Nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh môi trường khu vực ven biển theo chức năng của lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ninh
Quảng Ninh có bờ biển dài hơn 250km, diện tích mặt biển rộng trên 6.100km2, trên 2.700 hòn đảo lớn nhỏ và trên 40.000ha bãi triều, 20.000ha eo vịnh [1]. Có thể thấy, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên giúp tỉnh Quảng Ninh có nhiều thế mạnh và cơ hội phát triển kinh tế. Trong những năm qua, Quảng Ninh luôn chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, tập trung nguồn lực phát huy thế mạnh để phát triển kinh tế biển và đã đạt được những kết quả nhất định. Từ năm 2015 đến hết năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của Quảng Ninh đều trên 10%, khẳng định vị thế là một trong những tỉnh có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ nhất cả nước. Gần đây nhất là năm 2023, tăng trưởng GRDP của Quảng Ninh đạt 11,03%, gấp hơn 02 lần so với trung bình cả nước, đứng thứ nhất trong các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ ba toàn quốc [2]. Tuy nhiên, quá trình hoạt động phát triển kinh tế mạnh mẽ ở Quảng Ninh đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức, tác động trực tiếp đến công tác bảo đảm an ninh môi trường khu vực ven biển của tỉnh. Cụ thể:
Thứ nhất, tác động của Trung Quốc
Trong năm 2022, Trung Quốc thử thành công lò phản ứng hạt nhân loại nhỏ lần thứ ba để phục vụ lắp đặt cho các nhà máy điện hạt nhân trên biển (dự kiến triển khai tại Biển Đông từ năm 2023 - 2025). Hành động này đã gây áp lực lớn cho bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh, lợi ích quốc gia của Việt Nam, trong khi cơ sở pháp lý quốc tế và năng lực khoa học, công nghệ của ta chưa đáp ứng được yêu cầu ứng phó với việc Trung Quốc triển khai nhà máy điện hạt nhân nổi trên Biển Đông. Đồng thời, hoạt động này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với môi trường biển, như: Sự cố rò rỉ phóng xạ; Công tác xử lý nước thải…
Thứ hai, hoạt động du lịch
Hiện có 24 dự án được cấp phép, khai thác trong vùng đệm, vùng lõi của Vịnh Hạ Long. Một số dự án tuy đã cơ bản đáp ứng đầy đủ quy trình, thủ tục pháp lý nhưng thực tế thi công để xảy ra các vi phạm gây ô nhiễm môi trường, có dấu hiệu can thiệp, tác động xấu đến yếu tố tự nhiên, địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học khu vực vùng đệm. Các vi phạm chủ yếu gồm: (1) Điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, lấn chiếm vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới; (2) Chưa được cơ quan chức năng giao vùng biển, vùng đất; (3) Công trình xây dựng trái phép trên vịnh, bãi biển; (4) Thực hiện không đúng nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; (5) Giao rừng không đúng thẩm quyền, chưa chi trả giá trị tài sản còn lại đối với tài sản hình thành từ ngân sách nhà nước. Những vi phạm trên tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng gián tiếp và lâu dài vào vùng lõi di sản, đặc biệt là tiêu chí về vẻ đẹp tự nhiên thẩm mỹ, tiêu chí về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển hệ sinh thái Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Các tác động nếu không được kiểm soát, đánh giá và khắc phục thường xuyên, kịp thời có nguy cơ bị UNESCO kiểm điểm, thậm chí trường hợp xấu có thể bị xem xét thu hồi danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới.
Thứ ba, hoạt động kinh tế thủy sản
Chính quyền địa phương mới chỉ quan tâm đến hoàn thành việc tháo dỡ, di dời các điểm nuôi trồng thủy sản trái phép, chưa sát sao với công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát, bố trí địa điểm, phương án thu gom, xử lý vật liệu thải bỏ (phao xốp, bè mảng tre…), dẫn đến số lượng vật liệu này trôi nổi trên biển, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, hoạt động giao thông vận tải, du lịch trên biển.
Từ năm 2021 đến tháng 6/2024, các sở, ban, ngành chức năng đã tiến hành các đợt cao điểm tuần tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, qua đó phát hiện, xử lý 2.637 vụ vi phạm hành chính, thu phạt nộp ngân sách nhà nước 17,876 tỷ đồng. Trong đó, Công an tỉnh phối hợp phát hiện, xử lý 247 trường hợp tàu cá vi phạm hành chính, thu phạt 2,807 tỷ đồng; khởi tố 05 vụ/05 bị can về tội “Hủy hoại nguồn lợi thủy sản” theo Điều 242 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 [3].
Hoạt động khai thác thuỷ sản bằng nghề cấm, phương pháp tận diệt, khai thác tại vùng cấm vẫn lén lút diễn ra với mức độ ngày càng tinh vi, trong khi hoạt động của cơ quan chức năng phải công khai nên đối tượng vi phạm dễ dàng theo dõi, thông báo cho nhau qua hệ thống thông tin bộ đàm để né tránh và lẩn trốn… rất khó khăn trong phát hiện và bắt giữ. Những hành vi trên không chỉ tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, tính đa dạng sinh học của các loài sinh vật biển, mà còn ảnh hưởng rất lớn trong công tác tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC đối với ngành thủy sản nước ta.
Thứ tư, hoạt động quản lý chất thải
Theo báo cáo tổng kết các năm từ 2021 - 6/2024 của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ninh:
- Hàng năm lượng chất thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát sinh rất lớn (trong đó: nước thải ước tính 2,5 triệu m³/ngày đêm, khí thải ước tính 3,3 triệu m³/giờ, chất thải công nghiệp phát sinh hàng năm trên 450 triệu tấn). Trong khi đó, toàn tỉnh hiện chỉ có 02 doanh nghiệp đồng xử lý chất thải công nghiệp thông thường với tổng công suất khoảng 311.111 tấn/năm và 01 doanh nghiệp có chức năng xử lý chất thải công nghiệp nguy hại (hoạt động chủ yếu trong ngành than) với công suất xử lý khoảng 3.500 tấn/năm. Số chất thải công nghiệp thông thường, nguy hại còn lại được chuyển giao cho các doanh nghiệp có chức năng xử lý ở tỉnh ngoài. Trong khi đó, công tác kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với hoạt động xử lý chất thải của các doanh nghiệp tỉnh ngoài còn nhiều bất cập, khó kiểm soát do không thuộc địa bàn quản lý. Mặt khác, hoạt động kiểm soát chất thải ở tỉnh ngoài dừng lại ở khâu kiểm soát hồ sơ xử lý chất thải thông qua báo cáo của doanh nghiệp có chất thải phát sinh và chứng từ chất thải nguy hại do doanh nghiệp cung cấp. Vì vậy, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường như: (1) Không xử lý chất thải đúng quy định; (2) Xử lý, chôn lấp chất thải trái phép để trục lợi; (3) Chuyển giao chất thải cho đơn vị không có chức năng xử lý để sử dụng trái phép.
- Trên địa bàn tỉnh chỉ có 11 cơ sở xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, trong đó có 09 cơ sở do các địa phương quản lý: thành phố Hạ Long 07; thành phố Móng Cái 02; huyện Vân Đồn 01 (chưa hoạt động); huyện Tiên Yên 01 (chưa hoạt động). Số lượng nhà máy, trạm xử lý nước thải tập trung mới chỉ đáp ứng được một phần việc thu gom, xử lý nước thải của các địa phương, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Các địa phương còn lại (thành phố Cẩm Phả, Uông Bí, thị xã Đông Triều, Quảng Yên, huyện Ba Chẽ, Bình Liêu, Cô Tô, Đầm Hà) chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Nước thải sinh hoạt chủ yếu xử lý qua hệ thống tự hoại rồi xả trực tiếp qua hệ thống thoát nước chung và chảy ra sông, biển, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.
- Một số cơ sở xử lý nước thải chưa thực hiện đúng các quy định về giấy phép môi trường liên quan đến xả thải (chưa thực hiện chuyển đổi giấy phép xả thải cho đơn vị mới tiếp nhận; giấy phép xả thải đã hết hạn; xả thải vượt lưu lượng cho phép, chất lượng nước thải không đảm bảo Quy chuẩn kỹ thuật về chất thải).
- Hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục được lắp đặt tại một số cơ sở xử lý nước thải chưa phản ánh chính xác chất lượng nước thải. Thiết bị đo có dấu hiệu không đạt yêu cầu theo Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT, ngày 30/6/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường. Đồng thời, chưa giám sát được tất cả các chỉ số yêu cầu của QCVN 14:2008/BTNMT.
Thứ năm, công tác bảo đảm an ninh môi trường khu vực ven biển còn một số tồn tại, hạn chế
- Nhận thức của nhiều cơ quan, đoàn thể và người dân chưa đầy đủ, đúng mức về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường. Đối với một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, do chi phí đầu tư thực hiện các biện pháp, công trình xử lý môi trường là một khoản kinh phí lớn và không sinh lời nên đã dùng mọi thủ đoạn để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, thậm chí chấp nhận bị xử phạt.
- Tháng 8/2023, Bộ Công an triển khai mô hình tổ chức mới, việc bố trí, sắp xếp nhân sự ở các đơn vị cũng có sự xáo trộn, nhiều đồng chí chuyển đổi vị trí, lĩnh vực công tác nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác. Chỉ có số ít cán bộ Cảnh sát môi trường theo đơn vị sáp nhập vào lực lượng Cảnh sát kinh tế, trong khi đó lực lượng Cảnh sát kinh tế chưa chuyên sâu về công tác bảo vệ môi trường, chủ yếu tập trung giải quyết các vụ án, vụ việc về lĩnh vực tham nhũng, kinh tế, buôn lậu. Vẫn còn bộ phận lãnh đạo, chỉ huy chưa thực sự gương mẫu, chưa sát sao, nêu cao trách nhiệm trong thực hiện công tác, chỉ tiêu được giao, chấp hành chế độ báo cáo, lề lối làm việc, quy chế, quy trình công tác chưa nghiêm túc dẫn đến chưa đảm bảo tiến độ thực hiện chỉ tiêu công tác.
- Sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và Công an các quận, huyện chưa được sát sao nên chưa phát huy được tối đa sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc. Việc nắm tình hình của các cơ quan chức năng còn bị động, chưa tham mưu, đề xuất được những nội dung có tính chiến lược với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Chất lượng công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng Cảnh sát kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu; việc triển khai phân công, phân cấp công tác điều tra cơ bản của chưa đảm bảo theo tiến độ đề ra. Lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an 13 địa phương còn chậm, bị động (trông chờ vào hướng dẫn của Phòng Cảnh sát kinh tế) để triển khai điều tra cơ bản theo Hướng dẫn số 19/HD-BCA ngày 14/11/2023 của Bộ Công an.
Trong thời gian tới, dự báo tình hình an ninh môi trường khu vực ven biển tỉnh Quảng Ninh sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường, tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường sẽ sử dụng các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, triệt để lợi dụng những sơ hở, bất cập của các quy định pháp luật, công tác quản lý nhà nước và diễn ra ở tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Do vậy, để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh môi trường trên địa bàn, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ninh cần chú ý một số nội dung công tác trọng tâm sau:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền về an ninh môi trường biển, nâng cao vai trò của quần chúng nhân dân, ban, ngành, tổ chức xã hội, các cấp chính quyền trong giám sát hoạt động của các doanh nghiệp đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Phát huy mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, qua đó huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đối với công tác bảo đảm an ninh môi trường khu vực ven biển gắn với an ninh, quốc phòng trong tình hình mới. Xây dựng các bài phóng sự, bài viết chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường, đưa tin các hành vi vi phạm, từng bước tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của người dân và doanh nghiệp.
2. Chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo đảm an ninh môi trường khu vực ven biển đối với lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ lực lượng Cảnh sát kinh tế. Đồng thời, tăng cường tập huấn nâng cao năng lực của cán bộ về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là kỹ năng phát hiện, thu thập, phân tích, xử lý thông tin phục vụ nhận diện, phát hiện tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. Kết hợp đẩy mạnh công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, nhất là những vụ việc diễn ra trên địa bàn tuyến biển, vụ việc tác động trực tiếp đến môi trường biển. Trên cơ sở đó nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa nghiệp vụ, phòng ngừa xã hội, hạn chế sự gia tăng của tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường.
3. Tập trung nắm và dự báo sát tình hình trong nước và chính sách các quốc gia trong khu vực trên Biển Đông có nguy cơ đe dọa an ninh môi trường biển. Xem xét, đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong thực tế công tác để tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, gắn các chương trình, kế hoạch, quy hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an ninh môi trường khu vực ven biển. Tích cực học tập, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng cơ chế phối hợp, nâng cao công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, lực lượng chức năng có nhiệm vụ bảo đảm an ninh môi trường khu vực ven biển trong tổ chức bồi dưỡng, tuyên truyền kiến thức pháp luật và phát hiện, xử lý vi phạm.
4. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ cơ bản thông qua tập huấn chuyên sâu, tập trung làm tốt công tác điều tra cơ bản các tổ chức, lĩnh vực và chuyên đề có liên quan đến an ninh môi trường khu vực ven biển. Rà soát, lập danh sách khu vực, công trình, mục tiêu trọng điểm trên tuyến biển, đảo; rà soát, quản lý tốt cư trú, mục đích cư trú của người nước ngoài, mục đích của cá nhân, đoàn, tổ chức nước ngoài tới Quảng Ninh khảo sát, làm việc, đầu tư trên tuyến biển, đảo để có cơ sở đánh giá, thẩm định, áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Chủ động nắm tình hình, phối hợp các Cục nghiệp vụ Bộ Công an thẩm định nhà đầu tư, dự án đầu tư nước ngoài trên tuyến biển, đảo để tham mưu trong phê duyệt dự án, góp phần ngăn chặn dự án tiềm ẩn nguy cơ tác động xấu đến môi trường sinh thái. Xây dựng, sử dụng, bồi dưỡng lực lượng bí mật để chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện và tham mưu xử lý sớm những nguy cơ gây phức tạp về môi trường biển, an ninh kinh tế - xã hội khu vực ven biển./.
Nguyễn Hoàng Thái Dương - Học viện Cảnh sát nhân dân
Bài viết là sản phẩm của kết quả nghiên cứu Đề tài khoa học cấp Quốc gia - Mã số: ĐTĐLXH.11/23-C
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (2018), Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh (2023), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ.
3. Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ninh (2021 - 2024), Báo cáo tổng kết các năm từ 2021 - 6/2024.
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.