Công nghệ số tạo nên “Lá chắn thép” bảo vệ rừng tại tỉnh Quảng Ngãi
Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 333.049 ha diện tích đất có rừng (gồm diện tích có rừng và diện tích chưa thành rừng), trong đó diện tích có rừng là gần 263.000ha, bao gồm rừng tự nhiên gần 106.700 ha, rừng trồng gần 156.323 ha. Độ che phủ rừng năm 2023 đạt trên 52,3%.
Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm mỏng, để có thể giám sát rừng trong mùa khô, bảo vệ và quản lý rừng hiệu quả, đồng thời tiếp tục phát triển diện tích rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Tỉnh Quảng Ngãi đã tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng các phần mềm hiện đại trong việc giám sát rừng, cảnh báo, phát hiện sớm những nguy cơ mất an toàn đối với rừng trên địa bàn toàn tỉnh.
Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 333.049 ha diện tích đất có rừng |
Thông tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) trước đây chỉ khi cán bộ kiểm lâm đi tuần tra thực tế hoặc theo báo cáo của người dân mới có thể phát hiện những biến động về rừng. Tuy nhiên, từ khi sử dụng phần mềm theo dõi diễn biến rừng FRMS 4.0 Desktop, cán bộ kiểm lâm đã theo dõi được hiện trạng rừng, xác định rõ vị trí, tọa độ, lô, khoảnh rừng của từng chủ rừng thông qua ảnh vệ tinh.
Cụ thể, tỉnh Quảng Ngãi đã ứng dụng phần mềm theo dõi diễn biến rừng FRMS 4.0 Desktop do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2017. Với phần mềm này, cán bộ kiểm lâm chỉ cần ngồi tại phòng làm việc vẫn có thể quan sát được hiện trạng rừng qua vệ tinh.
Thông qua dữ liệu về các điểm nghi ngờ thay đổi rừng từ ảnh vệ tinh ở chi cục, cán bộ của phòng sẽ thông báo cho kiểm lâm địa bàn kiểm tra, xác định chính xác tiểu khu, khoảnh, lô của chủ rừng, diện tích rừng bị mất, giúp phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.
Lực lượng kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi còn sử dụng phần mềm quản lý bản đồ trên điện thoại thông minh (FRMS Mobile). Đây là công cụ giúp thay thế bản đồ giấy thông thường và nâng cao độ chính xác trong việc xác định vị trí, xác minh thông tin biến động rừng ngoài thực địa. Ngoài ra, ngành kiểm lâm đã ứng dụng hiệu quả phần mềm cảnh báo cháy rừng, kịp thời phát hiện sớm các đám cháy và khoanh vùng dập lửa, tránh gây cháy lan. Nhờ đó, số vụ cháy rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã giảm dần qua các năm.
Đặc biệt, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi cũng đầu tư hai máy bay không người lái (Flycam) phục vụ giám sát rừng thông qua video và hình ảnh được truyền tải trực tiếp, hỗ trợ xác minh thông tin biến động rừng ngoài thực địa nhanh chóng.
Được biết, diện tích rừng ở miền núi rất lớn, trong đó có những địa hình phức tạp, di chuyển xa và đi lại khó khăn. Mỗi chuyến tuần tra, cập nhật diễn biến rừng, lực lượng bảo vệ rừng phải đi bộ nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày trong rừng. Nhờ có phần mềm theo dõi diễn biến rừng, việc quản lý rừng dễ dàng, chính xác hơn, không tốn nhiều thời gian, công sức.
Đối với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, thông qua sử dụng có hiệu quả hệ thống cảnh báo cháy rừng sớm, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn, chủ rừng, chính quyền địa phương đã kịp thời kiểm tra, xác minh các điểm cháy. Tính từ năm 2021 đến nay, Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi đã xác định và cung cấp hơn 2.200 điểm nghi ngờ cháy rừng để hạt kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, xác minh, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Nhờ đó, diện tích rừng được quản lý, bảo vệ chặt chẽ, phát hiện hàng trăm điểm biến động rừng và hàng nghìn điểm nghi ngờ cháy rừng, số vụ phá rừng, cháy rừng giảm, nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh năm 2019 từ 50,63%, đến nay tăng lên 52,33%.
Nhờ có hệ thống cảnh báo cháy rừng sớm đã kịp thời kiểm tra, xác minh các điểm cháy để chữa cháy kịp thời |
Ngoài các ứng dụng nhằm theo dõi phòng chống cháy rừng qua vệ tinh, các lực lượng chức năng cũng tăng cường công tác phối hợp tuần tra, giám sát, tuyên truyền, phát huy vai trò của các mô hình quản lý, bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ rừng.
Những năm qua, mô hình quản lý, bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã phát huy hiệu quả. Mô hình này không chỉ nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ, phát triển rừng, mà còn tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, tổ cộng đồng dân cư bảo vệ rừng là cánh tay nối dài của lực lượng kiểm lâm địa bàn trong tuần tra, quản lý bảo vệ rừng, góp phần làm giảm cả số lượng, tính chất, mức độ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Theo thống kê, đến nay tại huyện Ba Tơ đã có 12 xã thành lập 39 tổ cộng đồng dân cư bảo vệ rừng, với hơn 8 nghìn héc ta rừng tự nhiên được cộng đồng nhận bảo vệ. Nhờ có tổ cộng đồng dân cư bảo vệ rừng, mà số vụ vi phạm lâm nghiệp trên địa bàn huyện này giảm dần qua các năm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền kiểm tra thực tế công tác bảo vệ, phát triển rừng tại một số huyện trên địa bàn |
Việc tham gia vào tổ cộng đồng dân cư bảo vệ rừng không chỉ góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, mà bình quân mỗi năm, mỗi hộ dân trong tổ có thu nhập khoảng 10 triệu đồng từ nguồn lâm sản phụ dưới tán rừng, nên tất cả các thành viên đều nỗ lực chung tay thực hiện tốt vai trò bảo vệ rừng.
Ngoài chia nhóm đi tuần tra, giám sát rừng đột xuất, thì hằng tháng, tất cả các thành viên sẽ cùng với lực lượng kiểm lâm địa bàn tổ chức một đợt truy quét. Nhờ đó, đã phát hiện, ngăn chặn rất nhiều trường hợp phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, đánh bắt động vật hoang dã trái phép.
Thực tiễn cho thấy, việc ứng dụng khoa học và công nghệ đã và đang hỗ trợ tích cực cho lực lượng kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, góp phần ngăn chặn những biến động xấu xâm hại đến tài nguyên rừng.
Tin mới
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.