Đề xuất một số giải pháp thúc đẩy các dự án đốt rác phát điện tại Việt Nam

09/09/2024 08:16 Nghiên cứu trong nước
Là một dạng công nghệ được áp dụng khá phổ biến tại các nước phát triển, đốt rác phát điện đã đem lại những hiệu quả nhất định trong việc xử lý rác, giảm ô nhiễm môi trường với khả năng xử lý lượng rác lớn một cách triệt để. Thúc đẩy công nghệ đốt rác phát điện phát triển không chỉ là yêu cầu đặt ra tại các nước tiên tiến trên thế giới mà bao gồm cả Việt Nam, khi tình hình phát triển các dự án đốt rác phát điện ở Việt Nam còn chậm và lạc hậu.
Thúc đẩy công nghệ đốt rác phát điện phát triển không chỉ là yêu cầu đặt ra tại các nước tiên tiến trên thế giới mà bao gồm cả Việt Nam, khi tình hình phát triển các dự án đốt rác phát điện ở Việt Nam còn chậm và lạc hậu.
Thúc đẩy công nghệ đốt rác phát điện phát triển không chỉ là yêu cầu đặt ra tại các nước tiên tiến trên thế giới mà bao gồm cả Việt Nam, khi tình hình phát triển các dự án đốt rác phát điện ở Việt Nam còn chậm và lạc hậu.

Hiện nay, dân số đô thị ở nước ta đang ngày càng tăng do tình trạng đô thị hóa, cụ thể: Năm 2015, dân số đô thị là 35 triệu người, chiếm 38% dân số cả nước, năm 2020 là 44 triệu người, chiếm 45% dân số và ước tính năm 2025 sẽ là 52 triệu người, chiếm 50% dân số cả nước. Tình trạng này kéo theo sự gia tăng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) hàng năm, với mức tăng trung bình khoảng 10%/năm. Theo số liệu của Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2023, hiện Việt Nam phát sinh lượng CTRSH vào khoảng 19 triệu tấn/năm, trong đó CTRSH đô thị ước tính khoảng 12,8 triệu tấn/năm, gây ra rất nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường và bức bách xã hội. Riêng Thủ đô Hà Nội năm 2023 mỗi ngày phát sinh hơn 6.000 tấn rác, tỷ lệ chôn lấp tới 90%. Tại thành phố Hồ Chí Minh tỷ lệ chôn lấp cũng lên tới 69%. Tỷ lệ chôn lấp cao gây ra nhiều vấn đề xã hội bức xúc cũng như tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng trên, việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, giải pháp mang lại hiệu quả về kinh tế, sản xuất năng lượng bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng tăng là một vấn đề cấp bách đối với nhiều quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam. Để xử lý vấn đề đó, nhà máy điện rác là một giải pháp hiệu quả, góp phần giảm thiểu lượng rác thải chôn lấp, sản xuất năng lượng bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, việc, đầu tư phát triển các dự án đốt rác phát điện ở nước ta hiện nay gặp phải không ít khó khăn trở ngại, do cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến khích chưa đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư trong nước, cũng như ở nước ngoài tham gia. So sánh với các nước trên thế giới, tình hình phát triển các dự án đốt rác phát điện ở Việt Nam còn chậm và lạc hậu. Vì vậy, để cá dự án điện rác thực sự phát triển hiệu quả, Việt Nam ta cần thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp như: Ban hành các cơ chế, chính sách thực sự hỗ trợ khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa; Tăng cường hỗ trợ các dự án đốt rác phát điện lựa chọn công nghệ tiên tiến và kỹ thuật phù hợp với điều kiện Việt Nam; Thực hiện triệt để việc phân loại rác tại tại nguồn; Giám soát chặt chẽ công nghệ đốt rác phát ddienj ở nước ta, Tạo mọi điều kiện thuận lợi cần thiết để các doanh nghiệp Việt Nam tự chủ sản xuất các trang thiết bị và công nghệ đốt rác phát điện nhằm chủ động phát triển hơn nữa các dự án đốt rác phát điện ở nước ta. Đây là nội dung được nhóm tác giả Trần Thị Minh Nguyệt - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Phạm Ngọc Đăng - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nghiên cứu và đề xuất.

Thứ nhất, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích

Để thúc đẩy phát triển các dự án đốt rác phát điện hơn nữa, trước hết Nhà nước phải xây dựng một hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp với đặc điểm rác thải nước ta. Cần cụ thể hóa cơ chế chính sách để phát triển công nghệ điện rác, bao gồm những chính sách về quy hoạch đầu tư, giá mua điện, tiêu chuẩn thẩm định kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, xử lý và đặc biệt là phân loại CTR tại nguồn. Theo đó, cần bổ sung, sửa đổi Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 5/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng CTR tại Việt Nam, cụ thể: Giá mua điện rác phù hợp và bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các nhà máy đốt rác phát điện thuộc địa bàn quản lý; Các dự án phát điện sử dụng CTR được hưởng các ưu đãi về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; ưu đãi về thuế nhập khẩu; thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất [7]. Ngoài ra, cần bổ sung quy định về ưu đãi giá đối với các dự án ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực biến rác thải thành năng lượng như công nghệ phát điện dựa trên khí hóa, công nghệ phát điện từ khí sinh học... Cải tiến các quy định và thủ tục thẩm định và cấp phép xây dựng các dự án đốt rác phát điện, trước hết là quy định về đánh giá tác động môi trường, giấy phép xây dựng, tham vấn cộng đồng. Căn cứ vào quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí đủ quỹ đất để chủ đầu tư thực hiện các dự án đốt rác phát điện.

Thứ hai, cần hỗ trợ các dự án đốt rác phát điện việc lựa chọn công nghệ tiên tiến và kỹ thuật phù hợp với điều kiện Việt Nam

Một trong các vấn đề rất quan trọng đối với Nhà máy đốt rác phát điện là lựa chọn công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện rác thải và khí hậu ở nước ta, làm sao vừa đảm bảo xử lý được rác thải phát điện, vừa không làm phát sinh các loại chất thải độc hại ra môi trường. Đối với các nhà máy này, việc xử lý khí thải ô nhiễm độc hại là cả một hệ thống, bao gồm: Xử lý bụi, khử NOx, Sox; giảm phát thải các hợp chất dioxin, furan (đây là nhóm các hợp chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) rất độc hại) thải ra ngoài môi trường. Các công đoạn xử lý này cần có các hệ thống thiết bị hấp thụ với các hóa chất đắt đỏ mà nước ta chưa sản xuất được. Để giải quyết được tình trạng này, trước mắt chúng ta cần thực hiện những nghiên cứu khoa học và từng bước nội địa hóa hệ thống lọc khói, cũng như một số chi tiết, thiết bị quan trọng khác của Nhà máy đốt rác phát điện. Nhà nước cần có các đề tài hoặc chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên về lựa chọn công nghệ đốt rác phát điện phù hợp với điều kiện nước ta trên cơ sở nghiên cứu học tập kinh nghiệm quốc tế. Hiện nay, tại các địa phương khi phê duyệt các dự án đốt rác và đốt rác phát điện thường coi nặng công nghệ đốt, nhưng cần phải coi trọng công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường sau đốt. Bởi vì, công nghệ đốt thì các dự án đã giải quyết tương đối tốt, còn công nghệ xử lý khói thải, khí thải và tro bay, đặc biệt là xử lý các chất độc hại gây ô nhiễm môi trường thì chưa xử lý được. Điều này, yêu cầu Nhà máy điện rác phải tuân thủ các tiêu chuẩn BVMT nghiêm ngặt và áp dụng các biện pháp kiểm soát ô nhiễm hiệu quả. Theo các chuyên gia, trên thế giới có 2 dòng công nghệ đốt rác phát điện gồm đốt rác phát điện từ nguồn rác nhiệt trị cao (rác được phân loại kỹ càng) và đốt rác phát điện từ nguồn rác nhiệt trị thấp (phân loại sơ bộ). Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu, việc phân loại rác tại nguồn rất tốt nên sử dụng công nghệ đốt rác phát điện từ nguồn rác có nhiệt trị cao, cho năng lượng thu hồi nhiều hơn. Việt Nam, có thể áp dụng công nghệ đốt rác phát điện từ nguồn rác tổng hợp (rác mới được loại bỏ sành sứ, thủy tinh, kim loại). Công nghệ này cho thu hồi năng lượng thấp hơn, tỷ lệ tro đáy cao hơn song phù hợp với điều kiện hiện tại của Việt Nam, đồng thời cần bảo đảm lợi ích kinh tế cần thiết hợp lý của nhà đầu tư.

Thứ ba, cần thực hiện triệt để việc phân loại rác thải tại tại nguồn

Theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, để đốt rác phát điện có hiệu quả, đảm bảo kỹ thuật đốt và bảo đảm vệ sinh môi trường thì trước hết phải làm tốt khâu phân loại rác, trung chuyển rác, tập kết rác, rồi mới đến công nghệ đốt rác. Nếu phân loại rác không làm tốt thì đốt rác phát điện khó thành công. Phân loại rác tại nguồn là biện pháp có hiệu quả cao nhất bảo đảm việc đốt rác không phát sinh dioxin. Nước ta không chỉ rất đa dạng về chủng loại rác thải, lẫn nhiều chất không cháy và khó cháy, nhiều loại ni lông, khi đốt phát sinh hóa chất độc hại. Ngoài ra, nước ta thường có tỷ lệ rác thải hữu cơ cao, nhiệt trị thấp, do khí hậu nước ta nóng ẩm có mưa nhiều, rác thải thường bị ẩm ướt rất khó đốt. Do đó, đây là công đoạn sản xuất đơn giản nhất trong 4 công đoạn sản xuất của dự án đốt rác phát điện, nhưng lại là công đoạn khó thực hiện nhất, bởi vì nó chủ yếu phụ thuộc vào nhận thức và thói quen xả rác thải của người dân. Vì vậy, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, tự giác thực hiện, Nhà nước cần áp dụng các cơ chế bắt buộc người dân tự phân loại rác thải tại nguồn trước khi thu gom, vận chuyển rác thải về nhà máy đốt rác phát điện.

Thứ tư, mô hình công nghệ đốt rác phát điện cần được giám sát chặt chẽ

Việc tăng cường giám sát sẽ tránh tình trạng nhiều cơ sở sản xuất "đi tắt, làm tắt" để tiết kiệm chi phí, nâng cao lợi nhuận, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường. Theo kinh nghiệm của các nước phát triển, để thực hiện việc giám sát phát thải môi trường, cần trang bị hệ thống giám sát độc lập có nối mạng, lưu giữ và có thể truy xuất các số liệu. Một số nhà máy xử lý rác thải lớn cũng đưa cả bảng hiển thị quan trắc khí thải ra bên ngoài để người dân có thể giám sát. Việc giám sát độc lập này có chi phí đầu tư khá lớn và chỉ phù hợp với các nhà máy xử lý rác có quy mô lớn. Những cơ sở nhỏ sẽ khó trang bị những trang thiết bị này.

Thứ năm, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tự chủ sản xuất được các trang thiết bị và công nghệ của các nhà máy đốt rác phát điện

Ở nước ta các trang thiết bị đốt rác phát điện này đều do các hãng nước ngoài cung cấp. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam tự chủ sản xuất chế tạo được các trang thiết bị này thì sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án đốt rác phát điện, đặc biệt là các loại dự án đốt rác phát điện cỡ nhỏ và trung bình. Vì trang thiết bị sản xuất ở trong nước sẽ phù hợp hơn với đặc điểm điều kiện nước ta và giá đầu tư thấp hơn, đồng thời còn tạo ra điều kiện bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế công nghệ sản xuất nhanh chóng và chủ động, dễ dàng hơn nhập ngoại. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp cơ khí trong nước chế tạo và trang bị cho nhiều địa phương các thiết bị phân loại, vận chuyển, xử lý rác, một số chủng loại các lò đốt rác, thiết bị lọc bụi, lò hơi… Nước ta cần tiến tới xây dựng ngành công nghiệp chế tạo tuabin nhỏ đến tuabin trung bình. Theo tinh toán của một số chuyên gia, nếu Việt Nam nội địa hóa thành công trang thiết bị đốt rác phát điện thì có thể giảm thiểu vốn đầu tư khoảng 20-30%, bảo đảm thời gian hoàn vốn chỉ còn khoảng 5-7 năm. Vì vậy, Nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tự chủ sản xuất chế tạo các trang thiết bị cho các nhà máy đốt rác phát điện.

Nhìn lại các vấn đề được đề xuất, có thể thấy Việt Nam cũng đã phần nào đáp ứng được các nội dung đảm bảo việc phát triển các dự án đốt rác phát điện. Tuy nhiên, để thực sự đưa đốt rác phát điện trở thành mục tiêu chiến lược góp phần phát triển ngành Công nghiệp môi trường trong thời gian tới, Việt Nam cần nhiều hơn nữa các cơ chế, chính sách từ các cấp chính quyền cũng như sự chung tay của các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc sản xuất, cung ứng các sản phẩm để phục vụ đốt rác phát điện nói riêng cũng như tiếp cận, chuyển giao khoa học công nghệ về đốt rác phát điện từ các nước tiên tiến trên thế giới nói chung.
Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động