Việt Nam đứng thứ 14 thế giới về mức độ đa dạng sinh học
Việt Nam xếp hạng thứ 14 trên bảng xếp hạng về mức độ đa dạng sinh học trên thế giới |
Theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới với nhiều hệ sinh thái khác nhau. Trong đó, hơn 100 loài chim và hơn 10% các loài thực vật chỉ có ở Việt Nam.
Trên bảng xếp hạng về mức độ đa dạng sinh học trên thế giới, Việt Nam xếp hạng thứ 14. Tại Đông Nam Á, ba quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất lần lượt là Indonesia, Myanmar và Việt Nam.
Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Việt Nam là quốc gia thứ 50 trên thế giới và đầu tiên của khu vực ASEAN chính thức tham gia Công ước Ramsar từ năm 1989. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 9 khu đất ngập nước được Ban thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu đất ngập nước (Ramsar) thế giới gồm: Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định), Khu hệ đất ngập nước Bàu Sấu nằm trong Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai), Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn), Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Long An), Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang), Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (Cà Mau), Vườn quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình).