00:00 | 25/01/2020

Các giải pháp giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Với mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2020-2025: 100% rác thải sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh phải được phân loại tại nguồn, thu gom, xử lý theo quy định, tỉnh Bắc Ninh đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, nhằm khắc phục và giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với chất thải rắn sinh hoạt.
Bắc Ninh: Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, hạn chế gia tăng ô nhiễm
cac giai phap giam thieu chat thai ran sinh hoat tren dia ban tinh bac ninh
Bắc Ninh triển khai mô hình điểm xử lý rác thải bằng phương pháp không đốt, không khói bụi tại xã Đông Thọ, huyện Yên Phong.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức

Nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận trong hành động và tự nguyện, tự giác thực hiện, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục liên tục, kiên trì chủ trương của tỉnh đến mọi tổ chức, cá nhân để trở thành quyết tâm chính trị của các cấp, ngành, địa phương, cơ quan đơn vị về công tác bảo vệ môi trường, tuyên truyền về thực trạng, nguy cơ và các hiểm họa tác động từ ô nhiễm môi trường tới cuộc sống con người; trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường, phân loại chất thải tại nguồn… Nội dung tuyên truyền về hiện trạng môi trường và những tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe, đời sống văn hóa, xã hội; công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, trong đó tập trung vào các nội dung về sự cần thiết và cách thức tổ chức phân loại chất thải tại nguồn; hạn chế phát thải nhựa, túi nilon, tích cực sử dụng các sản phẩm có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường để giảm lượng chất thải phát sinh; hay sự cần thiết phải đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung, lò đốt rác trên địa bàn các huyện, thị xã; hướng dẫn kỹ thuật sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và phân hóa học; áp dụng sản xuất nông sản sạch; áp dụng phương pháp canh tác “nông nghiệp hữu cơ”; phát động phong trào làm sạch đồng ruộng, vớt bèo, khơi thông dòng chảy kênh mương, làm sạch đường làng, ngõ xóm hiệu quả...

Hình thức tuyên truyền thông qua hội nghị quân dân chính đảng và phân công trách nhiệm đến từng bí thư chi bộ hoặc trưởng thôn vận động trực tiếp; tổ chức lễ mít tinh, phát động ra quân vệ sinh môi trường định kỳ hàng tháng và nhân các ngày môi trường thế giới, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; mở các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đến các đối tượng tổ chức, cá nhân; xây dựng các phóng sự, ghi hình, đưa tin về các hoạt động bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội (Facebook, Twitter, Zalo...).

Đẩy mạnh xã hội hóa

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ trương đa dạng hoá các nguồn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích cá nhân, tổ chức, các thành phần kinh tế tham gia các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường. Cùng với việc rà soát, điều chỉnh giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với các hộ gia đình theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền; rà soát, điều chỉnh bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường, các quy định về bảo vệ môi trường đối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và khu vực nông thôn phù hợp với tình hình thực tế; trong thời gian tới tỉnh tập trung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong quá trình hoạt động, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường, xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; giám sát chặt chẽ các nguồn thải lớn trên địa bàn nhằm ngăn chặn, phòng ngừa các sự cố về môi trường.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn, Bắc Ninh tiến hành sửa đổi, bổ sung quy định mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh để triển khai việc thu giá dịch vụ theo khẩu, đảm bảo lấy thu bù chi và chế độ của người lao động. Tổ chức thực hiện việc triển khai, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, trước hết là tại xã Lâm Thao, huyện Lương Tài và xã Liên Bão, huyện Tiên Du, song song với tổ chức tập huấn phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; đánh giá kết quả và phát động phong trào, triển khai nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Triển khai mô hình điểm xử lý rác thải bằng phương pháp không đốt, không khói bụi tại xã Đông Thọ, huyện Yên Phong với việc Thành lập Hợp tác xã dịch vụ môi trường xã Đông Thọ để triển khai mô hình; đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị để triển khai thực hiện.

Thành lập Hợp tác xã hoặc tổ chức dịch vụ môi trường tại các địa phương để thực hiện việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình đến điểm tập kết và quản lý các điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt bằng cách thành lập mỗi xã/phường/thị trấn 01 Hợp tác xã hoặc tổ chức dịch vụ môi trường (trừ các các địa phương đã có doanh nghiệp tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý). Kinh phí hoạt động: Từ nguồn thu giá dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt của các hộ gia đình. Theo đơn giá như hiện nay thì mỗi hợp tác xã có nguồn thu dao động từ 48,28 triệu đồng/tháng (huyện Lương Tài) đến 95,5 triệu đồng/tháng (thị xã Từ Sơn). Như vậy, với đơn giá thu gom như hiện nay thì kinh phí thu được sẽ đảm bảo hoạt động cho 01 Hợp tác xã hoặc tổ chức dịch vụ môi trường có 10 lao động với mức lương khoảng 05 triệu/người/tháng

Duy trì hoạt động hiệu quả, bảo đảm vệ sinh môi trường tại các điểm tập kết rác thải sinh hoạt, khu xử lý rác thải tập trung và các lò đốt đang hoạt động tại các huyện, thị xã, kết hợp với tiến hành trồng dải cây xanh xung quanh các khu xử lý chất thải tập trung và lò đốt rác tại các địa phương nhằm ngăn ngừa sự phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh, đồng thời tạo cảnh quan môi trường sinh thái khu vực xử lý.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng tại các huyện: Lương Tài, Quế Võ và Thuận Thành, đảm bảo đến năm 2021 các nhà máy sẽ đi vào hoạt động để xử lý rác thải sinh hoạt tại các địa phương và các vùng lân cận trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Cụ thể: Dự án “Đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng” công suất 500 tấn/ngày đêm thuộc Công ty Cổ phần môi trường Năng lượng Thăng Long tại xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, kinh phí đầu tư 1.357 tỷ đồng; Dự án “Đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng huyện Thuận Thành” công suất 300 tấn/ngày đêm tại xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, kinh phí đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng; Dự án “Đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng huyện Lương Tài” công suất 300 tấn/ngày đêm tại xã An Thịnh, huyện Lương Tài, kinh phí đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Kinh phí đầu tư cả 3 dự án này đều được thực hiện từ nguồn xã hội hóa.

Trong giai đoạn 2019-2020 (khi các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng chưa đi vào hoạt động), các địa phương tập trung thực hiện tốt các giải pháp xử lý cấp bách như: Vận hành đảm bảo hoạt động hiệu quả, vệ sinh môi trường đối với các điểm tập kết rác thải còn nhu cầu sử dụng. Tiếp tục áp dụng các biện pháp đánh đống, phun chế phẩm, dùng vật liệu chống thấm bao phủ bề mặt để hạn chế phát tán mùi, dọn dẹp vệ sinh thường xuyên không để rác thải tràn ra ngoài,… đối với các điểm tập kết còn rác tồn đọng. Trường hợp lượng chất thải tồn đọng tại các điểm tập kết quá tải thì UBND các huyện, thị xã chỉ đạo thu gom về các lò đốt chất thải đang hoạt động trên địa bàn huyện, thị xã để xử lý. Vận hành hiệu quả các lò đốt và các khu xử lý tập trung hiện đang hoạt động. Đầu tư xây dựng các lò đốt rác tại các địa phương để xử lý cấp bách rác thải sinh hoạt của thị xã Từ Sơn và 02 huyện: Yên Phong và Tiên Du, cụ thể:

Phương án 1: Tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các lò đốt rác thải bằng hình thức xã hội hóa để xử lý cấp bách rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thị xã Từ Sơn và huyện Tiên Du và triển khai bổ sung 04 lò đốt theo quy mô cụm xã tại huyện Yên Phong. Tổng số lò đốt cần lắp đặt: 12 lò, trong đó: Thị xã Từ Sơn 04 lò đốt, huyện Tiên Du 04 lò đốt, huyện Yên Phong 04 lò đốt.

Phương án 2: Đầu tư xây dựng lò đốt chất thải quy mô nhỏ (01 lò/xã, phường) để xử lý cấp bách rác thải tại thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du và huyện Yên Phong. Tổng số lò đốt cần lắp đặt là 31 lò, trong đó: Thị xã Từ Sơn: 06 lò đốt cho các khu dân cư tập trung. Đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Huyện Tiên Du: 13 lò đốt cho các khu dân cư tập trung, trong đó: 09 lò đốt do Nhà nước đầu tư 100% kinh phí và 04 lò đốt đầu tư theo hình thức xã hội hóa (tại các xã Hiên Vân, Liên Bão, Tri Phương và Minh Đạo). Huyện Yên Phong: 12 lò đốt cho các khu dân cư tập trung. Nhà nước đầu tư 100% kinh phí.

Đối với các lò đốt do nhà nước đầu tư 100% kinh phí thì UBND các huyện Tiên Du, Yên Phong tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp lò đốt, đấu thầu lựa chọn đơn vị đầu tư xây dựng nhà xưởng và đấu thầu lựa chọn đợn vị vận hành lò đốt. Đối với các lò đốt đầu tư bằng hình thức xã hội hóa: Các doanh nghiệp trúng thầu tổ chức đầu tư xây dựng và vận hành lò đốt.

Tùy theo tình hình thực tế tại từng địa phương, các huyện Tiên Du, Yên Phong và thị xã Từ Sơn chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn số lượng lò đốt rác thải sinh hoạt, địa điểm đặt lò đốt, đảm bảo xử lý ô nhiễm môi trường tại địa phương mình. Trường hợp đầu tư theo hình thức xã hội hóa, các huyện, thị xã có thể chủ động thỏa thuận thời hạn trong hợp đồng xử lý rác thải với các doanh nghiệp đầu tư.

Cơ chế hỗ trợ kinh phí vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh: Giai đoạn 2019-2020: Nhà nước hỗ trợ toàn bộ chi phí vận chuyển và xử lý cho toàn tỉnh là 206,4 tỷ đồng/năm; mỗi hộ trên địa bàn tỉnh sẽ phải đóng giá thu gom từ hộ gia đình đến điểm tập kết trung bình là 25.000 đồng/hộ/tháng hoặc 7.500 đồng/khẩu/tháng.Giai đoạn 2021 - 2025: Điều chỉnh kinh phí vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt sang phương án nhân dân tự đóng góp đảm bảo lấy thu bù chi nhằm giảm hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Mỗi hộ trên địa bàn tỉnh sẽ phải đóng giá thu gom, vận chuyển và xử lý là 70.866 đồng/hộ/tháng hoặc 21.260 đồng/khẩu/tháng.

Thu Vân

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/cac-giai-phap-giam-thieu-chat-thai-ran-sinh-hoat-tren-dia-ban-tinh-bac-ninh-5363.html

In bài viết