14:22 | 05/12/2019

Quy hoạch bảo vệ môi trường cần phải gắn với quy hoạch phát triển

Quy hoạch bảo vệ môi trường (BVMT) quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 là cơ sở, nền tảng quan trọng phục vụ BVMT và phát triển bền vững đất nước, cần gắn với quy hoạch phát triển, đặc biệt là phải bám sát Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT.
Xây dựng Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030
quy hoach bao ve moi truong can phai gan voi quy hoach phat trien
Quy hoạch BVMT ra đời sẽ giải quyết hài hòa, cân đối các mục tiêu khai thác, bảo tồn, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên...

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân tại cuộc họp Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch BVMT quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, hướng tới nền kinh tế xanh, carbon thấp, ít chất thải; nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; quan điểm không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế; phát triển đô thị thông minh, vạn vật kết nối; thúc đẩy phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 trong các lĩnh vực… mở ra nhiều cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi đối với công tác BVMT.

Theo Tổng cục Môi trường, hiện nay, Việt Nam có rất nhiều loại hình quy hoạch, tuy nhiên sự khớp nối giữa các quy hoạch như thế nào đảm bảo phục vụ phát triển bền vững thì chưa thực sự tốt. Chúng ta còn thiếu công cụ đánh giá, cơ sở dữ liệu, thiếu các bộ tiêu chí thẩm định một quy hoạch phát triển dựa trên quy hoạch phát triển bền vững, gây chồng chéo giữa các quy hoạch, dẫn đến xung đột. Chính vì vậy, quy hoạch BVMT ra đời sẽ giải quyết hài hòa cân đối giữa việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, các mục đích về bảo tồn thiên nhiên, các khu sinh thái quan trọng, bảo vệ tài nguyên đất, tài nguyên nước; gắn BVMT với các hoạt động phát triển kinh tế và phải có kiểm soát trong hành lang mà quy hoạch BVMT đặt ra.

Vấn đề đặt ra là cần tạo hành lang pháp lý, công cụ quản lý, các vùng, khu vực lãnh thổ quản lý chất lượng môi trường, kiểm soát chất lượng môi trường. Đặc biệt có nhiều loại hình dự án có nguy cơ môi trường cao, nhưng chúng ta chưa có hành lang pháp lý đủ lớn và hệ thống công cụ quản lý từ năng lực quản lý cho đến hệ thống quan trắc, phương pháp tiếp cận....

Chính vì thế, việc lập "Quy hoạch BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", nhằm hướng tới bảo vệ, duy trì và phục hồi các chức năng, giá trị sống còn các hệ sinh thái quan trọng, các loài sinh vật đặc hữu, các dạng tài nguyên thiên nhiên và giá trị văn hóa - lịch sử; cải thiện chất lượng và nâng cao mức độ an toàn môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất các mâu thuẫn giữa các ngành, các địa phương trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội gắn với các yêu cầu về BVMT, ứng phó BĐKH; tăng cường khả năng chủ động ứng phó với BĐKH giảm phát thải khí nhà kính; nâng cao năng lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT, ứng phó BĐKH theo cách tiếp cận phát triển bền vững, tổng hợp, quản lý theo lưu vực, dựa vào mức độ nhạy cảm, khả năng chống chịu, phục hồi, chịu tải, tổn thương môi trường, hệ sinh thái và điều kiện thiên nhiên.

Dự thảo Quy hoạch đã xác định, đến năm 2030: "Ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và đa dạng sinh học, cải thiện chất lượng môi trường sống, chủ động ứng phó BĐKH, hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, ít chất thải, cacbon thấp vì sự thịnh vượng và phát triển, bảo vệ đất nước. Việt Nam trờ thành quốc gia có chất lượng môi trường hàng đầu khu vực, về cơ bản an toàn môi trường trên cơ sở tăng trưởng xanh, phát triển bền vững,..."; tầm nhìn đến 2050, "Việt Nam trở thành quốc gia có môi trường trong lành, an toàn, đa dạng sinh học phong phú được phục hồi dựa vào phát triển kinh tế- xã hội tuần hoàn, chống chịu cao, cacbon thấp và bền vững".

Quy hoạch BVMT là quy hoạch có tính chất liên ngành, có mối liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, do vậy, trong quá trình lập quy hoạch sẽ sử dụng tổng hợp cách tiếp cận dựa trên chức năng môi trường; tiếp cận phát triển bền vững; tiếp cận sinh thái; và tiếp cận quản lý theo lưu vực sông.

Quy hoạch BVMT cấp quốc gia là sự tổ chức lập các kế hoạch dài hạn xây dựng hệ thống BVMT cấp quốc gia trên cơ sở điều tra, đánh giá môi trường, quản lý môi trường, dự báo xu thế diễn biến môi trường và BĐKH; nhu cầu bảo tồn cũng như các nguồn lực có thể sử dụng. Như vậy, có thể hiểu quy hoạch BVMT cấp quốc gia là phân vùng môi trường, xác định khung về nội dung, phân bổ không gian cho hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường rừng, quản lý môi trường biển, hải đảo và lưu vực sông, quản lý chất thải, hạ tầng kỹ thuật BVMT; hệ thống quan trắc môi trường.

Tổng cục Môi trường sẽ định hướng về phân vùng môi trường trên phạm vi cả nước theo vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và vùng khác trên cơ sở phân tích mô hình phát tán ô nhiễm, hiện trạng và xu hướng của các vấn đề môi trường, áp lực và định hướng của các hoạt động phát triển. Các tiêu chí phân vùng môi trường sẽ được đồng bộ với quy định của Luật bảo vệ môi trường 2020 sau khi được Quốc hội thông qua.

Thu Vân

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/quy-hoach-bao-ve-moi-truong-can-phai-gan-voi-quy-hoach-phat-trien-5082.html

In bài viết