Thành phố Hồ Chí Minh: Khởi công nhà máy đốt rác phát điện với nhiều kỳ vọng lớn

12/03/2025 11:16 Hạ tầng môi trường
Ngày 5/3, tại thành phố Hồ Chí Minh, Lễ khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc - Nhà máy Vietstar tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng, công suất xử lý 2.000 tấn/ngày đã được diễn ra với nhiều kỳ vọng lớn lao.

Xử lý từ 40-50% lượng rác thải của thành phố

Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường, một trong những thách thức lớn mà thành phố đang phải đối mặt là ô nhiễm môi trường trong điều kiện mỗi ngày địa bàn phát sinh khoảng 10.000 tấn rác thải sinh hoạt. Do đó, vấn đề cấp bách được thành phố xác định là chuyển đổi mô hình quản lý, từ xử lý rác truyền thống sang áp dụng công nghệ hiện đại, khai thác rác thải như một nguồn tài nguyên. Trong đó, nhà máy điện rác Vietstar khi triển khai cũng nằm trong lộ trình này.

Hiện phần lớn chất thải rắn sinh hoạt ở thành phố Hồ Chí Minh được xử lý theo phương pháp chôn lấp, nguy cơ gây ô nhiễm cho các khu dân cư, số còn lại được xử lý bằng phương pháp đốt, sản xuất phân bón, tái chế... Theo mục tiêu của thành phố, tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt thông qua công nghệ đốt rác phát điện sẽ đạt 100% vào năm 2030.

Khởi công nhà máy đốt rác phát điện mới sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, nhiều tiềm năng trong xử lý chất thải. Nhà máy được xây dựng trong Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc, huyện Củ Chi, do Công ty cổ phần VietStar là nhà đầu tư sẽ áp dụng công nghệ tích hợp gồm phân loại sản xuất compost kết hợp với đốt rác phát điện. Nhà máy dự kiến hoàn thành sau 17 tháng, mỗi ngày có thể xử lý 2.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt.

Nhà máy Vietstar được thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương đầu tư từ cách đây hơn 5 năm, cùng với một công trình đốt rác phát điện khác cũng ở Củ Chi do Công ty Tâm Sinh Nghĩa thực hiện. Tuy nhiên, do vướng thủ tục nên đến nay công trình mới được xây dựng. Riêng nhà máy Tâm Sinh Nghĩa đã được triển khai trước từ tháng 7/2024.

Phối cảnh nhà máy xử lý rác Vietstar ở huyện Củ Chi.
Phối cảnh nhà máy xử lý rác Vietstar ở huyện Củ Chi.

Nhà máy Vietstar khi đưa vào khai thác sẽ góp phần xử lý 45-50% tổng khối lượng rác sinh hoạt bằng công nghệ hiện đại ở thành phố. Ngoài giảm ô nhiễm, dự án còn tái tạo năng lượng phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Cũng theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc triển khai các nhà máy điện rác là một phần trong chiến lược tổng thể về môi trường ở thành phố Hồ Chí Minh, kết hợp các giải pháp như: chuyển đổi toàn bộ công nghệ xử lý rác thải sang đốt phát điện vào năm 2030; tái chế rác hữu cơ thành phân bón, nhiên liệu sinh học; kiểm soát ô nhiễm nước, không khí...

Tạo tiền đề cho phát triển điện rác trong tương lai

Theo nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020 - 2025, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80%.

Cũng tại Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Về quy hoạch, thành phố Hồ Chí Minh định hướng đầu tư 5 khu xử lý chất thải rắn gồm: khu công nghệ Môi trường xanh (huyện Thủ Thừa, Long An) rộng 200 ha, khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) rộng 822 ha, khu Đa Phước (huyện Bình Chánh) rộng 614 ha cùng 2 khu xử lý chất thải sinh hoạt cho thành phố Thủ Đức và huyện Cần Giờ.

Để thực hiện mục tiêu này, thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi 5 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải nhưng hiện mới có 2 dự án đã được khởi công gồm Công ty CP Vietstar (công suất 2.000 tấn/ngày) và Công ty CP đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa (2.000 tấn/ngày).

Việc đựa vào khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc - Nhà máy Vietstar sẽ là tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển điện rác trong thời gian tới. Cùng với đó, kinh nghiệm rút ra được từ quá trình xây dựng, thủ tục pháp lý, nhà đầu tư, công nghệ cũng là bài học quan trọng để thành phố Hồ Chí Minh có thể hướng đến triển khai hiệu quả khi đầu tư vào các dự án tiếp theo.

Song song với đó, khi dự án đốt rác phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc - Nhà máy Vietstar đi vào hoạt động ổn định, thành phố sẽ có cơ sở đánh giá tốt hơn về khả năng thu gom và phân loại rác thải đặc biệt là rác thải có thể tái chế, qua đó đẩy mạnh ngành tái chế cũng như hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn từ nguyên liệu tái chế.

Việc hướng đến xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ hiện đại ở thành phố không chỉ là đơn thuần giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường hay giải pháp quản lý rác thải mà còn là bước tiến quan trọng trong phát triển năng lượng tái tạo và kinh tế tuần hoàn trong tương lai.

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Tổng kết chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 của TP. Hà Nội: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng

Phiên bản di động