Thanh Hóa nâng cao công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 1 Khu kinh tế (Khu kinh tế Nghi Sơn), 08 KCN, 44 CCN được thành lập; đã thu hút được 492 cơ sở, doanh nghiệp vào hoạt động. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), để việc xử lý chất thải rắn (CTR) tại các KCN và CCN, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đã tiến hành xử lý CTR bằng phương pháp đốt, làm nhiên liệu cho lò hơi, vật liệu san lấp, tận dụng tái chế hoặc hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý... Vì vậy khối lượng xử lý tại các KCN và CCN bình quân đạt trên 90%.
Các loại CTR phát sinh trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp tại các KCN, CCN đều được các doanh nghiệp thu gom, phân loại tại nguồn nhằm tăng khả năng tái chế, tái sử dụng các nguồn chất thải cho cơ sở và các ngành khác. Các chủ nguồn thải có phát sinh lượng chất thải nguy hại lớn đã đăng ký và được cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Lượng chất thải nguy hại phát sinh từ các chủ nguồn thải này phần lớn được thu gom và hợp đồng với cơ sở đã được cấp phép để xử lý. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 82%.
Tại KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga (TP Thanh Hóa), các doanh nghiệp hoạt động ở nhiều lĩnh vực, ngành sản xuất khác nhau như cơ khí, sửa chữa ô tô, sản xuất bao bì, gạch men, đồ gỗ nội thất, dược phẩm, thực phẩm... Hàng ngày, các doanh nghiệp thải ra một lượng lớn rác thải, nước thải. Thời gian qua, UBND TP Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra hiện trạng thực tế và việc chấp hành của các doanh nghiệp trong KCN về bảo đảm vệ sinh môi trường. Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện một số vi phạm, tuy nhiên đây đều là những vi phạm nhỏ lẻ, để doanh nghiệp tự khắc phục, rút kinh nghiệm và cam kết không tái phạm. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga được bảo đảm, công tác vệ sinh môi trường không trở thành vấn đề nóng, không tác động tiêu cực tới các khu dân lân cận.
Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng phát triển bền vững |
Tuy nhiên, tại một số cơ sở chế biến đá ốp lát, vật liệu xây dựng, công tác thu gom, xử lý CTR công nghiệp còn nhiều hạn chế; còn tình trạng tập kết cồng kềnh, lấn chiếm diện tích, gây mất mỹ quan khu vực. CTR chưa xử lý hoặc xử lý không triệt để nảy sinh nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường, điển hình như: CCN thị trấn Yên Lâm (Yên Định); CCN Hà Phong (Hà Trung).. Đối với xử lý nước thải, đa số các cơ sở sản xuất ngành may mặc, da giày trong các KCN và CCN là cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài đều đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến khoáng sản chủ yếu sử dụng các hố lắng, ao lắng để thu gom, xử lý nước thải... Tuy nhiên, có nguy cơ rò rỉ, thải ra môi trường bên ngoài khi lượng nước thải vượt quá sức chứa. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất giấy và chế biến lâm sản tại các CCN với đặc tính nước thải của nhóm ngành này đậm đặc do ngâm ủ lâu ngày, có lượng kiềm và ô xi hóa lớn, nên chi phí xử lý nước thải cao; nếu không xử lý triệt để, có nguy cơ rò rỉ sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng đến đời sống thủy sinh.
Để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng phát triển bền vững, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường; rút ngắn thời gian thẩm định, cấp giấy phép môi trường; đôn đốc các cơ sở sản xuất đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống xử lý môi trường; rà soát toàn bộ các cơ sở có phát sinh nguồn nước thải, khí thải ở các điểm xả thải với lưu lượng lớn, yêu cầu lắp đặt trạm quan trắc tự động theo quy định xong trước ngày 1/1/2025...