Phát triển kinh tế tuần hoàn để giải quyết vấn đề về môi trường
Kinh tế tuần hoàn: Sản xuất - Tiêu dùng - Xử lý chất thải |
Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là mô hình kinh tế trong đó đặc biệt chú trọng đến quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Mô hình kinh tế tuần hoàn là mô hình mà quan điểm tái sử dụng những gì có thể, tái chế những gì không thể tái sử dụng, sửa chữa những gì hỏng hóc, tái sản xuất những gì không thể sửa chữa.
Có thể hiểu nền kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái cũng như sức khỏe con người. Nền kinh tế tuần hoàn là một giải pháp thay thế cho nền kinh tế tuyến tính truyền thống (sản xuất, sử dụng, thải bỏ), trong đó tài nguyên được sử dụng một cách tối đa, thu được giá trị tối đa từ chúng trong quá trình sử dụng, sau đó phục hồi và tái tạo các sản phẩm, vật liệu tại cuối vòng đời của chúng.
Nền kinh tế tuần hoàn giúp cải thiện hiệu suất (sản xuất sạch hơn), cải tiến thiết kế (thiết kế cho sự bền vững), cải thiện chuỗi cung ứng, … Đây là một mô hình ưu việt, loại bỏ việc tạo ra rác thải, do đó mục tiêu xa hơn là phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Hiện nay, việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn đô thị tại một số quốc gia trên thế giới đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận.
Tiến sĩ Kim In Hwan - nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc cho biết, với việc áp dụng những chính sách tích cực trong quản lý chất thải nên rác thải chôn lấp ở Hàn Quốc giảm nhanh từ 96% năm 1982 xuống còn 13% vào năm 2013, đồng thời tỷ lệ tái chế tăng mạnh. Chiến lược giảm thiểu chất thải của Hàn Quốc bao gồm hệ thống thu phí dựa trên khối lượng, hạn chế sử dụng các sản phẩm dùng một lần, vật liệu đóng gói, không cung cấp miễn phí các đồ dùng một lần trong khách sạn, nhà hàng, cửa hàng mua sắm; giới hạn không gian trống sau khi đóng gói và số lớp đóng gói trong hộp; các gia đình phải mua các túi chỉ để đựng rác theo phân loại, tập kết ở nơi thu gom nên hạn chế được lượng rác thải. Đẩy mạnh việc tái chế với mục tiêu đến năm 2025, các rác thải có thể tái chế giảm xuống còn 0%.
Tiến sĩ Kim In Hwan cho rằng, để triển khai thành công chiến lược giảm rác thải thì cần sự phối hợp và triển khai bằng các công cụ chính sách cũng như đẩy mạnh truyền thông để có sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng.
Theo đại diện của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), tái chế chất thải, chất thải công nghiệp là một phần cách tiếp cận của UNIDO theo kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, hỗ trợ ngành công nghiệp tái chế để có thể tái chế chất thải, chất thải công nghiệp thành nguồn tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín; áp dụng RECP để đảm bảo các hoạt động tái chế "xanh" và an toàn; cung cấp hỗ trợ cho các hoạt động tái sử dụng, sửa chữa, tái sản xuất và tái chế; tăng cường các điều kiện khung để đảm bảo việc hỗ trợ ngành công nghiệp tái chế và nền kinh tế tuần hoàn.
Quan điểm và khuyến nghị từ Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và Hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức lưu ý đến việc xây dựng, triển khai các nhà máy xử lý rác thải cần quan tâm đến yếu tố công nghệ để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Trong thời gian qua, sự gia tăng dân số cùng với phát triển kinh tế - xã hội đã làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng, đồng thời làm gia tăng lượng phát sinh chất thải rắn, với thành phần ngày càng phức tạp đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý chất thải rắn ở Việt Nam. Chất thải rắn sinh hoạt đô thị năm 2015 đã tăng gấp 1,6 lần so với năm 2010, dự đoán năm 2020 sẽ tăng gấp 2,37 lần và năm 2025 là 3,2 lần của năm 2010. Bình quân chất thải rắn/đầu người tăng (0,95kg/người/ngày năm 2009 lên l,6kg/người/ngày năm 2025). Hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy chất thải rắn là vấn đề lớn đối với các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý chất thải rắn, Chính phủ đã ban hành các Nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định về chiến lược, quy hoạch quốc gia về quản lý tổng hợp, quy hoạch khu xử lý chất thải rắn; đặc biệt Chỉ thị số 23/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng được hành lang pháp lý, công cụ trong quản lý chất thải rắn, dần dần từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn đô thị, đưa các công nghệ tiên tiến trên thế giới về xử lý chất thải rắn vào Việt Nam, góp phần không nhỏ trong việc nỗ lực giảm thiểu chất thải rắn tại các đô thị trên toàn quốc.
Tại Hội thảo quốc tế "Quản lý chất thải rắn đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn", Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã nhấn mạnh rằng: "Cần ban hành các chính sách để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đảm bảo giảm thiểu nguồn rác thải, tận dụng tối đa được nguồn tài nguyên rác thải trong các ngành, lĩnh vực kinh tế khác, giải quyết triệt để các vấn đề về môi trường".
Để hỗ trợ cho nền kinh tế tuần hoàn, chúng ta có thể tăng thời gian sử dụng của sản phẩm thông qua việc thuê dịch vụ của nhà sản xuất thay vì mua sắm; giảm việc sử dụng các vật liệu độc hại hoặc khó tái chế; tạo thị trường cho vật liệu tái chế; khuyến khích người tiêu dùng giảm thiểu chất thải và phân loại rác; giảm thiểu chi phí tái chế và tái sử dụng với các hệ thống tách và thu gom; tạo điều kiện cho các cụm công nghiệp trao đổi các sản phẩm phụ để ngăn chặn chúng trở thành chất thải…
Nguyên tắc cơ bản trong nền kinh tế tuần hoàn 1. Thiết kế để tái sử dụng: Rác thải sẽ không tồn tại nếu các thành phần sinh học và hóa học trong sản phẩm được thiết kế sao cho có thể đưa chúng vào tái sử dụng trong một chu trình mới. Nói cách khác, có thể phân tách và tái sử dụng các thành phần này. 2. Khả năng linh động nhờ sự đa dạng: Các hệ thống có sự kết nối nội bộ đa dạng thường có sức chống chịu cao và linh động trước những tác động bất ngờ từ ngoại cảnh. Trong nền kinh tế, để có được sự linh động đó, cần phải có sự đa dạng về các loại hình doanh nghiệp, mô hình kinh doanh và hệ thống sản xuất; đồng thời các mạng lưới kinh doanh cũng phải có những mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau cũng như với nhiều nhà cung cấp và khách hàng khác nhau. Các hệ sinh thái tự nhiên là những ví dụ minh họa sống động nhất cho các hệ thống sản xuất linh động như thế này. 3. Sử dụng năng lượng từ các nguồn vô tận: Để giảm tải những tổn thất về sản phẩm (bằng cách tái chế nâng cấp), cần phải sử dụng thêm năng lượng. Có hai nguồn năng lượng chính luôn sẵn có: năng lượng (năng lượng tái chế) và sức lao động. Chỉ có thể đáp ứng được các điều kiện của một nền kinh tế tuần hoàn bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng tái chế. 4. Tư duy hệ thống: Tư duy hệ thống tập trung vào các hệ thống phi tuyến tính, đặc biệt là các vòng lặp phản hồi (feedback loop - là một cấu trúc hệ thống trong đó đầu ra ở một mắt xích trong cấu trúc này sẽ có tác động lên đầu vào tại chính mắt xích đó). Trong các hệ thống này, sự kết hợp giữa các nhân tố môi trường không chắc chắn với sự phản hồi trước các nhân tố đó thường mang lại những kết quả khó dự đoán trước. Tuy nhiên, để tìm hiểu cách tối ưu hóa các hệ thống này, cần phải cân nhắc đến những mối quan hệ giữa chúng và đường đi của các nguyên liệu trong chu trình sản xuất. Để làm được điều này, cần phải có sự định hướng lâu dài. Tại nhiều cấp độ và quy mô khác nhau trong nền kinh tế tuần hoàn, các hệ thống hoạt động trong đó tác động lẫn nhau, từ đó xuất hiện những mối quan hệ phụ thuộc và tạo nên những vòng lặp phản hồi giúp củng cố cho tính linh động của nền kinh tế tuần hoàn. 5. Nền tảng sinh học: Càng ngày càng có nhiều hàng hóa tiêu dùng được tạo nên từ các nguyên liệu sinh học và quá trình sử dụng chúng diễn ra dựa trên quy tắc "phân tầng". Các thành phần sinh học này được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau trước khi quay trở về các chu trình sinh quyển. |