Vĩnh Phúc: Những chuyển biến tích cực trong công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Thực hiện Nghị quyết số 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Chính phủ, tỉnh Vĩnh Phúc không ngừng kiến tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp. Qua đó củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp.
Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo sát sao, cùng với sự phối hợp, vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành đã đem lại kết quả đáng ghi nhận trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) và nước ngoài (FDI), các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh kịp thời cập nhật, tuyên truyền, phổ biến về hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại trong thương mại quốc tế cho cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh.
Thường xuyên rà soát, bãi bỏ nhiều TTHC không cần thiết thuộc thẩm quyền cấp tỉnh để giảm phiền hà, thời gian và chi phí phát sinh không chính thức cho doanh nghiệp; 100% TTHC được thực hiện theo đúng cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo sát sao, cùng với sự phối hợp, vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành đã đem lại kết quả đáng ghi nhận trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. |
Đồng thời duy trì, nâng cao thứ hạng về cải cách hành chính của tỉnh trên nhiều bảng xếp hạng quốc gia như Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số năng lực cạnh tranh, Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước… được Trung ương, các tổ chức và người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số, mở rộng thị trường, phát triển nguồn nhân lực, áp dụng các mô hình chuyển đổi xanh, kinh doanh bền vững... Qua đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, góp phần nâng cao vị trí của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế.
Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện rà soát những bất cập pháp lý trong việc thực hiện dự án đầu tư thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước liên quan đến các lĩnh vực như đề xuất điều chỉnh hoặc thay thế Nghị định số 96 của Chính phủ quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; rà soát các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, đóng gói và phân phối các sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu...
Với sự quyết tâm, nỗ lực và vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, đến nay, kinh tế của tỉnh đã vượt qua khó khăn, thách thức và dần phục hồi so với năm trước, hoạt động sản xuất, kinh doanh có sự khởi sắc ở cả 3 khu vực kinh tế.
Tốc độ tăng GRDP đạt 6,26%; quy mô GRDP của tỉnh theo giá hiện hành đạt 80,7 nghìn tỷ đồng, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng.
Đặc biệt, tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn rút ngắn từ 10-30% thời gian thực hiện quy trình TTHC trong lĩnh vực doanh nghiệp - đầu tư, bao gồm thời gian đăng ký doanh nghiệp, thẩm tra, thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Theo thống kê, giai đoạn 2021 - 2024, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 5.000 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký gần 57.000 tỷ đồng, trong đó, có 70 doanh nghiệp FDI, hơn 4.900 doanh nghiệp DDI; gần 1.200 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Riêng 9 tháng năm 2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc tiếp nhận và giải quyết hơn 5.500 lượt thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực doanh nghiệp, trong đó, có 1.149 doanh nghiệp mới đăng ký thành lập mới, với số vốn 9.712 tỷ đồng, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng. 100% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp như đăng ký thành lập mới, thay đổi, giải thể, chấm dứt hoạt động đạt mức độ 4.
Tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký thành lập qua mạng đạt 99,96%, tăng gấp đôi so với năm 2020, đưa tỉnh Vĩnh Phúc từ vị trí thứ 29/63 tỉnh, thành năm 2020 lên vị trí thứ 3 năm 2023 về đăng ký kinh doanh qua mạng và tiếp tục là điểm sáng của cả nước trong 9 tháng năm 2024. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 17.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký đạt hơn 292.000 tỷ đồng; số doanh nghiệp đăng ký đang hoạt động chiếm hơn 75% tổng số doanh nghiệp; số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98%...
Năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu tăng trưởng GRDP từ 8,5 - 9,5%; thu ngân sách Nhà nước đạt 24.317 tỷ đồng; thu hút đầu tư đạt 400 triệu USD vốn FDI và 2.200 tỷ đồng vốn DDI; giải quyết việc làm mới cho 16 - 17 nghìn lao động…
Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các TTHC nhằm giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Nâng cao hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; chú trọng giải pháp tư vấn, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp với các nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp, tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tham gia chuỗi giá trị bền vững, thủ tục hành chính...
Đa dạng hóa và phát triển hiệu quả hệ thống dịch vụ phát triển kinh doanh, vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, cơ sở kỹ thuật dùng chung, hỗ trợ doanh nghiệp, tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Đồng thời kiến nghị các bộ, ngành trung ương tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính; rà soát các quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh, sửa đổi các quy định còn bất cập, chưa rõ ràng liên quan đến thủ tục đầu tư và kinh doanh, nhất là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Đề nghị các Bộ ngành liên quan nghiên cứu, rà soát và tham mưu việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng, đất đai, đầu tư đảm bảo phù hợp với các cấp độ quy hoạch; quy định thống nhất việc chấp thuận chủ trương và điều chỉnh tất cả các nhóm dự án, đặc biệt nhóm dự án về đô thị, nhà ở; quy định rõ ràng về chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư trong trường hợp được chấp thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất… nhằm cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và khơi thông nguồn lực phát triển KT-XH trong tất cả các ngành, lĩnh vực...