Tập trung bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Hà Nội
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khẩn trương cụ thể hóa chỉ đạo tinh thần trên, chỉ đạo UBND thành phố, cũng như toàn hệ thống chính trị tăng cường triển khai các biện pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí gắn với thực hiện kế hoạch làm sạch rác thải trên địa bàn hướng tới Thành phố “sáng, xanh, sạch, đẹp”.
Thường trực Thành ủy Hà Nội giao Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường không khí; phát triển giao thông bền vững, phát triển giao thông công cộng, xây dựng vùng phát thải thấp, giảm thiểu ô nhiễm giao thông; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử phạt vi phạm và ban hành quy trình vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải phù hợp với thực tiễn.
UBND thành phố tiếp tục tăng cường đầu tư phương tiện thu gom rác thải hiện đại, xây dựng các trạm trung chuyển chất thải đúng quy hoạch và đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hợp tác quốc tế; tập trung rà soát các định mức, đơn giá trong lĩnh vực vệ sinh môi trường tại các quận, huyện, thị xã đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.
Ban cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách về quản lý ô nhiễm môi trường không khí. Xây dựng quy chế phối hợp, biện pháp quản lý chất lượng môi trường không khí liên tỉnh, liên vùng; hoàn thiện và vận hành ổn định hệ thống quan trắc môi trường không khí xung quanh tự động, liên tục; kiểm kê phát thải nhằm xác định nguồn phát thải và đối tượng phát thải chính, xây dựng cơ sở dữ liệu chung về môi trường, đồng thời chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ công tác quản lý phối hợp liên ngành.
UBND thành phố đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về khí thải; bảo vệ môi trường không khí tại các công trường xây dựng, cơ sở công nghiệp, năng lượng, y tế và giao thông vận tải; tổ chức và duy trì thường xuyên hoạt động phun nước rửa đường tại các trục, tuyến giao thông chính của các khu vực nội thị, khu vực đông dân cư để hạn chế bụi phát tán, đặc biệt trong điều kiện thời tiết hanh khô, lặng gió.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố và Luật Thủ đô, hình thành các vùng phát thải thấp; khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông phát thải thấp, sử dụng năng lượng sạch, xanh thân thiện môi trường; đẩy mạnh phát triển hệ thống vận tải công cộng để giảm phương tiện cá nhân tham gia giao thông; tăng cường công tác kiểm định khí thải đối với các phương tiện giao thông đường bộ, đảm bảo các phương tiện tham gia giao thông đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
Thành ủy Hà Nội yêu cầu xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong, chấm dứt hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp và đốt rác tự phát; đẩy mạnh thu gom, phân loại và tái chế rác thải để giảm lượng chất thải rắn phát sinh ra môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; thực hiện cảnh báo nguy cơ ô nhiễm không khí và hành động ứng phó khẩn cấp với ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
UBND thành phố sớm hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành chất thải rắn làm căn cứ pháp lý thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng các công trình, dự án về xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại; tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và xử lý chất thải rắn trên địa bàn; giám sát chặt chẽ hơn nữa đối với các nhà thầu để đảm bảo chất lượng các gói thầu duy trì vệ sinh môi trường.
UBND thành phố xây dựng các cơ chế khuyến khích, xã hội hóa nhằm thu hút, tăng cường đầu tư từ các nguồn ngoài ngân sách vào các công trình xử lý chất thải rắn, ưu tiên áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường; phát triển các nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại, thu hồi năng lượng, thân thiện môi trường theo quy hoạch; phát triển các dự án tại khu vực phía Nam, Tây Nam để giảm khoảng cách vận chuyển cho các địa bàn tại khu vực này và tiến tới tiến tới loại bỏ hoàn toàn chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.
Đồng thời, UBND thành phố tăng cường công tác quản lý đất đai, đặc biệt tại các khu đất trống, cần có biện pháp rào chắn, quản lý không để đổ trộm chất thải; đôn đốc, kiểm tra duy trì tốt vệ sinh môi trường, đặc biệt trong các dịp lễ, tết, sự kiện quan trọng; gắn trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương, các cá nhân được phân công phụ trách nếu để xảy ra tình trạng đổ chất thải, rác thải, phế thải xây dựng không đúng nơi quy định tại địa bàn quản lý.
Hà Nội tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân nhằm nâng cao ý thức, tích cực tham gia phản ánh, thông tin các hành vi vi phạm, phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, phân loại tại nguồn, tái chế, tái sử dụng tiến tới giảm thiểu khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý. Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý môi trường, quản lý chất thải rắn cho công chức làm công tác quản lý nhà nước về môi trường.
Thành ủy Hà Nội giao Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố phối hợp với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động các cơ quan, doanh nghiệp, tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp.
Các quận, huyện, thị ủy xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý môi trường trên địa bàn với phương châm “phường xã với phường xã, quận huyện với quận huyện” và nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn 4 quận nội đô lịch sử thành phố Hà Nội; xây dựng phương án cải tạo các dòng sông và kiểm soát chặt chẽ các nguồn ô nhiễm không khí, duy trì công tác vệ sinh môi trường và quản lý, giám sát các công trình xây dựng.
Thành ủy Hà Nội giao UBND thành phố phấn đấu đạt các chỉ tiêu đề ra cụ thể: 100% các quận, huyện, thị xã, khu dân cư tổ chức phong trào tự quản về môi trường. Phấn đấu 75% - 80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình; kiểm soát nồng độ PM2.5 trung bình năm đến năm 2030 ở phần lớn các trạm chuẩn trong khu vực nội đô dưới mức 40 ug/Nm3 và dưới mức 35 ug/Nm3 đối với các khu vực ngoại thành. 100% các công trường xây dựng thực hiện các biện pháp giảm bụi; 100% các hộ gia đình không sử dụng bếp than tổ ong hoặc các nhiên liệu than cấp thấp; 100% không đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp; giảm việc đốt vàng mã...