Huyện Tuy Phước: Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn
Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường
Ngày 25/6/2021, UBND huyện Tuy Phước đã ban hành kế hoạch hành động bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Theo đó, triển khai thực hiện từng nội dung, nhiệm vụ của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường một cách đồng bộ.
Một góc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. (Ảnh: T.Thắng) |
Ông Huỳnh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho biết, đối với các dự án đầu tư trên địa bàn huyện, ngay từ bước lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng các dự án phải đồng thời tiến hành lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Giấy phép môi trường trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở để xem xét cấp phép đầu tư thực hiện dự án. Đồng thời, trong mỗi dự án cần xem xét bố trí đủ vốn cho việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải.
Bên cạnh đó, để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường, UBND huyện thành lập Tổ công tác liên ngành thực hiện xuyên suốt nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, Tổ kiểm tra liên ngành của huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện hằng năm, tăng cường kiểm tra, kể cả đột xuất theo phản ánh và kiến nghị của người dân (thông qua đơn thư và đường dây nóng).
Qua kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân, cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định.
Huyện Tuy Phước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án phát triển cụm công nghiệp (CCN) thời kỳ 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2050 vào quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 14/12/2023. Các CCN bao gồm: Bình An, Quy Hội, An Sơn, Tây Hoàng Giang, Bình An mở rộng.
Việc thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp là “đòn bẫy” quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. |
Việc thu hút đầu tư vào các CCN góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho địa phương. Do đó, huyện Tuy Phước xác định, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, thời gian qua, UBND huyện Tuy Phước đặc biệt quan tâm chú trọng đến phát triển CCN nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, giải quyết việc làm tại chỗ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện; đồng thời, khắc phục tình trạng sản xuất phân tán, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, kiểm soát về môi trường. Ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng công nghiệp và nhà đầu tư sản xuất công nghiệp thực sự có năng lực, có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
Nhiều giải pháp hướng đến môi trường xanh, sạch, đẹp
Để triển khai thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, UBND huyện Tuy Phước đã tổ chức thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ về bảo vệ môi trường phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trên cơ sở quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, xác nhận, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo thẩm quyền; ban hành Phương án chi tiết thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phân loại, thu gom chất thải theo quy định. Tổ chức thực hiện các phương án thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý triệt để chất thải phát sinh trên địa bàn. Gắn trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, hướng đến môi trường xanh, sạch, đẹp.
Các tổ chức, đoàn thể và nhân dân huyện Tuy Phước chung tay bảo vệ môi trường. |
Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước - ông Huỳnh Nam cho biết: Hiện nay, huyện đã triển khai công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn 13/13 xã, thị trấn với 39.192 hộ dân, cơ quan, đơn vị. Khối lượng rác thải thu gom hàng tháng trung bình khoảng 1.987,78 tấn. Đối với chất thải nông nghiệp hiện nay được các hộ dân trên địa bàn huyện tái sử dụng vào mục đích chăn nuôi hoặc sử dụng để trồng nấm, không thải ra môi trường.
Tính đến tháng 9/2024, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị đạt 94,48%, khu vực nông thôn đạt 87,84%. Công tác phối hợp với các địa phương trong việc giải quyết các vấn đề môi trường được đẩy mạnh thực hiện, qua đó, kịp thời giải quyết đơn, thư kiến nghị, khiếu nại của công dân về tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định.
Lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân bằng các hoạt động thiết thực. |
Thời gian tới, huyện Tuy Phước tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đến cộng đồng, người dân, tổ chức, đơn vị, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại – dịch vụ.
Bên cạnh đó, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại cơ sở sản xuất kinh doanh, cụm công nghiệp, làng nghề, đặc biệt tập trung các cơ sở có nguồn thải lớn; khu sinh hoạt công cộng; chợ,… Gắn công tác kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới; nông thôn mới nâng cao; nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh.
Đồng thời, phát động phong trào trồng hoa, cây xanh, cải tạo vườn tạp, nạo vét, khơi thông ao, hồ cống rãnh, xanh rào dậu, sạch đường làng, ngõ xóm, sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ.
Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình, tổ tự quản về công tác bảo vệ môi trường; công tác sản xuất, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp theo hướng thân thiện môi trường; nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học.
Đặc biệt, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo hồ sơ môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định.
Ngoài ra, đẩy mạnh công tác xã hội hoá về nhiệm vụ phân loại rác thải tại nguồn, lựa chọn giải pháp phân loại rác thải tại nguồn phù hợp với điều kiện thực tế tại cấp cơ sở. Đối với rác thải thực phẩm từ sinh hoạt, sẽ xây dựng các hố và đầu tư thùng ủ phân hữu cơ tại hộ gia đình; thành lập Tổ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm công cộng, nhà dân để thu gom về thùng ủ chất thải hữu cơ hoặc hố ủ chất thải hữu cơ.
Thành lập các đội, nhóm tự nguyện thu gom chất thải hữu cơ trong sinh hoạt tại hộ gia đình, cá nhân để xử lý, ủ phân hữu cơ phục vụ chăn nuôi, trồng trọt.
Huy động các tổ chức, hợp tác xã nông nghiệp tham gia hoạt động phân loại, xử lý chất thải hữu cơ từ sinh hoạt đời sống của cộng đồng, dân cư để xử lý, ủ phân hữu cơ.