Bùn nạo vét đang cản tiến độ cải tạo môi trường tại kênh dài nhất TP. Hồ Chí Minh

15/11/2023 13:04 Quản lý nguồn thải
Khoảng hơn 3 triệu m3 lượng bùn nạo vét lòng kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên và lượng lớn rác công nghiệp tồn đọng lâu năm 2 bên bờ kênh vẫn chưa có bãi đổ. Vướng mắc này đang ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch hoàn thành dự án vào 30/4/2025.
Bùn nạo vét đang cản tiến độ cải tạo môi trường tại kênh dài nhất TP. Hồ Chí Minh
Tiến độ Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên bị ảnh hưởng bởi lượng bùn nạo vét chưa có chỗ đổ.

Trong mấy ngày qua, chính quyền các địa phương vẫn đang nỗ lực phối hợp với chủ đầu tư dự án tìm bải đổ để giải tỏa lượng rác thải, bùn nạo vét từ Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hướng xử lý dứt điểm do người dân còn nhiều lo lắng lượng bùn đất được nạo vét từ dòng kênh ô nhiễm này lên sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày.

Sau hơn 8 tháng thi công, tiến độ các hạng mục của giai đoạn 2 Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên hầu hết đều đảm bảo theo kế hoạch. Tuy nhiên, gần đây nhiều hạng mục có dấu hiệu chựng lại do đơn vị thi công gặp một số khó khăn. Trong đó, vướng mắc ảnh hưởng nhiều nhất là lượng rác thải và bùn nạo vét tồn đọng, chưa có hướng giải quyết.

Ước tính sẽ có 6 triệu m3 bùn được nạo vét lên từ lòng kênh. Theo tính toán của chủ đầu tư, khoảng 1/2 lượng bùn này sẽ được xử lý tại chỗ, còn lại khoảng 3 triệu m3 phải đưa ra khỏi dự án, tìm bãi đổ hoặc xử lý. Cùng đó, một khối lượng lớn rác xây dựng và rác công nghiệp tồn tại nhiều năm 2 bên bờ kênh cũng cần được giải phóng đưa đi xử lý để thi công các hạng mục.

Hiện lượng rác thải khổng lồ hai bên bờ kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đang các công ty dịch vụ công ích các quận: 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh đang phối hợp chủ đầu tư tiến hành thu gom đưa đi xử lý. Riêng lượng bùn nạo vét đến nay vẫn chưa thống nhất được bãi đổ do gặp phải sự phản ứng của người dân về mức độ ô nhiễm của bùn đất nạo vét tập kết gần khu dân cư.

Điển hình, tại quận Bình Tân, chính quyền địa phương đã nổ lực hỗ trợ chủ đầu tư tìm được nhiều địa điểm có thể tiếp nhận lượng bùn nạo vét. Chính quyền cũng đã tiến hành thỏa thuận với chủ đất của các địa điểm tiếp nhận này. Tuy nhiên khi tổ chức lấy ý kiến các hộ dân khu vực xung quanh thì người dân chưa đồng ý do lo ngại ô nhiễm.

Mặc dù rất ủng hộ chủ đầu tư vì những lợi ích mà dự án mang lại cho cộng đồng. Tuy nhiên người dân xung quanh các điểm dự kiến làm bãi đổ bùn nạo vét mong muốn chính quyền, cơ quan chức năng nên tìm phương án phù hợp hơn để xử lý lượng bùn nạo vét sao cho không gây ảnh hưởng nhiều đến người dân.

Không nhận được sự đồng tình từ phía người dân, hiện bên cạnh tìm phương án khác để sớm giải phóng lượng bùn nạo vét để đảm bảo tiến độ dự án. Chủ đầu tư và chính quyền vẫn tiếp tục thuyết phục người dân bằng cam kết sẽ cho kiểm định, kiểm tra chất lượng lượng bùn nạo vét trước khi tiến hành đổ vào điểm tiếp nhận.

Bùn nạo vét đang cản tiến độ cải tạo môi trường tại kênh dài nhất TP. Hồ Chí Minh
Chỉ 1/2 lượng bùn nạo vét được tái sử dụng, phần còn lại vẫn chưa tìm ra hướng xử lý.

Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là 1 trong 38 dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh được Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đưa vào kế hoạch kiểm tra, giám sát nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ.

Đây cũng là dự án chỉnh trang đô thị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Dự án đi qua 6 quận: 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh, với tổng nguồn vốn đầu tư gần 8.200 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương là 4.000 tỉ đồng và nguồn vốn ngân sách TP. Hồ Chí Minh là 4.200 tỉ đồng. Theo đó, nhiều hạng mục lớn được kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo dòng kênh ô nhiễm bậc nhất này của TP. Hồ Chí Minh. Đó là, nạo vét bùn cải tạo môi trường tuyến kênh dài 31 km, xây 63 km kè, đường giao thông hai bên bờ kênh dài 63 km, hệ thống chiếu sáng, cảnh quan dọc tuyến… Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước 30/4/2025.

Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động