cập do địa chất phức tạp và chưa đảm bảo kết nối giao thông. Điều này yêu cầu điều chỉnh một số hạng mục để phù hợp với thực tế. Đáng chú ý, chi phí dự phòng của dự án còn thấp, chưa đáp ứng được các phát sinh ngoài dự kiến.
Với tình hình hiện tại, năm 2024, dự án được giao 3.400 tỉ đồng để giải ngân, nhưng chủ đầu tư dự kiến chỉ có thể giải ngân khoảng 1.028 tỉ đồng (tương đương 30,23%) kèm các vướng mắc về bãi chứa bùn đất phải được tháo gỡ kịp thời trong tháng 11. Phần vốn còn lại phải thực hiện thủ tục điều chỉnh giảm vốn.
Dự án cải tạo tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên dài gần 32 km, chảy qua 7 quận, huyện bao gồm Quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh. Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 8.200 tỉ đồng, được hỗ trợ bởi ngân sách Trung ương (4.000 tỉ đồng) và phần còn lại từ ngân sách TP. Hồ Chí Minh.
Dự án chính thức khởi công từ tháng 2/2023, dự án bao gồm các hạng mục như xây dựng kè bê tông hai bên bờ, nạo vét lòng kênh, làm đường rộng 7-12 m dọc hai bên, lắp đặt hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, cùng 19 cống thoát nước, 12 bến thuyền và ba cây cầu kết nối.
Thanh Hải
Tin mới
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.