Tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam
Trĩ sao – một trong số các loài quý hiếm đang được bảo vệ tại Khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam. |
Khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam có diện tích 15.486,46 ha, nằm trải dài trên 2 huyện Đông Giang và Tây Giang của tỉnh Quảng Nam. Khu bảo tồn với điều kiện địa hình và thời tiết thuận lợi, là nơi có môi trường sống cho đa dạng các loại động thực vật quý hiếm có trong Sách Đỏ Thế giới và Việt Nam như Sao la, Mang Trường sơn, Thỏ vằn, Kiền kiền, Gõ, Giỗi, Sơn huyết,… Chính vì thế nên công tác quản lý, bảo vệ, đấu tranh ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm trong KBT loài Sao la và sinh cảnh của chúng cũng như những giá trị đa dạng sinh học tại một trong những khu vực ưu tiên hàng đầu của KBT loài Sao la ở Việt Nam nói chung và KBT loài Sao la Quảng Nam nói riêng.
Ông Lê Hoàng Sơn – Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam cho biết, đơn vị luôn xác định, tài nguyên đa dạng sinh học có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, với vai trò và trách nhiệm của mình, cán bộ nhân viên Ban quản lý KBT loài Sao la Quảng Nam đã tích cực thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ và xây dựng hệ sinh thái rừng đặc dụng, bảo tồn các loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm tại KBT loài Sao la một cách hiệu quả nhất.
Đối mặt nhiều khó khăn, nguy hiểm để ngăn chặn tình trạng săn bắt động vật, khai thác gỗ trái phép và lấn chiếm đất rừng, lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị đã phải nỗ lực rất nhiều, ngày đêm phân công nhiệm vụ tuần tra, giám sát trong địa hình chia cắt khó khăn, dưới thời tiết khắc nghiệt.
Tăng cường công tác tuần tra, giám sát, bảo vệ rừng và các loài động thực vật quý hiếm trong Khu bảo tồn. |
Để bảo vệ nghiêm ngặt hơn, đơn vị đã sử dụng ứng dụng Locus Map trên máy tính bảng và điện thoại thông minh. Cụ thể, ứng dụng giúp thu thập thông tin hiện trường một cách cụ thể như theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, định vị cây gỗ lớn, quý hiếm với đầy đủ các thuộc tính: toạ độ, kích thước, số lượng, hình ảnh,… cho ra kết quả trực quan, sinh động và có độ chính xác cao. Qua đó, giúp công tác quản lý, giám sát và đánh giá tài nguyên rừng được thuận tiện và dễ dàng hơn. Với tính hiệu quả cao, áp dụng mọi địa hình nên ứng dụng này được Chi cục Kiểm lâm tỉnh triển khai rộng khắp cho lực lượng kiểm lâm và các ban quản lý rừng.
Ông Lê Hoàng Sơn chia sẻ, ứng dụng này dễ dàng sử dụng, thực hiện trong mọi địa hình, với đầu tư ban đầu chỉ một chiếc điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android có phiên bản từ 6.0 trở lên. Thời gian qua, nhờ sử dụng dụng ứng dụng Locus Map đã giúp cho Ban quản lý rừng theo dõi, quản lý và giám sát hoạt động tuần tra của các nhóm/tổ tuần tra bảo vệ rừng, nâng cao hiệu quả tuần tra bảo vệ rừng cho đơn vị.
Để ngăn chặn các hành vi vi phạm trong rừng, cũng như ngăn ngừa các mối đe dọa đến các loài động thực vật tại KBT, đặc biệt để loài Sao la và môi trường sống của chúng không bị huỷ hoại, rất cần thiết phải thực hiện việc tuyên truyền rộng rãi và thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về công tác bảo vệ và phát triển rừng, hướng tới mục tiêu quản lý bảo vệ, phát triển bền vững toàn bộ diện tích rừng và đất rừng hiện có, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; bảo vệ và phục hồi các loài đặc hữu và các loài động thực vật nguy cấp, quí hiếm khác; giảm số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Ban Quản lý Khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam xác định sẽ thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng nhằm bảo vệ các giá trị bền vững của Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la Quảng Nam.