Quy định mới về môi trường có hiệu lực từ đầu năm 2025
Giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn
Nghị quyết 60/2026/UBTVQH15 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày 31/12/2025, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn tiếp tục giảm theo mức áp dụng trong năm 2024. Kể từ ngày 01/01/2026, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn sẽ được thực hiện theo quy định tại Mục I khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 về Biểu thuế bảo vệ môi trường.
STT | Hàng hóa | Đơn vị tính | Mức thuế (đồng/đơn vị hàng hóa) | |
Từ 01/01/2025 đến hết 31/12/2025 | Từ 01/01/2026 | |||
1 | Xăng, trừ etanol | lít | 2.000 | 4.000 |
2 | Nhiêu liệu bay | lít | 1.000 | 3.000 |
3 | Dầu diesel | lít | 1.000 | 2.000 |
4 | Dầu hỏa | lít | 600 | 1.000 |
5 | Dầu mazut | lít | 1.000 | 2.000 |
6 | Dầu nhờn | lít | 1.000 | 2.000 |
7 | Mỡ nhờn | kg | 1.000 | 2.000 |
Xe máy xuất xưởng từ 5 năm trở lên phải kiểm định khí thải
Theo khoản 1 Điều 27 Thông tư 47/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, xe mô tô, xe gắn máy có thời gian tính từ năm sản xuất trên 05 năm thì chủ xe phải mang xe đến cơ sở đăng kiểm để kiểm định khí thải.
Xe mô tô, xe gắn máy | Chu kỳ kiểm định (tháng) |
Thời gian sản xuất đến 05 năm | 60 (*) |
Thời gian sản xuất trên 05 năm đến 12 năm | 24 |
Thời gian sản xuất trên 12 năm | 12 |
(*) 60 tháng tính từ ngày xuất xưởng xe mô tô, xe gắn máy. Trường hợp xe mô tô, xe gắn máy trong cơ sở dữ liệu không có thông tin về ngày xuất xưởng thì tính từ ngày 31/12 của năm sản xuất xe.
Ngoài ra, Thông tư này còn quy định cụ thể trình tự, thủ tục kiểm định, miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; trình tự, thủ tục chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới cải tạo, xe máy chuyên dùng cải tạo; trình tự, thủ tục kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
Trách nhiệm tái chế sản phẩm điện – điện tử
Theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, từ ngày 1/1/2025, các nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện – điện tử phải thực hiện trách nhiệm tái chế.
Các sản phẩm điện – điện tử bao gồm: tủ lạnh, tủ đông, thiết bị tự động cung cấp sản phẩm đông lạnh, máy bán hàng tự động; điều hoà không khí cố định, di động; máy tính bảng, máy tính xách tay; ti vi và màn hình máy tính, các loại màn hình khác; bóng đèn compact; bóng đèn huỳnh quang; bếp điện, bếp từ, bếp hồng ngoại, lò nướng, lò vi sóng; máy giặt, máy sấy; máy ảnh, máy quay phim; thiết bị âm thanh (loa, amply); máy tính để bàn; máy in, photocopy; điện thoại di động; tấm quang năng.
Tuy nhiên, nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm điện – điện tử sẽ không phải thực hiện trách nhiệm tái chế nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Sản xuất sản phẩm, bao bì để xuất khẩu; Tạm nhập, tái xuất sản phẩm, bao bì; Sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm (không vì mục đích thương mại); Nhà sản xuất bao bì có doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ của năm trước dưới 30 tỷ đồng; Nhà nhập khẩu bao bì có tổng giá trị nhập khẩu (tính theo trị giá hải quan) của năm trước dưới 20 tỷ đồng.
Sản phẩm điện – điện tử phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025 |
Đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải từ ngày 05/01/2025
Theo Nghị định 153/2024/NĐ-CP quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải là bụi, khí thải công nghiệp xả ra môi trường phải được xử lý của các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có nội dung cấp phép về xả khí thải (cơ sở xả khí thải).
Cơ sở xả khí thải bao gồm: Cơ sở sản xuất gang, thép, luyện kim (trừ cán, kéo, đúc từ phôi nguyên liệu); Cơ sở sản xuất hóa chất vô cơ cơ bản (trừ khí công nghiệp), phân bón vô cơ và hợp chất ni tơ (trừ phối trộn, sang chiết, đóng gói), thuốc bảo vệ thực vật hóa học (trừ phối trộn, sang chiết); Cơ sở lọc, hoá dầu; Cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại; sử dụng phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; Cơ sở sản xuất than cốc, sản xuất khí than; Nhà máy nhiệt điện; Cơ sở sản xuất xi măng; Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác có phát sinh bụi, khí thải công nghiệp không thuộc các điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e và điểm g khoản 1 Điều 3 Nghị định 153/2024/NĐ-CP.
Cũng theo quy định mới, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn về hoạt động quan trắc khí thải, xác định lưu lượng khí thải, nồng độ chất thải gây ô nhiễm chịu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải; Tổng hợp đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải (nếu có) gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ.
Điều chỉnh đối tượng được miễn giấy phép môi trường
Từ 15/01/2025, đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường 2020 được miễn giấy phép môi trường khi thuộc: Dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công; hoặc Dự án đầu tư hoặc phương án khai thác khoáng sản nhóm IV theo quy định của pháp luật về địa chất, khoáng sản của tổ chức được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, lựa chọn là nhà thầu thi công để phục vụ các dự án quan trọng quốc gia, dự án đầu tư công khẩn cấp, công trình, hạng mục công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia...
Phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt
Theo khoản 7 Điều 79, khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ Môi trường, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được thực hiện phân loại chậm nhất là ngày 31/12/2024 theo nguyên tắc: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác.
Phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt |
Theo khoản 1, 2 Điều 79 Luật Bảo vệ Môi trường, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo căn cứ: Phù hợp với quy định của pháp luật về giá; Dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại; Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng chất thải thực phẩm, chất thải rắn sinh hoạt khác thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác.