16:24 | 14/11/2019

Biến đổi khí hậu và sự phát triển bền vững hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL

Vấn đề cấp bách, ảnh hướng đến sự sống còn của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở đang ngày các phức tạp và khó kiểm soát. Các bộ, ngành, địa phương tích cực tăng cường các giải pháp huy động đa dạng nguồn vốn cho các giải pháp công trình, phi công trình nhằm phát triển bền vững vùng ĐBSCL. 
Lấy ý kiến về Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), tổng số vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL trong giai đoạn 2016 - 2020 là 65.056 tỉ đồng, chiếm 15,15% tổng vốn đầu tư thực hiện của cả nước. Các công trình, dự án trọng điểm, gồm: đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi, cầu Long Bình; luồng tàu biển lớn vào sông Hậu, Dự án kết nối vùng đồng bằng Mê Kông, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, mở rộng tuyến tránh Tân An, QL 91 đoạn Cần Thơ - An Giang, tuyến tránh Cai Lậy, tuyến tránh Sóc Trăng...

bien doi khi hau va su phat trien ben vung ha tang giao thong vung dong bang song cuu long

Dự án cao tốc TP. HCM - Trung Lương, dự án duy nhất đang khai thác kết nối về ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh.

Từ năm 2017 đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã đồng ý bố trí 10.607 tỉ đồng để triển khai các dự án: Cầu Mỹ Thuận 2 trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến tránh TP. Long Xuyên, QL 57 Bến Tre và Vĩnh Long, QL 53 Trà Vinh - Long Toàn, QL 30 Cao Lãnh - Hồng Ngự, nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp.

Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng ĐBSCL với TP. HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Dự án "Rà soát, cập nhật yếu tố biến đổi khí hậu vào quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng GTVT vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050" đã được Bộ GTVT ban hành tại Quyết định số 2512/QĐ- BGTVT ngày 20/11/2018 và giao Viện Chiến lược và Phát triển GTVT chủ trì thực hiện trong giai đoạn từ tháng 9/2018 đến tháng 6/2020.

Đến nay dự án đã thực hiện: Cập nhật các yếu tố biến đổi khí hậu trong kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cấp quốc gia (2016) đến năm 2019 và chi tiết cho vùng ĐBSCL. Xây dựng Bộ bản đồ ATLAS "Cập nhật yếu tố biến đổi khí hậu vào quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng GTVT vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn 2050" cho tất cả các lớp quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông (đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển, hàng không).

Dự án cũng đã đề xuất quy trình và khung hướng dẫn lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu vào các quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng GTVT; đề xuất lựa chọn các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu liên quan đến nội dung của các quy hoạch kết cấu hạ tầng GTVT; rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng GTVT cấp quốc gia (17 QH), cấp tỉnh (43 QH); các quy hoạch, kế hoạch các ngành liên quan đến phát triển hạ tầng GTVT và đánh giá thực trạng lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu vào trong các quy hoạch này.

Năm 2020, dự án sẽ tiếp tục hoàn thiện và thực hiện xây dựng các cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT vùng ĐBSCL.

Thu Vân

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/bien-doi-khi-hau-va-su-phat-trien-ben-vung-ha-tang-giao-thong-vung-dbscl-4653.html

In bài viết