Ninh Bình: Chú trọng việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
Nhằm giảm áp lực đối với việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn vừa qua UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch trong đó có Kế hoạch số 156/KH - UBND triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn với phương châm giảm diện tích bãi chôn lấp, giảm chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt; đồng thời, tận dụng được các loại chất thải rắn khác thông qua các hoạt động tái sử dụng, tái chế.
Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang được xử lý bằng hình thức chôn lấp thông thường, vừa lãng phí tài nguyên, vừa làm tăng diện tích đất phục vụ chôn lấp; nguy cơ phát sinh nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường từ nước rỉ rác, mùi hôi, khí thải phát sinh từ bãi chôn lấp…
![]() |
Ninh Bình luôn xác định việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân. (Ảnh: Bảo Ngân) |
Xác định việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Về vấn đề này, UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã ban hành Kế hoạch số 156/KH - UBND yêu cầu các Sở ngành địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện việc tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở các địa phương trong tỉnh góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, từng bước hình thành thói quen và tự giác thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư
Việc triển khai Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đồng bộ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên tập trung thực hiện trước tại các khu vực đô thị, đông dân cư, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, trường học, cơ quan, doanh nghiệp,... từng bước mở rộng đến khu vực nông thôn, đảm bảo việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh năm 2025.
Thời gian qua, địa phương đã cơ bản hoàn thành việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tỷ lệ chất thải được phân loại tại nguồn của các hộ gia đình ở các phường, thị trấn cơ bản đạt 50%, ở các xã đạt 30%. Trên 70% các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh được trang bị kiến thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Đến nay, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn của các hộ gia đình ở các xã, phường, thị trấn đạt 100%. 100% các xã, phường, thị trấn có giải pháp cụ thể trong phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý đối với chất thải nguy hại và chất thải cồng kềnh sau khi được phân loại. 100% các điểm tham quan, khu du lịch, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ được trang bị các thiết bị phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Khuyến khích thực hiện các mô hình tái chế, tái sử dụng chất thải để tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu. Tổ chức một số chương trình, ngày hội về tái chế, xử lý chất thải. Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới để tái chế đối với chất thải có khả năng tái chế và tận dụng chất thải thực phẩm đề làm phân bón hữu cơ; khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động sáng chế, sáng tạo trong lĩnh vực tái chế, xử lý chất thải. Khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân triển khai các mô hình tái sử dụng, tái chế đối với nhóm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế và chất thải cồng kềnh. Khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân triển khai các mô hình tận dụng chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi quy mô cấp thôn, xã.
Hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là một nội dung mới, phần lớn dựa vào ý thức tự giác của mỗi người dân và toàn thể cộng đồng... Cùng với đó, địa phương luôn xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh trong việc triển khai thực hiện cũng như giám sát, đánh giá hiệu quả...