Bình Định
Hiệu quả của mô hình thu gom rác thải từ tàu cá vào đất liền
![]() |
Mô hình thu gom rác thải sinh hoạt từ các tàu cá vào đất liền tại Bình Định đạt kết quả tích cực, góp phần bảo vệ môi trường biển (Ảnh: Ái Trinh) |
Kết quả này được công bố tại Hội nghị báo cáo kết quả thực hiện mô hình mô hình thu gom rác thải nhựa sinh hoạt từ tàu cá đưa vào bờ trong năm 2024 do Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định phối hợp với UBND thành phố Quy Nhơn và Ban Quản lý Cảng cá Bình Định tổ chức vào ngày 13/4 vừa qua.
Đây là mô hình nằm trong khuôn khổ dự án “Thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại thành phố Quy Nhơn” do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ giai đoạn 2022-2024.
Theo đó, mô hình thí điểm được thực hiện trên 100 tàu cá đánh bắt xa bờ thường xuyên ra vào Cảng cá Quy Nhơn và 100 tàu cá thường xuyên ra vào Cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát), Cảng cá Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định).
Kết quả, hơn 2 tấn rác thải sinh hoạt đã được thu gom từ 200 tàu cá trong năm 2024. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ môi trường biển, đồng thời nâng cao nhận thức của ngư dân về vấn đề rác thải nhựa đại dương.
Theo TS. Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định cho biết, mô hình được triển khai theo hình thức: phát tờ rơi, tuyên truyền, ký cam kết với ngư dân; xây dựng quy trình khai báo và tiếp nhận rác thải; thành lập đội thu gom rác; hỗ trợ túi lưới thu hồi rác cho tàu cá; xây dựng nhà thu gom, trang thiết bị phân loại, đóng gói rác; và xây dựng cơ chế hỗ trợ vận hành ban đầu cho đội thu gom làm kinh tế tuần hoàn.
Được biết, mỗi chuyến đi biển kéo dài khoảng 20 ngày, một tàu cá sản sinh ra khoảng 14kg rác thải nhựa từ sinh hoạt, 3kg vỏ lon nhôm và 6kg nhựa từ bao bì đựng hải sản.
Đối với 100 tàu cá thường xuyên ra vào Cảng cá Quy Nhơn, trong mỗi chuyến đi biển sẽ thải ra môi trường khoảng hơn 1.386kg nhựa từ các loại chai nước uống và thực phẩm phục vụ cho thuyền viên; gần 287kg vỏ lon nhôm từ các loại nước uống và hơn 582kg nhựa từ bao bì dùng để đựng và bảo quản thủy sản.
![]() |
Ngư dân mang các loại rác thải đã được thu gom trong mỗi chuyến đi biển đưa vào đất liền để chuyển các đơn vị có chức năng xử lý (Ảnh: Ái Trinh) |
Nhờ mô hình thu gom, trong năm 2024, tổng cộng đã có 2.300kg phế liệu được thu gom từ 200 tàu cá, trong đó 1.880kg là nhựa và 420kg là nhôm. Riêng tại Cảng cá Quy Nhơn, lượng phế liệu thu gom đạt 1.600kg.
Mô hình không chỉ giúp nâng cao nhận thức cho thuyền viên về tác hại của rác thải nhựa đại dương, giúp giảm lượng rác thải nhựa đại dương, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển mà còn bảo đảm sự bền vững cho nguồn lợi thủy sản - nguồn thu nhập chính của ngư dân.
Ngoài ra, còn tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động phi chính thức thông qua việc thu gom, phân loại và tái chế rác thải.
Mặc dù mới chỉ thí điểm mô hình thu gom rác thải nhựa đại dương từ tàu cá tại cảng Quy Nhơn và Đề Gi nhưng đã thu hút hàng trăm tàu cá tham gia.
Qua đó, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đến 2024-2025, 70% ngư dân được tập huấn kỹ năng giảm thiểu rác nhựa, 50% tàu cá mang rác về bờ tái chế. Đến 2030, 100% tàu cá sẽ thu gom toàn bộ rác thải nhựa mang vào cảng cá để xử lý, hạn chế ô nhiễm biển.
Thành công của mô hình tại Bình Định là bài học kinh nghiệm quý báu có thể nhân rộng ra các tỉnh thành ven biển khác trên cả nước.