Bắc Ninh: Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, hạn chế gia tăng ô nhiễm

13/01/2020 17:14 Địa phương
Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị. Các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể đã triển khai lồng ghép tốt các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn gắn với nhiệm vụ BVMT. Kết quả thực hiện cho thấy công tác BVMT đã được tăng cường, góp phần hạn chế tốc độ gia tăng ô nhiễm, chất lượng môi trường đang được cải thiện, từng bước giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, đóng góp tích cực, quan trọng cho công tác BVMT và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Bài toán xử lý chất thải sinh hoạt của tỉnh Bắc Ninh
bac ninh tang cuong cong tac bao ve moi truong han che gia tang o nhiem
Nhà máy nước sạch cụm xã Cao Đức- Bình Dương (Gia Bình) hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2017.

Có thể thấy rõ, nhận thức về BVMT từng bước được nâng lên trong các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, bộ máy quản lý nhà nước về BVMT được tăng cường từ cấp tỉnh đến cấp huyện, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã được tập trung triển khai và đạt được một số kết quả nhất định: Đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành hành các điểm tập kết nhằm thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn; các địa phương đã thành lập được các tổ, đội thu gom rác thải từ hộ gia đình đến điểm tập kết, việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ điểm tập kết về các khu xử lý chất thải tập trung cấp huyện đáp ứng được yêu cầu đề ra. Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt toàn tỉnh đạt trên 90%. Đã hoàn thành và đưa vào hoạt động 03 khu xử lý tập trung để xử lý triệt để rác thải sinh hoạt cho huyện Quế Võ, huyện Thuận Thành, huyện Gia Bình và thành phố Bắc Ninh; đầu tư 10 lò đốt chất thải sinh hoạt công suất nhỏ tại thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du, huyện Yên Phong để giải quyết cấp bách lượng rác thải phát sinh tại các phường, thị trấn có lượng rác thải lớn.

Đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề sản xuất giấy Phong Khê, công suất giai đoạn 1 là 5.000m3/ngày đêm, hệ thống xử lý hiện đã cơ bản hoàn thiện và được bàn giao cho Công ty Cổ phần thoát nước và Xử lý nước thải Bắc Ninh vận hành từ ngày 22/3/2017; đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề bún Khắc Niệm công suất 400 m3/ngày đêm. Một số địa phương đã xây dựng bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại trên các cánh đồng từ nguồn hỗ trợ của các dự án nông nghiệp; đã đầu tư trên 22.000 bể Biogas để xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi; 03 hệ thống xử lý nước thải tập trung tại khu dân cư nông thôn.

Hầu hết các Khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã đầu tư đồng bộ công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khu công nghiệp đáp ứng yêu cầu theo quy định; Các cơ sở thứ cấp trong các khu công nghiệp cũng đã tách biệt hệ thống thu gom nước thải và nước mưa, đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt Tiêu chuẩn riêng của KCN trước khi đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải của KCN; Các Khu công nghiệp cơ bản cũng đã lắp đặt hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tự động để theo dõi thường xuyên, liên tục chất lượng nước thải trước khi xả ra ngoài môi trường.

Tỉnh đã hoàn thành và đưa vào vận hành ổn định hệ thống xử lý nước thải Cụm công nghiệp đa nghề Đông thọ với công suất 300 m3/ ngày đêm, hệ thống xử lý nước thải Cụm công nghiệp Tân Chi với công suất 3.200 m3/ ngày đêm đáp ứng các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn môi trường Việt Nam cho phép; Nước thải từ các cơ sở sản xuất tại Cụm công nghiệp Phong Khê 1 đang được đấu nối với Hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề giấy Phong Khê giai đoạn I công suất 5.000 m3/ngày đêm để xử lý theo quy định.

Có 02 khu đô thị là thành phố Bắc Ninh và thị xã Từ Sơn đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, hệ thống xử lý nước thải tập trung cho thành phố Bắc Ninh có công suất 28.000 m3/ngày đêm và hệ thống xử lý nước thải tập trung cho thị xã Từ Sơn có công suất 33.000 m3/ngày đêm, các hệ thống hiện đang được vận hành ổn định. Tỉnh đã đầu tư xây dựng được 1.520 phòng vệ sinh chung đạt chuẩn Quốc gia trên tổng số 45.023 phòng vệ sinh vệ sinh hiện có của các cấp trường trên địa bàn (chiếm tỷ lệ 30,26%); đầu tư 17 hệ thống xử lý nước thải, 13 lò đốt chất thải rắn y tế của các bệnh viện trên địa bàn tỉnh.

Tuy đạt được nhiều kết quả khả quan trong công tác bảo vệ môi trường, song vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như tiến độ triển khai xây dựng các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại một số địa phương (huyện Yên Phong, Tiên Du, Lương Tài và Thị xã Từ Sơn) vẫn còn chậm. Ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các địa phương chưa có khu xử lý tập trung vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều điểm tập kết đã tràn đầy, rác thải đổ bừa bãi dọc các kênh mương gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến văn hóa, mỹ quan; Công tác phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn triển khai còn nhiều hạn chế, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Hiện vẫn còn 01 KCN Hanaka chưa hoàn thành và đưa vào vận hành Hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định của Luật bảo vệ môi trường; Một số doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về BVMT, chậm đầu tư các hệ thống xử lý nước thải, khí thải theo quy định. Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, CCN có chiều hướng gia tăng về mức độ, việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở về môi trường còn rất hạn chế, cơ bản chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định. Ô nhiễm môi trường nông thôn, đặc biệt là các khu vực nông thôn có làng nghề có chiều hướng gia tăng. Tình trạng xả chất thải sản xuất và chăn nuôi không qua xử lý, việc xả bao bì các loại phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp khá phổ biến gây ô nhiễm môi trường. Nước thải sinh hoạt của các thị trấn, khu dân cư chưa được thu gom, xử lý; một số trường học chưa có nhà vệ sinh đáp ứng được yêu cầu, chưa có khu vực tập kết rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Các cơ sở y tế cấp xã chưa có biện pháp quản lý chất thải y tế hữu hiệu và an toàn, việc bố trí bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế theo quy định chưa đầy đủ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu quy định tại Thông tư 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT.

Nguyên nhân những hạn chế, tồn tại trên là do sự chủ động của một số huyện chưa quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức đến công tác BVMT, xử lý chất thải sinh hoạt; còn xem công tác BVMT là trách nhiệm của ngành Tài nguyên và Môi trường, không nghĩ đó là trách nhiệm của địa phương mình. Cùng với đó, hệ thống tổ chức và năng lực quản lý môi trường các cấp chưa đáp ứng yêu cầu, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác BVMT còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Nhận thức của một bộ phận người dân và doanh nghiệp về công tác BVMT còn hạn chế từ việc phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách của tỉnh trong công tác BVMT. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý chưa đủ sức răn đe, chưa xử lý nhanh, triệt để ngay những doanh nghiệp cố tình vi phạm; việc kiểm soát, định lượng các nguồn thải và đánh giá sức chịu tải của môi trường nguồn tiếp nhận chưa được thực hiện đầy đủ. Việc kiểm tra, giám sát, xử lý đối với các cơ sở trong làng nghề, CCN của cấp huyện, cấp xã chưa chủ động. Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt chưa đồng bộ, chưa có phương thức quản lý chung; các tổ chức vệ sinh môi trường hoạt động còn mang tính tự phát, chưa có cơ chế phân công trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của tổ chức hoạt động; việc hỗ trợ trong công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các xã, phường trong cùng một huyện, thị xã chưa cao.

Trong thời gian tới đây, tỉnh Bắc Ninh sẽ tập trung giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, nhằm khắc phục và giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với chất thải rắn sinh hoạt, môi trường các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, làng nghề, khu vực nông thôn, khu đô thị, trường học và cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Thu Vân
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động