Triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường carbon và bảo vệ tầng Ozone
Căn cứ tình hình thực tiễn, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022NĐ-CPngày 07/01/2022 của Chính phủ là cần thiết để triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường carbon và bảo vệ tầng ozone, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Đây là nội dung mới, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và tiến trình đàm phán về Điều 6 của Thỏa thuận Paris. Mặc dù, quy định về chuyển giao tín chỉ carbon giữa các nước chưa đạt được sự thống nhất, nhưng đã có nhiều quốc gia quan tâm và sẵn sàng ký kết các thỏa thuận song phương với Việt Nam để triển khai các dự án tạo tín chỉ carbon và chuyển giao quốc tế tín chỉ carbon, đóng góp thực hiện mục tiêu theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của quốc gia đối tác.
Nhiều nội dung mới, quan trọng cần được lấy ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozone |
Để có cơ sở cho việc trao đổi tín chỉ song phương, cần có quy định về quy trình, thủ tục thực hiện các dự án tạo tín chỉ carbon theo cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon song phương quốc tế và bổ sung danh mục được xây dựng trên các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính có điều kiện (có hỗ trợ của quốc tế) trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam và căn cứ trên đề xuất của các Bộ quản lý lĩnh vực.
Nghị định số 06/2022/NĐ-CP hiện hành chưa quy định về cấp Thư chấp thuận chuyển giao tín chỉ carbon quốc tế. Ngoài cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon song phương, trong thời gian qua có một số Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất và triển khai các thỏa thuận mua bán tín chỉ carbon với các đối tác quốc tế. Trước khi trao đổi tín chỉ carbon ra quốc tế, các bên cần làm rõ việc trao đổi này có ảnh hưởng đến Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam hay không, cần có Thư chấp thuận theo quy định quốc tế.
Do đó, trong dự thảo Nghị định mới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất bổ sung một số quy định đối với các dự án đầu tư công theo hướng: Cơ quan chủ quản dự án ký kết Thỏa thuận mua bán tín chỉ carbon theo Luật Thỏa thuận quốc tế, bao gồm nội dung về lượng giảm phát thải khí nhà kính dự kiến chuyển giao.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cấp Thư chấp thuận chuyển giao tín chỉ carbon quốc tế căn cứ trên đề nghị của cơ quan chủ quản dự án, ý kiến các Bộ quản lý lĩnh vực, cơ quan có liên quan và tình hình thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia. Đối với các dự án không được cấp Thư chấp thuận, kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon chỉ được sử dụng cho mục tiêu Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam, không đóng góp vào mục tiêu Đóng góp do quốc gia tự quyết định của quốc gia khác và mục tiêu giảm nhẹ quốc tế khác.
Nội dung Dự thảo xem tại đây.