Ghé thăm Làng nghề chiếu cói truyền thống nổi tiếng ở Bình Định

20/05/2024 10:15 Kinh tế, xã hội
Hình thành gần 300 năm, nghề chiếu cói tại thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đã có mặt khắp thị trường trong nước, nhất là các tỉnh duyên hải miền Trung. Với lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời, Làng nghề chiếu cói Hoài Nhơn được UBND tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống của tỉnh.
Ghé thăm Làng nghề chiếu cói truyền thống nổi tiếng ở Bình Định
Làng nghề dệt chiếu cói đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống.

Nghề dệt chiếu cói vốn là nghề truyền thống đã có từ rất lâu đời ở xã Hoài Châu Bắc, Thị xã Hoài Nhơn và một số địa phương khác ở Bình Định. Chiếu cói Hoài Nhơn nổi tiếng với độ óng mượt, dẻo dai, với đủ màu sắc và kích thước. Có nhiều loại chiếu khác nhau như: chiếu khổ rộng, khổ hẹp, chiếu trơn và chiếu hoa.

Để làm ra được một chiếc chiếu thành phẩm, người dân làng nghề làm chiếu đã trồng những cánh đồng Cói (người dân địa phương quen gọi là Lác) và thu hoạch, một năm thường thu hoạch từ 2 đến 3 vụ tuỳ vào điều kiện thời tiết, sau đó đem đi cắt, chẻ và phơi để làm nguyên liệu. Ngoài cói ra, còn cần phải có trân, chỉ, phẩm nhuộm và khung cửi hoặc máy dệt chiếu. Nhưng quan trọng nhất vẫn là cói, cói tốt thì chiếu mới dẻo dai, bền được; còn về sự thẫm mỹ thì phụ thuộc vào bàn tay của người thợ dệt với các hoa văn, hoạ tiết và màu sắc khác nhau. Các bước để làm nên một chiếc chiếu đều được những người thợ cẩn trọng, tỉ mĩ, không thể xem nhẹ một yếu tố hay công đoạn nào.

Để làm ra được một chiếc chiếu thành phẩm đến tay người tiêu dùng, cần lựa chọn kỹ nguyên liệu cũng như khéo léo trong các công đoạn sản xuất.
Để làm ra được một chiếc chiếu thành phẩm đến tay người tiêu dùng, cần lựa chọn kỹ nguyên liệu cũng như khéo léo trong các công đoạn sản xuất.

Đối với loại chiếu hoa, sẽ được dệt từ các sợi cói trắng xen kẽ các sợi cói đã được nhuộm màu để tạo ra một chiếc chiếu có hoa văn độc đáo, thậm chí là theo mẫu của người thu mua, đặt hàng. Đặc trưng và được ưa chuộng có các mẫu mã như: chiếu hoa râm, chiếu gấm, chiếu vảy ốc, chiếu con cờ, chiếu long phụng. Còn loại chiếu trơn thì mộc mạc, bình dị hơn chỉ với những sợi cói trắng tự nhiên.

Những chiếu đầy màu sắc được tạo nên bởi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người thợ làm chiếu.
Những chiếu đầy màu sắc được tạo nên bởi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người thợ làm chiếu. Mỗi chiếc chiếu cói thành phẩm được bán ra thị trường với giá dao động từ 80.000 đến 150.000 đồng tùy theo mẫu mã, kích cỡ.

Ông Nguyễn Ngộ (thôn Gia An Đông, xã Hoài Châu Bắc) cho biết, hằng năm, vào khoảng tháng 4 đến tháng 6 là bắt đầu mùa thu hoạch cói. Một năm nếu chăm sóc tốt và gặp thời tiết thuận lợi thì có thể thu hoạch được 2 lần. Mùa thu hoạch cói cũng là mùa mà miền Trung đón những đợt nắng gay gắt, nên ngay từ sáng sớm mọi người đã phải ra đồng để thu hoạch rồi.

“Gia đình tôi có 5 sào cói, tầm 3 tháng là có thể thu hoạch. Sau khi thu hoạch cói ở dưới ruộng lên thì đem chẻ ra, rồi phơi khô mới bán được cho thương lái. Giá cói bán ra khoảng 15 nghìn đồng/kg, 1 sào cói như thế có thể thu hoạch được 500kg cói khô” - ông Ngộ nói.

Vốn dĩ trước đây, nghề dệt chiếu cói được dệt thủ công, nhưng sau này, nhờ máy móc hiện đại và phát triển nên người dân làng nghề đã dùng thêm máy móc để tiết kiệm sức lao động bên cạnh những chiếc chiếu được dệt thủ công truyền thống.

Với mỗi chiếc chiếu dệt máy, chỉ mất khoảng 40 đến 50 phút, trung bình mỗi ngày một người thợ có thể làm ra 10 đến 15 chiếc.
Với mỗi chiếc chiếu dệt máy, chỉ mất khoảng 40 đến 50 phút, trung bình mỗi ngày một người thợ có thể làm ra 10 đến 15 chiếc.

Chị Võ Hiền (xã Hoài Châu Bắc) cho biết, những người thợ trong làng nghề hầu như ai cũng biết làm chiếu từ khi còn trẻ, có những người từ bé đã học làm chiếu. Cứ vào mùa thu hoạch cói, người dân trong làng sẽ phải ra đồng từ mờ sáng để kịp thu hoạch và mang đi phơi. Để làm được một chiếc chiếu thành phẩm cần rất nhiều công đoạn, từ khâu lựa chọn vật liệu đến lúc bắt tay vào làm đều phải kỹ lưỡng. Tuy vất vả nhưng có thu nhập ổn hơn so với nghề trồng lúa.

Một số hộ gia đình làm nhỏ lẻ, sẽ thu mua nguyên liệu cói của các hộ khác để về sản xuất chiếu và bán cho các thương lái, như vậy, hằng năm cũng tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Đồng thời, cũng là để gìn giữ, phát huy giá trị làng nghề truyền thống của quê hương đã tồn tại từ bao đời.

Lãnh đạo UBND xã Hoài Châu Bắc cho biết, làng nghề truyền thống dệt chiếu cói nổi tiếng của xã đã được hình thành và phát triển gần 300 năm, chủ yếu tập trung ở 5 thôn bao gồm: thôn Gia An Đông, Gia An Nam, Gia An, Chương Hòa và Quy Thuận. Toàn xã có hơn 1.500 hộ dân làm nghề này.

Trong những năm qua, làng nghề dệt chiếu cói Hoài Nhơn rất phát triển, giúp giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống người dân trong làng nghề.

Ngày nay, những sản phẩm về chiếu có thể đa dạng với nhiều chất liệu, mẫu mã, nhưng Làng nghề chiếu cói truyền thống Hoài Nhơn vẫn mang những giá trị và sự ưa chuộng nhất định trên thị trường. Không đơn thuần chỉ là giá trị sử dụng mà còn là giá trị văn hoá truyền thống, là sản phẩm đặc trưng riêng có mà cha ông để lại cho người dân miền “đất võ, trời văn” Bình Định.

Nguyễn Nhàn - Nguyễn Điềm
Xin chờ trong giây lát...

Cả nước đồng lòng hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới

Phiên bản di động